Vậy là Phạm Nhật Vũ đã bị tuyên mức án 3 năm tù giam sau khi ‘trộm’ không thành 8.900 tỷ của công trong phi vụ AVG.
So với nhiều vụ xử các kẻ trộm khác mà dù đồ ăn trộm giá trị kém gấp trăm ngàn lần vẫn bị mọt gông, bản án quá nhẹ dành cho Vũ không khác một sự nhạo báng công lý.
Để khỏa lấp sự lố bịch của bản án này, nhiều trò đã được họ bày ra. Nào là 2000 tổ chức, cá nhân xin khoan hồng cho Vũ. Nào là Viện Kiểm sát đề nghị áp dụng triệt để các quy định pháp luật để án Vũ được giảm nhẹ.
Tuy nhiên, những người bày trò này quên mất một điều rằng cách công chúng đánh giá sự việc không giống những gì họ hình dung.
Vũ đưa hối lộ để thực hiện phi vụ rút tiền nhà nước thì công luận có thể cho rằng 2000 tổ chức, cá nhân cũng đã nhận được gì đó để xin cho Vũ. Mà thế thì sao tin được.
Tương tự, ai đời Viện Kiểm sát – bên thực hành quyền công tố, tức buộc tội – lại kể công của bị cáo, không khác gì luật sư? Một phiên tòa công bằng cần hai bên buộc tội và gỡ tội phải đi đến cùng lý lẽ của mình trước tòa để dựa trên đó tòa đưa ra phán quyết. Đằng này, bên công tố lại đóng luôn vai bào chữa cho bị cáo thì còn gì là công bằng.
Bởi vậy, có thể nói những trò bày vẽ nhằm che giấu bản án 3 năm lố bịch kể trên đã thất bại hoàn toàn, nhất là trong mắt công chúng.
Thêm nữa, nên nhớ rằng AVG là vụ án trong diện Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống Tham nhũng theo dõi. Ban siêu quyền lực này ắt hẳn sẽ chỉ đạo nghiêm ngặt từng diễn biến của vụ việc, từ điều tra, khởi tố cho đến tuyên án. Không thể có mức án 3 năm ở trên nếu không có sự đồng ý của Ban Chỉ đạo; hay nói cách khác, đây là mức án mà Ban Chỉ đạo – đứng đầu là TBT Nguyễn Phú Trọng – lựa chọn cho Phạm Nhật Vũ và phi vụ ăn trộm 8.900 tỷ tài sản nhà nước của ông ta.
Phần rút ra kết luận xin nhường lại độc giả./.