Nhà báo Chu Vĩnh Hải, một hội viên của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, cho biết ông nhận được một nguồn tin cực kỳ khả tín và có trách nhiệm ở Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN): Vào sáng ngày 06-9-2019, PVN và hãng dầu khí Repsol đã đi đến thỏa thuận cuối cùng là, Repsol sẽ dừng hẳn việc triển khai dự án dầu khí Cá Rồng Đỏ tại lô 136.03 và lô 07.03.
Theo nguồn tin trên, PVN và Repsol sẽ không đưa nhau ra tòa trọng tài quốc tế mà sẽ tự thỏa thuận đền bù cho Repsol. Thỏa thuận đền bù dân sự này cao hơn tổng mức đầu tư mà Repsol đã đầu tư vào Cá Rồng Đỏ là 300 triệu USD nhưng không vượt quá 1 tỉ USD.
Vào tháng 7-2017 và tháng 3-2018, phía Trung Quốc đã gây sức ép mạnh mẽ lên Việt Nam bằng cách yêu cầu Việt Nam đơn phương yêu cầu Repsol hủy bỏ dự án Cá Rồng Đỏ tại hai lô 136.03 và lô 07.03. Yêu cầu của phía Trung Quốc nêu rõ, nếu Việt Nam không yêu cầu Repsol hủy bỏ dự án Cá Rồng Đỏ, Trung Quốc sẽ tấn công một số thực thể tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trước đó, thay mặt nhà nước Việt Nam, PVN đã đàm phán với Repsol, theo đó, Việt Nam sẽ cấp phép cho- đền bù cho Repsol tiếp quản và khai thác mỏ Petronas Carigali đã hết hạn khai thác vào năm 2017. Nhưng Repsol từ chối với lí do mỏ Petronas Carigali được cấp phép vào năm 1992, sau 25 năm khai thác đã không còn trữ lượng thương mại khả quan…
Bế tắc!
Tuy chưa được xác nhận chính thức bởi một hãng thông tấn hay tờ báo nào của nước ngoài, nhưng thông tin trên của nhà báo Chu Vĩnh Hải khá phù hợp với bầu không khí trĩu nặng và trống rỗng tại liên doanh Cá Rồng Đỏ trong hơn hai năm qua, kể từ ngày Trung Quốc mở màn chiến dịch gây hấn tại mỏ dầu khí này từ tháng 7 năm 2017. Từ đó đến nay, hoạt động khai thác mỏ này đã bị đình trệ.
Tháng Bảy năm 2017 đã xảy ra một sự kiện mà xứng đáng được liệt vào loại “nhục quốc thể”: chính quyền Việt Nam phải “giương cờ trắng” khi yêu cầu Repsol ngừng hoạt động thăm dò khí đốt tại mỏ Cá Rồng Đỏ ở khu vực Bãi Tư Chính mà luôn được Bộ Ngoại Giao Việt Nam chiến đấu võ miệng “thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam.” Dù chưa bao giờ giới tuyên giáo hay Bộ Ngoại Giao Việt Nam dám nói toạc về cái nguồn cơn sâu xa của vụ “nhục quốc thể” ấy, nhưng vụ “giương cờ trắng” này lại trùng hợp một cách kỳ lạ với tin tức quốc tế cho biết sau khi Bắc Kinh đe dọa sẽ tấn công một số căn cứ quân sự của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa nếu Việt Nam cho phép Repsol tiếp tục khoan thăm dò dầu khí. Sau vụ bỏ chạy không ngoái cổ ấy của liên doanh dầu khí Việt Nam – Tây Ban Nha, đã có tin quốc tế xác nhận ý đồ của hải quân Trung Quốc là có kịch bản tấn công quân sự, đặc biệt khi ‘bạn vàng’ này đã đưa cả một giàn phóng tên lửa ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa vào năm 2016.
9 tháng sau “nỗi nhục Bãi Tư Chính” lần đầu, nỗi nhục lần thứ hai đã xảy ra ở cùng địa điểm. Tháng Ba năm 2018, một lần nữa, Repsol vội vàng tháo chạy khỏi mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ. Vẫn bởi sức ép của ‘đối tác chiến lược toàn diện quan trọng nhất’ là Trung Quốc – như cái cách tụng ca một thời của giới chóp bu Việt Nam, bất chấp giới hạn dưới của phạm trù liêm sỉ.
Ngay sau vụ Cá Rồng Đỏ lần hai, Tập Cận Bình đã cử Vương Nghị – Bộ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc – đến Việt Nam với một “tối hậu thư”: Việt Nam phải “cùng hợp tác khai thác” mỏ Cá Rồng Đỏ với Trung Quốc. Nếu không, “bản lĩnh Việt Nam” sẽ hết cửa kiếm tiền ngay trong vùng lãnh thổ của mình.
Cho tới lúc đó, “bản lĩnh Việt Nam” chỉ còn cách “tự xử”: nếu ở “nỗi nhục Bãi Tư Chính” lần đầu, Petro Vietnam có thể phải bồi thường cho Repsol khoảng 36 triệu USD – kinh phí mà Repsol đã phải bỏ ra để thăm dò dầu khí, thì đến tháng Ba năm 2018, con số bồi thường nghe nói lên đến 200 triệu USD.
Còn bây giờ là từ trên 300 triệu USD đến 1 tỷ USD. Đó là cái giá phải trả vì PetroVietnam, mà đứng đằng sau nó là Bộ Chính trị Việt Nam, đã đơn phương hủy bỏ hợp đồng với Repsol.
Cũng có thông tin từ giới chuyên gia dầu khí về việc PetroVietnam phải bồi thường khoảng 400 triệu USD cho Repsol.
Nếu chính thể Việt Nam cúi mình chấm dứt hoạt động liên doanh với Repsol và chịu bồi thường cho Repsol để tạm thời thỏa mãn yêu sách của Bắc Kinh, nhưng mặt khác cũng không để Trung Quốc can dự vào mỏ Cá Rồng Đỏ, cuộc chiến giành ăn dầu khí chỉ tạm lắng một thời gian, rồi sau đó sẽ vẫn tái diễn./.