Xây dựng thương hiệu là tạo sự tin tưởng trong lòng người tiêu dùng. Muốn vậy, nhà sản xuất phải làm tốt 2 điều: thứ nhất là hàng hóa có phải có chất lượng tương xứng; thứ nhì là có chiến lược quảng cáo sản phẩm phải đi vào lòng người. Quảng bá để mọi người ta biết đến anh, khi người ta biết rồi họ sẽ tìm đến, và khi họ tìm đến mà anh lại trao cho họ một sản phẩm đáng giá thì khi đó, ấn tượng tốt sẽ hình thành. Qua năm tháng lòng tin sẽ mọc rễ, và từ đó thương hiệu sẽ trụ vững trong lòng mọi người. Người làm kinh tế giỏi thì khách hàng là kẻ hưởng lợi trước tiên, rồi từ cái lợi của khách hàng mà doanh nghiệp có được những lợi ích lâu dài. Người có cách làm như vậy thì được gọi là doanh nhân.
Khi một người làm kinh tế mà chỉ cố quảng cáo thật kêu nhưng lại bán sản phẩm tồi, thì rõ ràng họ đã móc túi khách hàng. Hay nói đúng hơn là khách hàng đã bị lừa. Cách làm ăn này có chứa sự gian trá. Kẻ nào làm ăn như thế được gọi là con buôn. Như vậy bản chất của con buôn là gì? Là họ chỉ muốn phần lợi thuộc về mình và đẩy hết phần thiệt thòi về kẻ khác.
Làm chính trị ở các nước dân chủ cũng vậy. Khi đất nước đứng trước một thảm họa, thì vị nguyên thủ có tài lãnh đạo là người phải làm tốt 2 điều: thứ nhất là vạch ra chiến lược và giao nhiệm vụ cho các ban ngành thực thi công tác ứng phó một cách hiệu quả; thứ nhì là chính họ phải xuất hiện trước công chúng để thể hiện cái thiện chí của người lãnh đạo vì dân vì nước quên mình. Nói cho đơn giản thì nhà lãnh đạo giỏi là nói hay nhưng cũng phải làm giỏi. “Nói hay và làm giỏi” không đồng nghĩa với câu “nói đi đôi với làm” của ông Hồ. Từ làm “làm” hoàn toàn khác với từ “làm giỏi”. Người CS sản chỉ có làm và kết quả của nó bao giờ cũng rất tồi, nói thẳng ra là cách làm người CS chủ yếu là phá hoại hoặc khá lắm thì cũng có kết quả nhưng rất hạn chế. Nên nhớ “nói hay làm giỏi” là cách làm của nhà lãnh đạo tài ba, còn “nói đi đôi với làm” là câu nói mị dân của những người Cộng Sản. “Nói hay làm giỏi” bao giờ cũng xây dựng được thương hiệu “chính trị gia có năng lực” trong lòng dân chúng. Và nếu làm vượt sự mong đợi của dân chúng, họ đó có thể lưu danh sử sách.
Tương tự như làm kinh tế, kẻ làm chính trị cũng có những kẻ là con buôn chính trị và cũng có kẻ nhà chính trị đích thực. Khi bọn con buôn làm chính trị thì điều mà chúng ta dễ nhận ra nhất, đó là họ chỉ đạo thực thi chính sách rất tồi nhưng đằng sau đó luôn có một hệ thống truyền thông tô vẽ hình ảnh một cách quá lố. Việc nói hay làm dở của các ông độc tài sẽ không thể qua mắt được người dân ở xứ văn minh, nhưng nó sẽ dễ dàng qua mắt dân chúng ở những xứ độc tài. Ở Việt Nam, thành phần ngây thơ chính trị chiếm rất đông nên hầu hết những trò tô vẽ nhố nhăng của ban tuyên giáo sẽ dễ dàng lấy lòng họ. Và Nguyễn Phú Trọng là một ví dụ, ông ta đã lấy lòng một bộ phận không nhỏ người dân Việt Nam theo cách này.
Nhìn vào mô hình nhà nước CS ta thấy họ đã chuẩn bị một ban bệ khổng lồ – ban tuyên giáo để chuyên tô vẽ hình ảnh lãnh đạo thì đủ biết, ĐCS đã dự định làm con buôn chính trị ngay từ khi nó giành lấy quyền thành lập nhà nước. Quản lý tồi, lạm sát sinh mạng đồng bào vô tội vạ, nướng hàng triệu sinh mạng đồng bào chỉ vì để thỏa cơn khát máu kiểu “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập ” vv… Và nếu những thứ đó không được bộ máy dối trá tô vẽ thành thứ “nhiệm vụ thiêng liêng”, thì rõ ràng chính nó đã gây sự căm phẫn kinh khủng trong lòng hàng triệu đồng bào rồi. Đã qua ¾ thế kỷ thì chúng ta nhìn lại thấy gì? Đó là ĐCS chỉ biết thu vén cho lợi ích của mình mà đã đổ mọi đau thương mất mát lên đầu nhân dân, điều này thực tế rõ ràng và chúng ta không cần phải bàn cãi. Bản chất của đảng, bản chất chế độ này thế. Lợi ích của đảng bao giờ cũng trên lợi ích dân tộc và lợi ích đất nước.
Mấy ngày qua, dịch bệnh tấn công làm dân chúng hoang mang, thế nhưng ông chủ tịch nước đã lặn đi đâu? Trách nhiệm của ông đã vứt đi đâu khi đất nước đang đối diện với thảm họa? Chưa bao giờ hình ảnh của ông Nguyễn Phú Trọng lại rõ ràng như hôm nay. Chỉ biết đến an toàn của mình, đấy là cách ông ta đang thể hiện. Có thể rồi đây ban tuyên giáo sẽ biện minh rằng, “Đồng chí Tổng Bí Thư kiêm Chủ Tịch Nước vì là người yếu phải trốn dịch”. Nhưng nếu ông già yếu thì tại sao ông lại tham gia vào cuộc đấu đá khốc liệt trên chính trường để thâu tóm mọi thứ quyền lực to lớn về tay mình? Nguyên tắc, quyền lực phải đi đôi với trách nhiệm, vậy mà ông chỉ nhận lấy quyền lực còn trách nhiệm thì ông phủi. Mỉa mai thay, đấy lại là một con người được không ít người tung hô là kẻ “thế thiên hành đạo”. Vậy nên ta mới thấy, qua giáo dục nhồi sọ và tuyên truyền dối trá, nó đã bóp méo hình ảnh con người lệch lạc như thế nào.
Chắc chắn, mẫu lãnh đạo “an toàn cho mình là trên hết” như thế này sẽ được ban tuyên giáo tìm cách vẽ lại cho đẹp để mị dân. Biết đâu như mọi khi, nghe dân chửi rát quá ông lại trồi mặt lên. Nhưng dù cho có làm gì đi nữa thì chắc chắn, ông cũng không thể phủi được bản chất con buôn chính trị trong con người của ông được. Quá khứ ông đã trốn quân dịch để được an toàn mà ngoi lên vị trí cao như ngày nay, thì hôm nay ông vẫn thế, khi đã ở ngôi cao ông lại chui rúc vào nơi trú ẩn an toàn và phó mặc đất nước cho người khác đối phó. Trách nhiệm thì trốn, quyền lực thì ôm, thế mà ông là người “thế thiên hành đạo”?! Nực cười! Ông xứng đáng sao? Thật bất hạnh cho một đất nước!
-Đỗ Ngà-