Công an sách nhiễu gia đình thầy giáo Đinh Đăng Định
Sáng ngày 17/10, tại bệnh viện 30/4 Bộ Công an đã xảy ra một cuộc trấn áp của lực lượng an ninh, công an, dân phòng đối với gia đình thầy giáo Đinh Đăng Định.
Phía lực lượng an ninh viện lý do là cô con gái của thầy Định chụp hình, quay phim để bắt vợ con thầy về đồn công an làm việc. Tuy nhiên, vợ con thầy đã chứng minh cho lực lượng an ninh thấy rằng điện thoại của họ chỉ có chức năng nghe gọi, nhắn tin, không có khả năng quay phim, chụp hình. Sau đó, phía an ninh yêu cầu gia đình thầy xuất trình giấy Chứng Minh Nhân Dân (MND) và một mực cưỡng ép về gia đình về đồn làm việc. Gia đình thầy đã phản ứng quyết liệt lại với sự bắt người tùy tiện vì đã có quá nhiều trường hợp “tự tử trong đồn công an” khi làm việc.
Sự xung đột giữa hai bên làm huyên náo cả khu vực bệnh viện, thu hút sự tò mò của rất đông người dân khu vực xung quanh đó. Trước những phản ứng đúng đắn của gia đình thầy và sự chứng kiến của người dân, lực lượng an ninh, công an đành phải nhượng bộ, trả giấy tờ lại cho người thân thầy Định.
Thầy giáo Đinh Đăng Định, một tù nhân lương tâm bị tuyên án 6 năm với với tội danh “Tuyên truyền chống phá nước CHXHCNVN” hiện đang nằm điều trị bệnh ung thư dạ dày, nhập viện ngày 9/9/2013 tại bệnh viện 30/4 của Bộ Công an. Thầy vừa phẫu thuật cắt khối u ở dạ dày xong, sức khỏe hiện tại rất yếu, ăn uống, đi lại rất khó khăn.
Miền Trung thiệt hại nặng nề sau cơn bão Nari
Sau cơn bão số 11, nhiều địa phương tại miền Trung đang chịu cảnh ngập lụt nghiêm trọng. Thiệt hại nặng nhất là các tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Huế, Đà Nẵng, Kon Tum. Bão đã gây tử vong cho 9 người, làm 6 người mất tích và 76 người bị thương. Thiệt hại sơ bộ do bão, mưa lũ gây ra tại các tỉnh, thành từ Quảng Bình đến Bình Định và tỉnh Kon Tum gồm 548 nhà bị sập, bị nước cuốn trôi; 11 ngàn nhà bị tốc mái, hư hỏng; 1700 nhà bị ngập; 20 trường học tại Quảng Trị, Quảng Ngãi, Kon Tum bị tốc mái, hư hỏng; nhiều trụ sở cơ quan, bệnh viện bị ngập, tốc mái, hư hỏng.
Bão gây thiệt hại nặng đối với ngành nông nghiệp tại các địa phương Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình bị gãy đổ hoàn toàn sau bão; trên 150 ngàn cây ăn quả, cây xanh thiệt hại. Bão mạnh còn làm 41 tàu thuyền bị chìm trong khu neo đậu, 36 tàu thuyền khác bị hư hỏng. Về thủy lợi, trên 43 ngàn thước khối đất, đá, bê tông tại Quảng Ngãi, Bình Định bị sạt, bồi lấp; 20 hồ đập loại nhỏ bị hư hỏng, 30 kè bị sạt lở tại Quảng Bình.
Báo cáo từ các địa phương cho biết do mưa lớn tập trung trong một thời gian ngắn, các tỉnh Nghệ An đến Quảng Bình đã bị ngập ở nhiều nơi, đặc biệt tỉnh Hà Tĩnh và phía bắc Quảng Bình thuộc các huyện Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch đã bị ngập nghiêm trọng, nhiều nơi ngập sâu đến 2 thước.
Hàng ngàn người dân sống dọc sông Lam trải dài từ các huyện Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên đã bị nước từ thượng nguồn đổ về nhấn chìm. Cũng do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Nari tức bão số 11, đập hồ Cồn Đèn ở xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương, dài 30 thước, cao 2 thước rưỡi đã bị vỡ. Nước tràn ra gây thiệt hại nặng cho vùng hạ lưu của hồ. Hồ Đồn Húng xã Lăng Thành, huyện Yên Thành, nước tràn với cột nước cao 3 thước, hiện 1000 gia đình người dân nằm ở phía dưới các con hồ, đập lớn đều phải di tản, nhiều đường ngập sâu khiến giao thông bị cản trở, tê liệt.
Hiện sông Lam đang dâng lên khá cao, hàng ngàn gia đình người dân ở ngoài đê, phía hạ lưu đang ngập chìm trong biển nước. Tại Quảng Nam, gần 50% nhà cửa của người dân xã Duy Hải bị tốc mái, đổ sập. Dân nghèo giờ càng nghèo hơn. Gần 800 gia đình người dân của xã bị tốc mái, sập nhà, chưa kể trường học, trụ sở bị tàn phá. Thôn Trung Phường, nằm mé biển ngổn ngang đổ nát. Sau cơn bão, người dân tự đặt tên mới cho làng mình là làng Nari. Trước ngày bão đến, dân làng ở đây được thông báo, tổ chức di dời đi lánh bão. Bão tan, bà con gồng gánh quay về thì nhà cửa đã đổ nát, tài sản bị nước biển cuốn mất.
Nhiều tầng, nấc đè lên lưng nông dân Việt
Theo kết luận được nêu trong Báo cáo “Ai hưởng lợi khi giá gạo tăng”, do Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, nông thôn (IPSARD) cùng Tổ chức Oxfam tại Việt Nam thực hiện, thì nông dân Việt Nam chịu 70% chi phí cho nông sản xuất cảng nhưng chỉ được hưởng 30% lợi nhuận, 70% lợi nhận còn lại bị các tầng nấc trung gian và doanh nghiệp xuất cảng chia nhau cùng hưởng.
Nhóm thực hiện cuộc khảo sát nhận định: Khi giá gạo trên thị trường thế giới giảm, giá bán lúa sẽ tụt xuống. Lợi nhuận từ trồng lúa đã thấp sẽ càng thấp hơn. Ngược lại, nếu giá gạo trên thị trường thế giới tăng, nông dân chỉ thu lợi rất thấp.
Cũng vì vậy, nông dân là đối tượng trực tiếp gánh chịu tất cả các rủi ro, từ dịch bệnh, thiên tai tới tình trạng giá gạo trên thị trường thế giới tụt giảm.
Sở dĩ nông dân chỉ được hưởng 30% lợi nhuận trong chuỗi giá trị của hạt gạo dù phải gánh tới 70% chi phí là vì có quá nhiều tầng nấc trung gian. Sự xuất hiện của quá nhiều tầng nấc trung gian được xác định là do các doanh nghiệp xuất cảng gạo quá kém trong tổ chức kinh doanh. Hai Tổng công ty lương thực của nhà nước là Vinafood I và Vinafood II vẫn chiếm khoảng 50% tổng lượng gạo xuất cảng.
Nghiên cứu của IPSARD và Tổ chức Oxfam tại Việt Nam khẳng định, tuy có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất lúa gạo và rất nhanh nhạy trong việc tiếp thu công nghệ mới nhưng nông dân Việt Nam càng ngày càng nghèo. Cũng vì thế, ngoài trồng lúa, nông dân phải dựa vào các nguồn thu nhập khác từ chăn nuôi hoặc các hoạt động phi nông nghiệp. Chi phí tăng vọt nhưng giá các loại nông sản, sản phẩm chăn nuôi (gà, vịt, heo, bò,…), thủy sản (tôm, cá,…) vẫn rẻ như bèo, thậm chí đôi lúc không có người mua. Nông dân không thể sống nhờ ruộng đồng nên đã ngưng trồng trọt, chăn nuôi. Đất đai bị bỏ hoang.
Phong trào “người cày bỏ ruộng” đã lan từ miền Bắc tới miền Trung… đang đẩy nông nghiệp Việt Nam đến chỗ lụn bại, nông thôn tiêu điều xơ xác, nông dân đói khổ, bỏ xứ tha phương cầu thực. Một thống kê về thu nhập của giới chiếm 70% dân số Việt Nam cho thấy, thu nhập của nông dân đang ở giai đoạn thấp nhất trong vòng 27 năm qua (tính từ thời điểm Việt Nam bắt đầu “đổi mới”).
Hồi giữa năm nay, Trung tâm Tư vấn Chính sách Nông nghiệp, Nông thôn công bố kết quả một cuộc khảo sát về nông thôn, nông dân, theo đó, có tới 42% nông dân không hài lòng với cuộc sống hiện tại vì thu nhập không tương xứng với kết quả lao động.
Người dân đổ xô mua ốc bưu vàng bán cho thương lái Trung Quốc
Một số tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long đang rộ lên tình trạng người dân tranh nhau bắt ốc bươu vàng bán cho thương lái Trung Quốc, họ còn thả nuôi thay vì tận diệt để bảo vệ đồng lúa như trước đây. Tại thị xã Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang với TP Cần Thơ trong những ngày này đi đâu cũng thấy treo bảng thu mua ốc bươu vàng. Một người dân ở xã Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Hậu Giang, nói các chủ vựa bán bao nhiêu họ cũng mua. Tuy có hơi cực một chút nhưng lại có thu nhập.
Được biết, trước đây, người dân bắt ốc bươu vàng sống rồi bán trực tiếp cho các vựa. Nay ốc bươu vàng sau khi bắt được phải luộc chín, đập vỏ lấy thịt để bán, giá cao hơn nhiều. Trước đây, 1 ký ốc bươu vàng còn vỏ chỉ bán được khoảng 300 đồng, nay thịt của nó bán được từ 10 đến 12,000 đồng một ký. Một thương lái cấp 2 chuyên thu mua ốc bươu vàng ở huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng để bán lại cho các vựa ở Hậu Giang, cho biết gần đây thịt ốc bươu vàng có giá, nghe nói để xuất cảng sang Trung Quốc. Một người chuyên nuôi vịt thì nói trước đây nông dân hạn chế nạn ốc bươu vàng cắn phá lúa non, nhưng nay lại tiếp tục về nuôi trong ao dù biết nguy hiểm nhưng để bán lấy tiền.
Một cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang nói họ biết điều này nhưng các chủ vựa bán cho ai thì địa phương không biết. Không chỉ thu mua ốc bươu vàng, nhiều người dân ở tỉnh Đồng Tháp và các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ cũng gom trứng ốc bươu vàng đem về dập nát rồi bán cho thương lái với giá khoảng 20,000 đồng một ký, dù chẳng biết họ mua trứng ốc bươu vàng để làm gì. Từ ngày trứng ốc bươu vàng được thu mua thì nhiều hộ dân bắt đầu thả nuôi loài xâm hại này tại ao, ruộng của mình thay vì dùng thuốc trừ sâu để tiêu diệt như trước đây.