Vừa rồi, nhân vụ 10.000 công nhân đang làm trong công ty giày da ở Trà Vinh bị đuổi việc, ở Sài Gòn có một vị giáo sư đang dạy ngành nhân học ( anthoropology/anthropologie) tại trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn đặt câu hỏi rằng: Có doanh nghiệp nào đứng ra nhận 10.000 công nhân đó vào làm lại không?
Câu hỏi mà vị giáo sư nọ đưa ra cần phải được trả lời một cách chính thức bởi các tổ chức bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Trong trường hợp này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – tổ chức đã ăn tiền phần trăm của 10.000 người công nhân công ty giày da Mỹ Phong đó phải có nghĩa vụ phải tìm cho họ một công việc mới, bằng cách liên hệ với các doanh nghiệp đã có sẵn mối quan hệ mật thiết với Tổng Liên đoàn.
Người đời có câu: “Đã ăn của ai thì phải làm cho tốt!” Tổng Liên đoàn Lao động Viêt Nam đã ăn của biết bao công nhân Việt Nam rồi thì không được trốn tránh trách nhiệm tạo công ăn việc làm cho công nhân của họ. Ngoài việc không công bố chi tiết thu chi những khoản mà hàng triệu công nhân đóng nguyệt liểm hàng tháng, công đoàn nhà nước này còn cố tình giấu không cho công nhân biết về các phương thức đòi quyền lợi của mình.
Nước Pháp là một xứ có các nghiệp đoàn được quyền hoạt động tự do đến mức mãnh liệt. Hàng ngàn nghiệp đoàn trong cả nước tập hợp thành vài liên đoàn lao động (conféderation). Mỗi liên đoàn có một bản sắc riêng, một tư tưởng nghiệp đoàn nổi bật. Nhiều liên đoàn như vậy cạnh tranh sòng phẳng với nhau, đẩy chất lượng và thái độ phục vụ người công nhân lên cao. Giới chủ ở Pháp rất ngại đuổi việc một nhân viên lâu năm, dù người đó không còn khỏe mạnh để cho năng suất như trước.
Hàng hàng không quốc gia Pháp Air France là một ví dụ. Tại sân bay Tân Sơn Nhất ở Sài Gòn Việt Nam, chúng ta dễ dàng thấy, ngược với các hãng hàng không khác trưng ra toàn tiếp viên nữ chân dài trẻ đẹp, đoàn tiếp viên Air France chủ yếu là các phụ nữ U40 trở lên. Các bà này được ăn học đầy đủ, quyền hành rất lớn, giám đốc cũng phải nể. Mỗi bà tiếp viên ấy dù cấp thấp đến mức nào cũng có thể tạo ra một cuộc đình công làm tê liệt cả ngành hàng không Pháp. Cho nên, các ông chủ hãng không bao giờ dám nặng lời với bất kỳ một bà nào trong số đó, đừng nói là đuổi việc vô cớ.
Trở lại câu chuyện các công đoàn ở Việt Nam. Không có công đoàn nào vô dụng cho bằng công đoàn nhà nước. Một mình một sân, công đoàn này không làm được gì ra hồn mỗi khi cần kíp.
Vừa qua, những nhân viên của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines viết đơn kêu cứu lên tận trung ương, khóc lóc về việc bị ban giám đốc của hãng vắt chanh bỏ vỏ. Khi con gái người ta còn trẻ đẹp thì nịnh nọt, cho làm tiếp viên bay chuyến. Đến khi họ đã qua thời xuân sắc thì các sếp kiếm cớ để đuổi việc, nào là tinh giảm biên chế, nào là đòi bằng cấp tin học lập trình.
Trong một xứ không có tự do cạnh tranh giữa các công đoàn lao động, giới chủ ngang nhiên tung hoành, đạo đức quản trị không cao hơn cái vỉa hè. Ông chủ chẳng có ràng buộc tình cảm nào với đội ngũ nhân viên, cũng chẳng họ hàng thân thích gì, cho nên thích thì giữ người ta lại làm việc, không thích nữa thì đuổi đi, cũng chẳng ai làm được gì nhau./.