Covid-19, khủng hoảng toàn cầu và bài học nào cho Việt Nam?

- Quảng Cáo -

Đỗ Ngà|

Ngày 9 tháng 4, bà Kristalina Georgieva -Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, các chính phủ trên thế giới đã chi đến 8.000 tỷ đô (bằng tổng GDP của Nhật Bản và Ấn Độ cộng lại) để hỗ trợ tài chính vì cơn đại dịch COVID-19. Chắc chắn những gói này sẽ được chia ra thành 3 phần: phần thứ nhất là dùng để chống dịch; phần thứ 2 là để cứu trợ cho dân; và phần thứ 3 là cứu trợ cho doanh nghiệp. Như ta biết, theo World Bank thì năm 2019 tổng GDP trên toàn cầu là 88.081 tỷ đô. Vậy là số tiền mà các nước chi ra ứng phó với bệnh dịch và hậu quả của nó thôi đã chiếm 9,1% tổng GDP toàn cầu.

Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tung ra gói 250 ngàn tỷ để hỗ trợ doanh nghiệp. Chính phủ tung 30 ngàn tỷ để hỗ trợ giảm thuế, dãn thuế cho doanh nghiệp. Và mới đây, chính phủ lại bung thêm gói 62 ngàn tỷ để chống dịch. Và như vậy thì trước mắt chính quyền CS Việt Nam đang phải chi ra 342 ngàn tỷ đồng tương đương với 16,6 tỷ đô bằng 6,3% GDP để ứng phó với khủng hoảng do dịch bệnh gây ra. Mức chi ấy thấp hơn mức trung bình của thế giới. Đấy là Việt Nam chưa bùng phát ổ dịch, chứ nếu bùng phát thì con số chi ra chắc chắn sẽ cao hơn. Cho nên có thể nói cơn đại dịch này vô cùng khó lường. Không những nó làm tổn thất nặng nề về kinh tế mà nó còn làm tổn thất nặng nề về sức khỏe và nhân mạng của con người. Hiện giờ không ai đoán định được nó sẽ kéo dài trong bao lâu, và còn bao nhiêu ổ dịch lớn nữa bùng phát tiếp theo sau nước Mỹ? Cơn đại dịch này lớn chưa từng có. Thật đáng sợ!

Điều mà chúng ta đang thấy là hầu như Ngân hàng Trung ương quốc gia nào cũng đang dùng chính sách tiền tệ mở rộng để ứng phó trước mắt. Đấy là chưa nói đến chính sách tài khóa của các chính phủ. Thông thường khi kinh tế gặp khó khăn thì chính phủ sẽ tăng chi tiêu để tạo việc làm cho xã hội. Nhưng đó là thời kỳ khủng hoảng vì nguyên nhân về kinh tế đơn thuần chứ không phải khủng hoảng do dịch bệnh. Như ta biết khi có khủng hoảng kinh tế thì thất nghiệp tăng cao, và chính thành phần đang thất nghiệp ấy họ cũng rất khát khao để được đi làm, nên chỉ cần Chính Phủ tăng chi tiêu qua các dự án công thì ắt tạo ra một khối lượng việc làm đáng kể để làm giảm tỷ lệ thất nghiệp và tạo cú hích tăng trưởng. Thế nhưng nay thì khác, tuy dân không có việc làm nhưng họ lại bị buộc phải chôn chân ở nhà để tránh dịch, cho nên dù cho chính phủ có tăng chi tiêu thì cũng khó mà tạo cú hích tăng trưởng được. Đấy là cái khó mà chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đang phải đối phó.

- Quảng Cáo -

Chính sách tiền tệ mở rộng là tăng cung tiền, tăng chi tiêu chính phủ cũng tăng cung tiền. Giả sử tiền cung nhưng không thể tạo cú hích tăng trưởng mà ngược lại, hàng hóa làm ra lại sụt giảm thì sao nhỉ? Tiền nhiều mà hàng ít, tất lạm phát sẽ xảy ra nhiều nơi trên thế giới. Đấy là viễn cảnh sắp xảy ra trong nay mai mà thôi.

Ngày 17 tháng 3 năm 2020, trên website của Cục Thống Kê Trung Quốc cho biết tỷ số tăng trưởng công nghiệp của nước này từ mốc 6,9% tháng 12 năm 2019 đã rơi tự do xuống còn -13,5% trong 2 tháng đỉnh điểm dịch. Kinh khủng! Như ta biết, Trung Quốc hiện là công xưởng thế giới, họ đang là vị trí trung tâm trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thì tất yếu sự khủng hoảng của họ cũng sẽ kéo theo tăng trưởng của Mỹ, EU và Nhật cũng sụt giảm. Đấy là chưa nói chính EU và Mỹ cũng đang bị COVID-19 dập cho tơi tả. Vì những nước này đang trong đỉnh của cơn đại dịch nên chưa có con số thống kê. Và chắc chắn, những quốc gia này sẽ khó tránh khỏi hoàn cảnh như Trung Quốc. Khi sản xuất sụt giảm nghiêm trọng thì sau dịch chắc chắn sẽ có rất nhiều mặt hàng trở nên khan hiếm. Mà khi cả thế giới đều khan hiếm hàng thì tất những nước nào bạo vì tiền sẽ có điều kiện tốt hơn giải quyết sự thiếu hụt. Còn chúng ta đang mạnh vì gạo (nghĩa đen) thì nên suy nghĩ xa một chút để tránh những anh bạo vì tiền hốt hết gạo của mình.

Trung Quốc hiện nay đã dỡ lệnh phong tỏa với ổ dịch Vũ Hán, nghĩa là Trung Quốc ở thời kỳ hậu dịch cúm rồi. Được biết Trung Quốc đang có nhu cầu tăng 700% lượng gạo nhập khẩu từ Việt Nam. Vậy thì đã rõ, Trung Quốc hiện nay được ví như là một anh say rượu mới vừa tỉnh giấc, cơ thể anh ta đang rất khát và anh ta muốn nốc một lượng nước gấp 7 lần lượng nước bình thường. Đây là một bằng chứng cho thấy rằng, nhu cầu khát gạo hậu COVID-19 của những quốc gia bị bùng thành ổ dịch là có thật. Vậy nếu nói Trung Quốc khát gạo mãnh liệt hậu COVID-19 thì Việt Nam sẽ không xảy ra hiện tượng như thế sao? Giả sử hôm nay ta xuất sang Trung Quốc hết thì dịch COVID-19 mới bùng phát, vậy thì khi đó ta tính sao đây?

Bà Kristalina Georgieva đã nói rằng “đại dịch COVID-19 sẽ đưa tăng trưởng kinh tế toàn cầu về mức âm cực lớn trong năm 2020, khơi dậy cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ đại suy thoái những năm 1930. Chỉ 3 tháng trước, chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng thu nhập trên đầu người ở con số dương cho hơn 160 quốc gia thành viên trong năm 2020. Hôm nay, con số này đã quay đầu: chúng tôi hiện dự đoán hơn 160 quốc gia sẽ ghi nhận tăng trưởng thu nhập theo đầu người ở mức âm trong năm nay”(hết trích)

Đây không phải là dự đoán của bà Kristalina Georgieva mà là khẳng định thì đúng hơn. Vì sao? Vì không có đặc điểm nào cho thấy thế giới có thể thoát khỏi cơn đại khủng hoảng này cả. Giả sử nếu may mắn Việt Nam không xảy ra sự bùng nổ dịch bệnh thì đấy là một đặc ân trời ban, nên đừng bao giờ chủ quan khẳng định Việt Nam sẽ “miễn nhiễm” với COVID-19 được, vì thế nên đừng chủ quan dốc hết lúa gạo giải khát cho “bạn vàng”. Nếu hôm nay xuất đi, rủi Việt Nam xảy ra đại dịch thì sau đó ai giải khát cho ta? Hay lúc đó phải sang Bắc Kinh năn nỉ Trung Quốc bán lại lượng gạo mà ta đã bán cho họ trước đó với giá đắt gấp nhiều lần? Việt Nam cũng từng bán than qua Trung Quốc giá rẻ bèo rồi lại nhập lại với giá cắt cổ đấy thôi? Vậy nên hãy nghĩ rộng ra một chút, đừng vì quá ham tiền mà mờ mắt.

Ngày 8 tháng 4 trên báo Dân Trí có bài viết “Trung Quốc ép Ý mua lại lô khẩu trang từng quyên góp cho tâm dịch Vũ Hán”, ngay tựa đề bài viết đã nói lên dã tâm của Trung Quốc thế nào rồi. Hôm nay anh gặp nạn thì người ta quyên góp cho anh, nhưng ngày mai khi người ta gặp nạn thì anh lại đem số hàng mà người ta tặng ấy bán lại kiếm tiền. Đấy là bài học nhãn tiền cho ĐCS Việt Nam mở mắt ra mà xem. Rất có thể hôm nay Trung Quốc mua gạo của ta để tích trữ, để đợi ngày mai khi ta thiếu nó bán lại với giá cắt cổ, tại sao không? Không ai xa lạ gì bản chất đó của Trung Cộng. Hãy cẩn thận, nếu hôm nay tính sai một li thì ngày mai sẽ mất đến một dặm. Đừng để lòng tham mờ mắt, hãy nhớ đấy!

-Đỗ Ngà-

Tham khảo:

https://tuoitre.vn/imf-the-gioi-toi-gio-da-chi-8-000-ti-usd…

http://www.stats.gov.cn/…/Pre…/202003/t20200317_1732640.html

https://dantri.com.vn/…/trung-quoc-ep-y-mua-lai-lo-khau-tra…

https://baodatviet.vn/…/o-at-xuat-viet-nam-nhap-than-gia-c…/

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here