Trân Văn – VOA
Sự kiện bé Lê Hoàng Long, sáu tuổi, học sinh trường Tiểu học Quốc tế Gateway Chi nhánh Cầu Giấy (Hà Nội) chết vì bị bỏ quên trên một chiếc xe được dùng để đưa đón học sinh (1) đã trở thành dịp để các chuyên viên y tế, hệ thống truyền thông tìm kiếm – giới thiệu hàng loạt thông tin mang tính cảnh báo về rủi ro có thể tước đoạt sinh mạng của những đứa trẻ nếu người lớn do thiếu hiểu biết mà trở thành bất cẩn…
Cái chết oan uổng của Long không chỉ cảnh tỉnh ông bà, cha mẹ trong việc giáo dục con cháu của mình về kiến thức, kỹ năng thoát hiểm mà còn thúc hệ thống công quyền Việt Nam phải đặt định thêm nhiều qui định, không chỉ với các phương tiên đưa đón học sinh mà còn buộc những người sử dụng xe hơi phải cẩn trọng hơn nếu trên xe có trẻ con để không đứa trẻ nào uổng tử như thế nữa.
Trong thực tế, trẻ con chết vì sốc nhiệt do người lớn thiếu kiến thức mà trở thành chủ quan, hoặc bất cẩn, bỏ quên đứa trẻ trong xe đã xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới. Đó cũng là lý do, ngoài cảnh báo, hệ thống công quyền của nhiều quốc gia xem việc để những đứa trẻ trong xe là phạm pháp, trong một số trường hợp, phạm lỗi này, cha mẹ có thể bị tước quyền nuôi dưỡng đứa trẻ.
Ở Việt Nam, tuy xe hơi đã trở thành phương tiện giao thông phổ biến, mùa khô rất dài, nhiệt độ rất cao nhưng rất ít người bận tâm đến sốc nhiệt. Người ta không được cảnh báo rằng bức xạ mặt trời sẽ hun nóng khối không khí trong lòng xe, do khối không khí này không thể thoát ra ngoài, nhiệt độ sẽ càng lúc càng cao, cơ chế cân bằng thân nhiệt của cơ thể bị vô hiệu hóa, dù là trẻ con hay người lớn thì thân nhiệt cũng sẽ tăng, cơ bắp co rút, nhịp tim, huyết áp rối loạn, não bị tổn thương, hôn mê và… chết!
Vào thời điểm này, nhiệt độ trung bình tại Hà Nội là 30 độ C, nếu được cảnh báo rộng rãi từ trước, người ta có thể dùng những website trên Internet, tính toán xem nhiệt độ trong một chiếc xe hơi sau bao nhiêu phút sẽ là bao nhiêu độ C dưới ánh sáng mặt trời để cẩn trọng hơn (2) – chẳng hạn, dùng những website vừa kể, có thể biết, với nhiệt độ như đã kể, sau bốn tiếng (240 phút), nhiệt độ trong xe hơi sẽ là 57,2 độ C – có thể nhờ vậy mà tránh được thảm cảnh ai cũng thấy đau lòng!
***
Chuyện bé Lê Hoàng Long uổng mạng vì người lớn thiếu hiểu biết, bất cẩn là lý do ông Giang Công Thế vừa đăng lại một câu chuyện tương tự đã từng xảy ra tại Việt Nam cách nay ba năm. Không nhiều người biết Giang Công Thế là ai nhưng nếu nhắc đến Hiệu Minh – bút danh của ông Thế (ngoài blog có tên Hiệu Minh, còn gửi nhiều bài, cộng tác với nhiều cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam) thì chắc là nhiều người biết…
Ông Thế có một người bạn tên là Nguyễn Đức Lưu. Ông Lưu có một đứa cháu ngoại. Đứa cháu ngoại này được cha mẹ gửi vào nhà trẻ của Vinschool và Vinschool tổ chức đưa đón bé tại nơi gia đình ông Lưu cư trú (Timecity). Ngày 20 tháng 7 năm 2015 – lúc cháu ngoại ông Lưu 30 tháng 10 ngày tuổi – bé lên xe đưa đón học sinh của Vinschool. Đến trưa thì cha của bé nhận được điện thoại từ những người bán hàng rong ở bãi đậu xe Vĩnh Tuy…
Hóa ra hôm ấy, tài xế và bảo mẫu của Vinschool bỏ quên bé trên xe. Giống như Gateway, Vinschool cũng không phát giác. Cháu ngoại ông Lưu thức dậy khi tài xế đã lái xe đến đậu tại bãi đậu xe Vĩnh Tuy và khóa kín cửa. May mắn cho gia đình ông Lưu là con cháu của họ hiếu động – bé đã từng “theo dõi” cô bảo mẫu, thấy cô mở cửa phụ và nhờ vậy mà tìm cách làm theo, thành ra thời gian kẹt trong xe chỉ chừng hai tiếng…
Khoảng 10 giờ sáng ngày 20 tháng 7 năm 2015, một bà bán bánh mì ở bãi đậu xe Vĩnh Tuy thấy một bé gái khoảng ba tuổi, mặt mũi đỏ lựng, quần áo ướt đẫm vì mồ hôi, hoảng loạn vì trơ trọi giữa bãi đậu xe nên khóc rưng rức… Không hỏi được thông tin khả dụng nào từ bé, bà và vài người tốt bụng đã lục ba lô, tìm được số điện thoại của cha đứa trẻ, gọi con rể ông Nguyên đến đón bé về!
Xét về bản chất, việc Gateway bỏ quên bé Lê Hoàng Long và Vinschool bỏ quên cháu ngoại ông Lưu chẳng khác gì nhau, thậm chí về mức độ, chuyện Vinschool bỏ quên cháu ngoại ông Lưu nghiêm trọng hơn, bởi đứa trẻ mà Vinschool nhận đón đưa rồi bỏ quên chưa tròn ba tuổi. Tuy nhiên vì đó là… Vin và bé chỉ suýt chết, cả hệ thống công quyền lẫn hệ thống truyền thông Việt Nam đã cùng im lặng như đã từng im lặng trước đủ thứ tin không hay, ảnh hưởng tới Vin (4)!
***
Nếu tháng 7 năm 2015, từ chuyện cháu ngoại của ông Lưu, chuông báo động về những rủi ro do sốc nhiệt có thể dẫn tới uổng mạng – đặc biệt là mạng của những đứa trẻ mà cha mẹ chúng tin cậy ký thác cho các trường đưa đón – rung lên như đang rung sau cái chết tức tưởi của bé Long, có thể thảm cảnh đã không xảy ra.
Trang facebook mang tên Hiệu Minh của ông Thế đã bị “block” vì ai đó báo với facebook rằng đây là “đồ giả”. Ông Thế kể lại một lần nữa câu chuyện vừa được lược thuật và nhấn mạnh: Nếu tin vào tâm linh thì phải nghĩ đó là Trời – Phật phù hộ cháu gái ông Nguyên thoát nạn một cách kỳ diệu chứ không phải nhờ anh Vượng Vin giàu có!
Tin mới nhất liên quan đến trường hợp bé Long uổng tử: Chiều 7/8/2019, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công an “khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức liên quan và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, chỉ đạo Bộ Giáo dục – Đào tạo (GDĐT) “tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh trường học, phải có các hướng dẫn, quy định cụ thể về đưa đón học sinh cũng như bảo đảm chất lượng và an toàn tuyệt đối cho các cháu, tuyệt đối không để tái diễn sự việc tương tự” (5).
Tại sao bây giờ Thủ tướng mới quan tâm? Chẳng lẽ chỉ vì cách nay bốn năm chưa có đứa trẻ nào chết? Chẳng lẽ vì đó là… Vin, hệ thống truyền thông chính thức không loan báo rộng rãi, không nhiều người biết, công chúng không đủ phẫn nộ thành ra Bộ Công an có thể làm ngơ, Bộ GDĐT tự thấy chưa cần phải tỏ ra có nghĩ tới con em chúng ta?
Nếu hệ thống công quyền thật sự nghiêm túc và có trách nhiệm, chắc chắc chuông báo động đã ngân lên sau chuyện xảy ra với cháu ngoại ông Lưu. Thế nhưng ai rung chuông? Cuối tháng 9 đầu tháng 10 năm 2017, chỉ vì chỉ trích việc Vinschool dự tính nâng học phí đến 50% trên facebook, một số phụ huynh đã bị Công an thành phố Hà Nội triệu tập – lấy lời khai vì “nói xấu, bôi nhọ một số cá nhân” thì còn ai dám nghĩ tới rung chuông (6)?
Chú thích
(2) https://goodcalculators.com/inside-car-temperature-calculator/
(3) https://www.facebook.com/congthe.giang.1/posts/155245255594217
(4) https://www.ft.com/content/84323c32-9799-11e9-9573-ee5cbb98ed36
(6) http://plo.vn/an-ninh-trat-tu/vu-vinschool-cong-an-lam-ro-viec-boi-nho-ca-nhan-731466.html