Nhiệm vụ của đối lập

Ngoại trưởng Úc, Penny Wong, bắt tay Chủ tịch Việt Nam, Nguyễn Xuân Phúc, 27 tháng Sáu, tại Hà Nội.
- Quảng Cáo -

Phạm Phú Khải – VOA

Đối với Việt Nam, lãnh đạo chính trị tất nhiên đủ thông tin và kinh nghiệm để hiểu vấn đề này. Nhưng cách hành xử bất nhất của họ cho tôi có cảm tưởng như lúc họ bị lôi kéo bên này, lúc bên khác, mà rốt cuộc xu hướng chung vẫn nghiên về độc tài, về Nga và Trung Quốc.

Thủ tướng Úc Anthony Albanese đã đến Âu châu để tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO được tổ chức tại Tây Ban Nha tuần này. Albanese nhân dịp này sẽ viếng thăm Pháp do lời mời của Tổng thống Emmanuel Macron. Chuyến công du của Albanese đến Pháp nhằm mục đích thiết lập lại mối quan hệ như trước.

Quan hệ giữa Úc và Pháp đã xuống mức thấp nhất sau khi Úc ký hiệp định an ninh với Anh và Mỹ có tên AUKUS (Australia, UK and US) vào tháng 9 năm ngoái. Pháp bất bình vì Úc đã hủy bỏ hợp đồng trị giá 90 tỷ Úc kim (62 tỷ Mỹ kim) để công ty quốc doanh của Pháp đóng hạm đội 12 tàu ngầm chạy bằng dầu hỏa diesel. Macron phẫn nộ cho rằng cựu Thủ tướng Scott Morrsion đã giấu giếm và nói dối với ông. Uy tín của Morrison tại Úc và trên thế giới cũng bị ảnh hưởng qua vụ này. Các cựu thủ tướng Úc như Kevin Rudd và Malcolm Turnbull phê bình cung cách giải quyết của Morrison. Cả hai đều biện luận rằng uy tín có giá trị quan trọng trong quan hệ quốc tế, nhất là trong tình hình địa chính trị ngày càng gia tăng và mối quan hệ ngoại giao của Úc với quốc gia khác ngày càng quan trọng hơn.

- Quảng Cáo -

Úc đã đồng ý bồi thường Naval Group của Pháp 835 triệu Úc kim (583 triệu Mỹ kim), con số nhỏ hơn dự tính trước đây, vì đã bỏ hợp đồng xây tàu ngầm này. Tuy đây là một số tiền khá lớn và như thế bị xem là lãng phí công quỹ quốc gia, như Albanese từng phê bình Liên Đảng. Nhưng cựu Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton, hiện đang là thủ lãnh đối lập sau cuộc bầu cử 21 tháng 5 vừa qua, cho biết chính quyền ông lúc đó đã lấy quyết định đúng. Dutton biện luận rằng, quyết định hình thành AUKUS là hoàn toàn dựa trên quyền lợi và an ninh quốc gia, mà tàu ngầm do Pháp chế tạo sẽ không đủ khả năng để cung cấp an ninh và phòng vệ mà Úc cần đến.

Giáo sư Paul Dibb thuộc trường đại học ANU, tác giả chính của Chiến lược Quốc phòng Úc năm 1987, từng giữ vai trò Phó Bộ trưởng Quốc phòng, nhắc nhở lãnh đạo chính trị của Úc về nhiệm vụ của họ. Dibb biện luận họ phải luôn luôn nhớ kỹ rằng, ưu tiên nhiệm vụ hàng đầu của họ là để bảo vệ nước Úc và bảo đảm khu vực chung quanh không bị khống chế bởi một thế lực bành trướng hung hãn. Ý Dibb là Trung Quốc. Dibb nói: “Họ đang cố gắng lấn át chúng ta và cưỡng ép chúng ta ngay trong khu vực quan tâm chiến lược hiện nay”.

Cựu Thủ tướng Paul Keating thì không tán thành quan điểm này. Ông không nhìn thấy Trung Quốc có mưu đồ đen tối, và không cho rằng tàu ngầm là cách giải quyết thử thách và đe dọa an ninh của Trung Quốc đối với Úc hiện nay. Nhưng Keating chỉ là một thiểu số nhỏ còn lại có lập trường bênh vực cho Trung Quốc. Đại đa số học giả, chuyên gia và giới truyền thông của Úc quan ngại cung cách hành xử hung hãn lẫn ý đồ đen tối của Bắc Kinh dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình hiện nay.

Như đã trình bày trong bài trước đây, trước khi ký kết và công bố hiệp định AUKUS vào ngày 16 tháng 9, Morrison đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp liên quan đến an ninh quốc phòng với một số thành viên nội các của mình. Bốn nhân vật hàng đầu phe đối lập cũng được mời, trong đó có thủ lãnh đối lập Albanese. Sau đó, tuy thận trọng và chừng mực, Albanese cũng công khai ủng hộ hiệp định này vì nhìn thấy được tầm quan trọng về mặt chiến lược. Chuyến đi Âu châu tham dự hội nghị NATO, và gặp mặt Macron, là để kết chặt lại mối quan hệ của Úc với những quốc gia có cùng suy nghĩ và quan tâm về tình hình chính trị quốc tế hiện nay.

Hai ngày sau cuộc bầu cử Úc 21 tháng 5, Albanese và Wong đã đi Nhật để tham dự hội nghị thượng đỉnh của Bộ Tứ QUAD. Đầu tháng 6, Albanese và Wong đã viếng thăm Indo để xiết chặt mối quan hệ với nước này. Tuần này, trong khi Albanese đi Âu châu để dự hội nghị của NATO và viếng thăm Pháp, thì Wong đã ghé thăm Việt Nam ngày 27 tháng 6, và sau đó viếng thăm Mã Lai. Nỗ lực của giới lãnh đạo chính trị Úc cho thấy được ưu tiên chiến lược quốc gia đang là gì. Nếu trước Thế Chiến II, Úc hoàn toàn dựa vào Anh quốc về ngoại giao và an ninh quốc phòng, và kể từ đó phần lớn dựa vào Mỹ cho đến khi Donald Trump được bầu làm Tổng thống năm 2016, thì kể từ đó chiến lược của Úc là đa dạng hóa mọi lĩnh vực, từ an ninh quốc phòng đến kinh tế, và nhất là ngoại giao. Đông Nam Á mang vai trò quan trọng để tạo ảnh hưởng và đối phó với mối đe dọa của Trung Quốc hiện nay. Việt Nam đóng vai trò quan trọng, theo cách nhìn của Úc, trong địa chính trị này, mặc dầu bề ngoài Wong chỉ đề cao các lĩnh vực gia đình, thương mại, giáo dục và du lịch.

Nhiều chính thể dân chủ hiện nay đã nhìn thấy rõ mối đe dọa của những chế độ độc tài đang mong muốn thiết lập một trật tự mới, hay thay đổi trật tự quốc tế hiện có, để phục vụ tốt hơn cho quyền lợi và mục tiêu chiến lược của họ. Điển hình là Nga và Trung Quốc. Chính vì thế, lãnh đạo chính trị quốc gia phải có trách nhiệm củng cố và phát triển guồng máy chính quyền, để ngay cả khi mình không còn ở trong vai trò lãnh đạo, nó vẫn đủ khả năng để phục vụ quyền lợi quốc gia một cách tốt nhất có thể. Đảng chính trị, hay ý thức hệ chính trị, chỉ là phương tiện để giúp mang lại kết quả và hiệu năng của những mục đích này. Nói cách khác, đảng phái hay ý thức hệ chỉ là phương tiện, không phải là cứu cánh.

Albanese và Wong từng phê bình cung cách lãnh đạo của Liên Đảng thời Morrison về mặt quốc phòng và ngoại giao. Và cũng như mọi lĩnh vực khác. Nói chung chính quyền và đối lập ngày đêm cãi nhau, phê bình nhau tại quốc hội, trên truyền thông, và mọi cơ hội và phương tiện họ có. Nhưng khi đối lập có cơ hội lên nắm quyền, những chiến lược và chính sách của họ vẫn cốt yếu dựa trên quyền lợi và an ninh quốc gia. Cho nên nội dung phần lớn không khác nhiều, hình thức thì có khác. Sự quan tâm của chính quyền đến quyền lợi của nước khác, cũng như của chính trị vùng và quốc tế, cũng dựa vào sự đánh giá về quyền lợi và an ninh quốc gia. Khi tất cả các quốc gia hành xử trên khung sườn trật tự quốc tế dựa trên pháp luật (rules-based international order), những nước như Trung Quốc, hay như Nga bây giờ đang xâm chiếm Ukraine, sẽ khó tự tung tự tác ỷ lớn lất át bé. Đó là điều cần thiết cho một thế giới văn minh tiến bộ, và an toàn cho các nước nhỏ, điển hình là Việt Nam mà chiều dài lịch sử cho thấy Trung Quốc luôn là mối đe dọa.

Đối với Việt Nam, lãnh đạo chính trị tất nhiên đủ thông tin và kinh nghiệm để hiểu vấn đề này. Nhưng cách hành xử bất nhất của họ cho tôi có cảm tưởng như lúc họ bị lôi kéo bên này, lúc bên khác, mà rốt cuộc xu hướng chung vẫn nghiên về độc tài, về Nga và Trung Quốc. Lý do? Nhiều. Nhưng quan trọng nhất, theo tôi, vì họ không hề đặt quyền lợi quốc gia lên trên đảng phái của họ. Nếu họ đã, thì tôi không cần phải viết bài này. Nếu có đối lập thật sự tại Việt Nam, thì họ cũng không thể tự tung tự tác buôn bán quyền lợi quốc gia như đã làm.

- Quảng Cáo -