Phạm Phú Khải – VOA
Cuộc đối đầu giữa người dân Hồng Kông và chính quyền tại đây ngày càng leo thang về mức độ bạo lực.
Mặc dầu xác nhận Hồng Kông chưa ở trong tình trạng khẩn cấp, bà Carrie Lam tuyên bố vào ngày 4 tháng 10 sẽ áp dụng luật khẩn cấp để cấm đeo khẩu trang, có hiệu lực vào ngày 5 tháng 10 [1]. Bà Lam biện minh “bạo lực cực đoan” đang đe dọa an toàn công cộng để viện dẫn đạo luật khẩn cấp [2].
Nhưng quyết định này không làm cho người Hồng Kông lo sợ mà còn như châm thêm dầu vào lửa cho cuộc đấu tranh đã kéo dài hơn 18 tuần qua. Liền sau tuyên bố trên, hàng loạt các cuộc biểu tình ôn hòa cũng như bạo động đã diễn ra để chống lại đạo luật khẩn cấp này vào cuối tuần qua. Và người Hồng Kông vẫn tiếp tục đeo khẩu trang khi biểu tình.
Không có dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ nhượng bộ trước đạo luật khẩn cấp này. Lý do? Những đòi hỏi chính đáng của phong trào đấu tranh tại Hồng Kông chưa được chính quyền tại đây quan tâm hay đáp ứng. Hơn nữa, dùng đạo luật khẩn cấp để cấm đeo khẩu trang chẳng khác gì xiết chặt các quyền tự do bày tỏ của người Hồng Kông. Ngay từ ban đầu người biểu tình tại đây đâu có đeo khẩu trang. Nhưng khi chính quyền Hồng Kông bắt đầu dùng vũ lực, kể cả hơi cay, đối với người biểu tình cũng như để nhận diện những người biểu tình để tìm cách khống chế họ, người Hồng Kông đã đeo khẩu trang hàng loạt trong các cuộc biểu tình về sau. Vì thế việc sử dụng quyền lực khẩn cấp ngay vào lúc này, đối với người biểu tình, là một dấu hiệu quan ngại bởi rằng sau đó Bắc Kinh sẽ áp đặt thêm ảnh hưởng lên thành phố này [3].
Đây cũng chính là lý do mà người Hồng Kông đã liên tục đấu tranh hơn bốn tháng qua. Ken Chan, một sinh viên đại học 21 tuổi cho rằng chính quyền Hồng Kông dùng lực lượng cảnh sát để giải quyết các vấn đề chính trị và bóp nghẹt dư luận cho thấy sự khác biệt giữa chính quyền Hồng Kông và Trung Quốc không còn bao nhiêu [4]. Một người biểu tình trẻ khác, xuất thân từ cùng trường với bà Carrie Lam, cho biết họ sợ hãi và phẫn nộ, và cũng chính vì sợ hãi mà họ phải xuống đường biểu tình, và phê phán bà Lam đã vi phạm vào châm ngôn của trường “Sống vì sự thật vào tình yêu” [5].
Trong suốt bốn tháng qua, những người đấu tranh tại Hồng Kông đã đặt chính quyền tại đây liên tục trong thế bị động và “tiến thoái lưỡng nan”. Hình ảnh của cô gái xinh xắn trẻ trung bị bao vây và còng tay bởi lực lượng cảnh sát đã làm xấu đi quan hệ quần chúng (public relation/PR) và gây thêm căm phẫn lên giới trẻ [6]. Mặc dầu biết thế, chính quyền Hồng Kông vẫn không muốn chứng tỏ mình bất lực, do đó họ đã tìm đến đạo luật khẩn cấp như là phương tiện.
Nhưng đạo luật khẩn cấp để cấm đeo khẩu trang, với hình phạt tiền và ở tù đến một năm, chỉ có hiệu quả với ba điều kiện: một, người biểu tình biết sợ; hai, mạnh mẽ áp dụng thi hành luật nếu có vi phạm; ba, hành pháp phải có đủ lực lượng để thi hành luật (hiện tại lực lượng cảnh sát Hồng Kông có khoảng 30 ngàn) và có đủ nhà tù để nhốt hàng chục ngàn người, và tư pháp phải có đủ phương tiện để xét xử. Những cuộc biểu tình của người Hồng Kông trong bốn tháng qua cho thấy họ không sợ, và có xác xuất cao họ sẽ sẵn sàng đồng loạt ngồi tù nếu áp dụng luật này. Nhưng mỗi trường hợp đều phải được xét xử bởi tòa án chứ không được tùy tiện, như thế thì khi nào mới giải quyết xong! Sau cùng, vấn đề còn lại là chính quyền có dám đối đầu với sự quyết tâm của người biểu tình Hồng Kông không?
Tuy nhiên chính quyền Hồng Kông có thể sử dụng đạo luật khẩn cấp cho các biện pháp khác, ngoài cấm đeo khẩu trang, mặc dầu họ thừa biết rằng mọi biện pháp đều có giới hạn của nó, có thể làm trầm trọng thêm tình hình và có khả năng gia tăng sự phẫn nộ của công chúng. Cấm đeo khẩu trang thì người biểu tình tại Hồng Kông vẫn còn dù và các phương tiện sáng tạo khác, do đó chẳng tác động đáng kể lên họ. Giờ giới nghiêm đối với giới trẻ, chiếm phần lớn người biểu tình hiện nay, hay gia tăng thời gian cảnh sát có thể bắt giam nghi can để điều tra trước khi kết tội, hiện chỉ được 48 tiếng, có thể là các biện pháp được cân nhắc kế tiếp. Tất nhiên Quân đội Giải phóng Trung Quốc/PLA luôn là một biện pháp sử dụng sau cùng để “duy trì trật tự công cộng” nếu chính quyền Hồng Kông đề nghị.
Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn chưa can thiệp vào chuyện Hồng Kông. Không rõ họ sẽ giữ thái độ này cho đến khi nào. Đưa quân đội vào, như biến cố Thiên An Môn 30 năm về trước, sẽ phá hoại mọi nỗ lực xây dựng quyền lực mềm của họ bao lâu nay. Không làm gì hết thì có thể cho thấy họ thiếu quyết đoán hoặc bất lực, ảnh hưởng đến uy tín của Tập Cận Bình và phe diều hâu trong đảng. Nhưng cũng có thể Bắc Kinh nỗ lực tuyên truyền rằng chuyện Hồng Kông là chuyện nội bộ mà Hồng Kông phải tự giải quyết. Như thế cho thấy một mặt Bắc Kinh vẫn chủ trương tôn trọng một quốc gia hai thể chế, và mặt khác, họ câu thời gian để phong trào đấu tranh dần dần mệt mỏi và tan rã. Trừ phi chính quyền Hồng Kông thật sự, hay giả bộ, không còn khả năng kiểm soát trật tự và yêu cầu Bắc Kinh can thiệp.
Cuối cùng, cuộc đấu tranh của người Hồng Kông mà ngay từ ban đầu chống lại dự luật dẫn độ thật ra không chỉ với chính quyền Hồng Kông, mà đúng hơn là với chế độ độc tài đảng trị đứng đằng sau nó. Người Hồng Kông hiểu rằng không đấu tranh bây giờ thì mọi quyền tự do sẽ dần dần bị phá hoại và soi mòn, và qua thời gian sẽ không còn gì cả. Khi mọi sự đã an bài thì sẽ quá trễ!
Rõ ràng, đây là cuộc đấu tranh giữa tự do và xiềng xích, giữa dân chủ và độc tài. Nhưng đấu tranh cho đến khi nào mới mang lại kết quả khi chế độ độc tài đảng trị toàn diện vẫn còn đó? Thật ra, đây là cuộc đấu tranh rộng hơn của nhân loại trong thế kỷ 21 nhằm chấm dứt tàn dư của độc tài cộng sản còn sót lại tại Nga, Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn và Cuba. Khi nào các chế độ độc tài cộng sản, thần quyền hay mọi loại độc tài nói chung này vẫn còn thì sự đe dọa cho nhân phẩm, hòa bình và ổn định vẫn còn.
Người Hồng Kông đã đi tuyến đầu một cách đông đảo, linh động, sáng tạo, quyết tâm và gan dạ. Thật đáng thán phục và học hỏi. Nhưng họ không thể thành công, và không thể kéo dài cuộc chiến này 28 năm nữa, nếu thế giới quay lưng lại với họ. Người Việt Nam yêu chuộng tự do cũng nên tìm mọi cách để chung vai sát cánh với người Hồng Kông trong trận tuyến này, phần lớn cũng là vì tương lai của Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
1. “Hong Kong áp dụng quy định thời thuộc địa để dẹp nạn bạo lực”, VOA, 4 October 2019.
2. “Lãnh đạo HK nói ‘bạo lực cực đoan’ khiến bà viện dẫn luật khẩn cấp”, VOA, 6 October 2019.
3. Keith Bradsher, “In Hong Kong’s Crackdown on Protests, Face Mask Ban May Be the Start”, The New York Times, 6 October 2019.
4. Mike Ives and Edward Wong, “Hong Kong Rallies Turn Violent After Thousands Defy Face Mask Ban”, The New York Times, 6 October 2019.
5. Emma Graham-Harrison, “Thousands on streets of Hong Kong rage against mask ban”, The Guardian, 7 October 2019.
6. Kirsty Needham, “Chinese military warn Hong Kong protesters as they defy emergency law”, The Age, 7 October 2019.