I) Số phận
Hè 2015 tôi lái xe đưa anh Trương Duy Nhất từ Canada qua Mỹ thăm anh Hải Điếu Cày; biên phòng Mỹ nhìn cuốn hộ chiếu của tôi không tới chục giây còn của Nhất thì họ đề nghị là vào phòng riêng kiểm tra lại, có visa rồi mà còn kiểm tra thân thế, sự nghiệp tù đầy khá lâu sau mới cho qua. Chúng tôi, hai cái mặt Việt, chỉ khác là ảnh dán ở hai cuốn hộ chiếu của hai xứ sở khác nhau và lập tức nhận được hai cách đối xử hoàn toàn khác nhau.
Đầu năm 2019 tôi qua Ottawa họp Nội các mở rộng (supercaucus meeting). Trong lúc tôi đang tán gẫu hàng ngày với dàn nghị sỹ, thứ bộ trưởng cánh Bảo thủ Canada thì anh báo tin phải rời Đà Nẵng, qua Cambodia và Thailand… Tôi động viên bạn nghỉ ngơi ít ngày rồi sẽ thu xếp sớm gặp nhau.
Đang ngồi họp trong toà nhà Parliament Hill (Nghị viện Canada) thì hay tin bạn mình mất tích. Bỗng thấy thật giận mình là đã chưa kịp giúp bạn sớm hơn. Rồi nghĩ đến sự an nguy của bạn, và an toàn tự do của mình tôi không khỏi ngậm ngùi xót xa cho anh. Con người quả cảm, dũng khí và tài năng như anh đáng ra phải có chỗ đứng trang trọng ở tầm quản trị quốc gia vậy mà làm một nhà báo tự do cũng không yên ở cái xứ sở mang tên Việt Nam hôm nay.
Thầm phục bạn mình, tay không tấc sắt mà thừa dũng khí. Đụng thẳng đến cái chân đế của quyền lực tại Việt Nam; khiến nhà cầm quyền phải đạp lên luật pháp quốc gia cũng như quốc tế quyết lùng bắt về bằng được.
Sau khi Đảng Bảo Thủ không giành được chiến thắng, thủ lĩnh đảng (người nếu thắng cử thì thành Thủ tướng Canada) và dàn ứng viên của đảng (những người nếu đắc cử thì thành các thứ bộ trưởng, các nghị sỹ liên bang) ngồi họp với nhau tìm hiểu nguyên nhân. Tôi, dù rất quí mến tài năng và tinh thần chăm lao động của chàng trai trẻ Andrew, thủ lãnh đảng, nhưng vốn trực tính, tôi mở đầu: “Hai năm trước trong cuộc chạy đua vị trí đảng trưởng tôi hỏi anh là anh nói cho tôi biết lý do gì khiến tôi nên bầu cho anh? Anh nói đối thủ của anh là người đàn ông tuyệt vời, nhưng anh là con người sẽ đoàn kết được toàn đảng. Và tôi đã bầu cho anh. Vậy mà một năm trước khi chúng ta đang họp Đại hội đảng ở Halifax thì đảng Nhân dân Canada ra đời, và đảng đó lấy của chúng ta trên dưới 10% ủng hộ. Muốn thắng cử chúng ta phải mở được ba cánh cửa. Tôi mở được cánh cửa thứ nhất và được dân chúng quí mến, nhưng cánh cửa thứ hai là cương lĩnh tranh cử của đảng và cánh cửa thứ ba là con người thủ lĩnh đảng bị đóng chặt thì làm sao chúng ta chiến thắng?…” Tiếp đó tôi mổ xẻ mọi vấn đề và tất nhiên là đụng chạm mạnh mẽ tới quyền lực tối cao trong toàn đảng. Vậy mà họp xong tôi nhận được vô vàn cái bắt tay cảm ơn. Như các bạn biết, sau đó Thủ lĩnh đảng Bảo thủ trước nhiều sức ép mấy hôm rồi đã từ chức. Khác bạn mình, tôi ung dung ở xứ lá phong, nơi chẳng cánh cửa nhà tù nào chào đón những người bất đồng chính kiến ôn hoà cả. Chưa thắng cử thì vợ chồng tôi đi chơi, vi vu vượt kênh đào Panama, băng tiếp qua đường Xích đạo tạt xuống mũi Sừng bò, cực nam của Tây bán cầu, rồi ngược lên… dọc ngang khắp quả địa cầu trong khi bạn mình vẫn đang được nhà cầm quyền bên nhà loay hoay xào xáo nhào nặn các loại cáo trạng sao cho ra có tội trong cái hũ mang tên Việt Nam.
Lần ra toà trước của Nhất, tôi có liên lạc với an ninh sứ quán Việt Nam tại Canada đề nghị cho tôi cùng luật sư nhân quyền quốc tế về tham dự phiên toà. Sau vài tuần cậu an ninh sứ quán gọi điện thăm hỏi rất lâu rồi lịch sự: “Anh ơi bên nhà từ chối anh về tham dự phiên toà; nhưng anh yên tâm đi, vụ này cũng nhẹ nhàng thôi mà”. Nghe vậy cũng đỡ xót cho bạn, vì chắc án không dài, nhưng cũng nẫu lòng với công lý kiểu đó, nơi toà (đứa con ghẻ của nền chuyên chính) chưa xử, bên an ninh (đứa con đẻ của nền chuyên chính) đã biết tỏng là án gì, như thế nào rồi.
Năm nay anh bị bắt, tôi lại muốn về thăm. Bên Canada yêu cầu Hà Nội thu xếp cho vợ chồng tôi thăm anh trong tù. Hà Nội yên lặng không đáp ứng yêu cầu đó. Nhưng suốt mấy tuần tôi ở Việt Nam không ai gây mảy may khó dễ, biên phòng nhoáy một cái là cho qua, đi lại cứ thun thút. Chỉ có bữa ngồi ăn cùng chị Phượng- vợ anh tại Đà Nẵng là có nhiều người thích đứng gần hóng chuyện, dù chị Phượng đã mấy lần lịch sự mời các em đó ra chỗ khác mà không em nào chịu rời… Còn thì nói chung là thoải mái cười, thoải mái chuyện khen chê chế độ… Ra phi trường Nội Bài về lại Canada cậu bạn học thời phổ thông giờ là thượng tá hay đại tá an ninh gì đó rỉ tai: “Ông về lần nào cũng bị theo dõi kỹ đấy, có lần đến phiên tôi, tôi phải thoái thác nhường phần trông ông cho người khác”. Tôi cười đáp lại: “Vậy thì ông cho tôi gửi lời chào anh em an ninh nhé, lần này nghiệp vụ cao đấy. May cho tôi, là phó thường dân, mà lại được trông coi kỹ nên không hề bị trộm cắp vặt gì”.
An ninh cao cấp Việt Nam, lâu nay trong con mắt của tôi là bản lĩnh, thông minh và điềm tĩnh. Họ đã không chọn cách đối xử thô bạo với tôi cũng như nhiều người con gốc Việt khác. Với lực lượng quân đội và công an hùng hậu, kèm dân trí manh mún, không đoàn kết, càng đông càng không mạnh đó, đảng cầm quyền chỉ cần đảm bảo kinh tế tiếp tục phát triển, bóp nát các tổ chức đối lập từ trong trứng nước thì họ cứ việc kê gối cao lên mà ngủ. Nhưng làm thân phận một người con đất Việt luôn day dứt với non sông chưa bao giờ là điều đơn giản với Nhất cũng như nhiều người khác. Tôi khâm phục Nhất cũng như nhiều nhà bất đồng chính kiến vì ai cũng biết là chặng đường đi rất dài mà vẫn không quản ngại dấn bước.
Khi anh mới ra tù lần trước, tôi mời anh qua Canada chơi dưỡng sức. Dự đoán cánh cửa nhà tù nơi anh mới lọt ra còn quyến luyến anh, tôi rủ anh định cư lại Canada. Anh cười: “Mình phải về Cương ơi, nếu ai cũng ra đi cả thì ai ở lại Việt Nam?”.
Yêu biết mấy những con người luôn cháy hết mình như Nhất!
Về lại Việt Nam, để rồi anh lại được nhanh chóng nhập kho tiếp. Cùng là sinh ra dưới những chòm sao nước Việt, nhưng sự chọn lựa của chúng tôi khác nhau nên số phận cũng theo hai hướng khác nhau.
Nghĩ về anh, cũng là nghĩ về thân phận người Việt hôm nay. Đến bao giờ đất nước này mới khiến cho chúng tôi phải thôi khắc khoải mà là tự hào? Kiếp người có hạn, chúng ta phải làm gì cho điều ấy chóng đến?
Nghĩ cho cùng số phận chúng tôi đến giờ khác nhau vì một lựa chọn cơ bản: anh chọn tình yêu nên luôn chọn làm công dân Việt Nam, tôi chọn tự do nên chọn con đường làm công dân toàn cầu. Hai giá trị này ở Việt nam lâu nay luôn phủ định lẫn nhau. Vậy làm sao cho tình yêu và tự do có thể song hành ở Việt Nam? Câu trả lời: để có tự do cho anh cũng như cho nhiều người khác là Việt Nam sớm trở thành một xứ sở toàn cầu, chỉ khi đó mọi công dân của nó mới có cơ hội tiếp cận nhiều hơn tới tự do.
(Còn tiếp…)
Phạm Ngoc Cương
Chile 12/2019
Tác giả gửi tới Dân Luận