Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao lệnh huỷ án tử hình đối với thanh niên Hồ Duy Hải, trên mạng xã hội xuất hiện video được thu từ một kỳ họp Hội đồng nhân dân Long An cách đây hai năm.
Trong video ông Đinh Văn Sang, Viện trưởng kiểm sát Long An đã nói: “Đã nhiều năm, nhiều kỳ rồi, chúng tôi đề nghị chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh tiếp tục kiến nghị với Quốc hội về vấn đề thi hành dứt khoát cái vụ tử tù Hồ Duy Hải. Tới hiện nay cũng chưa có xi nhê gì hết, lâu lắm rồi và hổng biết ra làm sao. Đề nghị các cơ quan trung ương ở đây các đồng chí tác động giùm bởi vì giam giữ cái tội này rất cực, phức tạp, ảnh hưởng tình hình chính trị địa phương.”
Phát biểu này cho thấy rõ ràng là người đứng đầu cơ quan công tố muốn nhanh chóng tử hình người mà có lẽ họ biết rằng không gây ra tội ác.
Bởi vì dấu vân tay dính máu thu được ở hiện trường không phải là dấu vân tay của ông Hồ Duy Hải nhưng chi tiết này bị bỏ ngoài hồ sơ. Thêm nữa, dao và thớt gỗ được cho là dụng cụ gây án không hề được thu tại hiện trường mà là mua ở chợ.
Nhân chứng duy nhất của vụ án nói nhìn thấy Hồ Duy Hải trong bưu điện, là hiện trường của vụ hai nữ nhân viên bị giết chết, lại không được triệu tập. Trên thực tế nhân chứng này không hề quen biết Hồ Duy Hải và từng khai là ông không chắc người mà ông nhìn thấy là Hồ Duy Hải.
Trong khi đó theo lời khai của người yêu của một trong hai nạn nhân, thì một người tên Nguyễn Văn Nghị có đến bưu điện Cầu Voi vào đêm xảy ra vụ án và cơ quan điều tra có lấy lời khai. Tuy nhiên danh sách nhân chứng lại không đưa vào. Tất cả các tình tiết liên quan đến người này đều rút khỏi hồ sơ vụ án. Điều này cũng không khó hiểu, vì ông Nguyễn Văn Nghị này là cháu trong gia đình bà Trương Mỹ Hoa, khi đó là phó chủ tịch nước.
Còn nhiều sai phạm khác trong quá trình điều tra vậy mà cả toà sơ thẩm và phúc thẩm ở Long An đều kết án tử hình. Người đứng đầu cơ quan tố tụng tỉnh muốn thi hành án càng nhanh càng tốt với đủ thứ lý do vô trách nhiệm, như “giam giữ cái tội này rất cực, rất phức tạp, ảnh hưởng tình hình chính trị địa phương”… Không biết ở Việt Nam đã có bao nhiêu người bị chết oan vì những lý do này?
Suốt hơn 11 năm qua tử tù Hồ Duy Hải và gia đình kiên trì kêu oan ở các cấp chính quyền và đại biểu quốc hội. Ủy ban Tư pháp của Quốc hội từng kêu gọi Chính quyền tỉnh Long An điều tra lại vụ án vì cho rằng việc xét xử vụ án đã không diễn ra đúng các trình tự pháp luật, và thiếu bằng chứng. Các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, các phái đoàn nhân quyền của nhiều chính phủ trên thế giới cũng đã lên tiếng yêu cầu điều tra lại vụ án theo đúng luật pháp.
Điều này khiến dư luận đặt vấn đề tại sao nhiều quan chức, như ông Đinh Văn Sang hay ông Trương Hoà Bình khi còn làm chánh án nhân dân tối cao hồi năm 2015, lại khăng khăng đòi tử hình một người mà họ không hề chứng minh được là phạm tội.
Chính vì vậy mà bên cạnh niềm vui mới đây là Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đưa ra đề nghị xóa bỏ toàn bộ các bản án trước đó đối với tử tù Hồ Duy Hải để điều tra lại, thì cũng có không ít người tỏ ra lo ngại không biết số phận của tử tù Hồ Duy Hải sẽ thế nào. Bởi vì theo luật sư của ông Hải cho biết, những tình tiết nêu ra đề nghị cơ quan công an điều tra lại giống đến 90% đơn kêu oan của gia đình Hồ Duy Hải. Nếu các cơ quan chức năng thực tâm điều tra theo đúng pháp luật thì ông Hồ Duy Hải đã không bị mất hơn 10 năm trong lao tù và người mẹ của ông đã không khô cạn nước mắt trong hành trình kêu oan cho con.
Những dấu hiệu nghi vấn mà các luật sư đã vạch ra trong các hồ sơ trước đây là thủ phạm của vụ án này có lẽ liên quan đến những người rất có thế lực về mặt chính trị ở Việt Nam. Chính vì như vậy mà nhiều người cho rằng việc bới lại vụ án Hồ Duy Hải cũng như xóa bỏ bản án để điều tra lại, mang mục đích “đánh nhau” giữa các phe cánh của nhóm lợi ích.
Vụ Hồ Duy Hải không phải là vụ duy nhất trong chuỗi các vụ án oan sai ở Việt Nam. Chuyện ép cung, bắt bị can phải chứng minh mình vô tội thay vì cơ quan tố tụng phải có đủ chứng cớ để buộc tội xảy ra thường xuyên. Thêm nữa sự can thiệp của hệ thống chính trị lên các thẩm phán lớn tới mức những bản án oan sai ở Việt Nam trở thành “chuyện bình thường”.
Vì vậy việc minh oan cho ông Hồ Duy Hải chắc chắn sẽ còn gặp nhiều gian nan. Nhưng cho dù gian nan đến mức nào thì cộng đồng xã hội vẫn đồng hành cùng ông Hồ Duy Hải, bởi vì công chúng không chỉ đấu tranh cho riêng một Hồ Duy Hải mà còn cho biết bao người bị án oan sai ở Việt Nam.