Phạm Chí Dũng – VOA
Vì sao Donald Trump – người mà cho đến nay đã nổi lên như một trong những tổng thống Mỹ chống chủ nghĩa xã hội cuồng nhiệt nhất, lại dễ dàng được Nguyễn Phú Trọng – một đồ đệ trung thành và thậm chí còn có phần cuồng tín của lý thuyết chủ nghĩa này – mời mọc đến Việt Nam mà nơi đó Trump sẽ có cuộc đàm phán lần thứ hai với nhân vật lãnh đạo số một của Bắc Triều Tiên là Kim Jong Un vào cuối tháng 2 năm 2019?
Và vì sao triết thuyết chống chủ nghĩa xã hội của Trump không chỉ là lời nói mà còn đang trở thành một hành động thực tế và ngày càng gần tính thực chất vào đầu năm 2019 – loại bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa của Maduro ở Venezuela, trong khi chính thể này lại được đảng của Nguyễn Phú Trọng xem là ‘sát cánh’ và ‘cùng nắm tay nhau tiến lên chủ nghĩa xã hội’, lại không bị Trọng phản ứng theo đúng cái logic phải có của vấn đề này?
Nhưng dấu hỏi trên chỉ là những bí mật của lịch sử quan hệ Việt – Mỹ hay sẽ được giải mật chỉ trong một sớm một chiều bằng vào lý lẽ đơn giản ‘ai cần ai hơn’?
Tiền đề để đi Mỹ?
Ngày 5/2/2019, Trump đã chính thức thông báo cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 giữa ông và Kim Jong Un sẽ diễn ra tại Việt Nam trong hai ngày 27 và 28/2 năm 2019. Thông báo này mang tính khẳng định và pháp lý khi được lồng trong thông điệp liên bang mà Trump đọc tại Quốc hội Hoa Kỳ. Hầu như ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã họp báo và ‘hoan nghênh’ cuộc gặp này.
Bộ Ngoại giao Việt Nam lại là cơ quan tỏ ra nhiệt tình nhất trong một chiến dịch vận động quốc tế để cuộc gặp thượng đỉnh Trump – Kim lần một diễn ra ở Việt Nam, thay vì ở Singapore trong năm 2018. Từ trước giữa năm 2018, báo chí Việt Nam bất ngờ đánh tiếng việc Việt Nam sẵn sàng đứng ra đăng cai cho cuộc gặp thượng đỉnh này. Có vẻ khá kỳ lạ là sau đó sự vận động này vẫn được tiến hành miệt mài và đôn đáo mà không có dấu hiệu nào cho thấy nó bị chững lại bởi tình cảm bị tự ái hay bị xúc phạm, trùng với thời gian Trump kêu gọi chống chủ nghĩa xã hội tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc.
Cũng vào thời gian trên và đặc biệt ngay sau biến cố Trần Đại Quang chết đột ngột cùng việc Nguyễn Phú Trọng chính thức trở thành ‘tổng chủ’ ở Việt Nam, đã xuất hiện một số thông tin về một chuyến thăm Mỹ của ông Trọng vào cuối năm 2018 với tư cách là chủ tịch nước chứ không còn là tổng bí thư của một chính đảng mà giới nguyên thủ quốc gia trên thế giới, và nhất là Trump, chẳng mấy quan tâm đến vị thế ‘ngoài vòng pháp luật’ của đảng này tại Việt Nam.
Nếu chuyến công du trên trở nên hiện thực, Nguyễn Phú Trọng sẽ có thể một lần nữa thốt lên ‘Mình phải như thế nào người ta mới tiếp như thế chứ!’ – hàm ý khơi gợi lại lời tán thán quá sức thỏa mãn sau khi ông ta được Tổng thống Mỹ Barak Obama tiếp đón trọng thị ngay tại Phòng Bầu dục vào tháng 7 năm 2015 như một ngoại lệ và rất đặc cách.
Nhưng khoảng thời gian cuối năm 2018 đã chẳng diễn hình ảnh nào về chiếc chuyên cơ mang Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đáp xuống phi trường quân sự Andrews ở Washington DC. Có thể Trump đã quá bận rộn khi còn phải căng đầu đối phó với những cuộc tấn công của đảng Dân Chủ nhắm vào ông ta. Trong lúc đó, vẫn râm ran dư luận về việc Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn đang cố gắng vận động Bộ Ngoại giao Mỹ cho chuyến đi ấy, hoặc ít nhất là một tiền đề cực kỳ quan trọng của chuyến đi ấy – làm thế nào để Trump chấp nhận gặp Kim Jong Un ngay tại Việt Nam mà không phải nơi nào khác.
Còn bây giờ, tiền đề ấy đã trở thành hiện thực và có lẽ văn phòng chủ tịch nước của ông Trọng đang tràn ngập hy vọng là hiện thực sẽ được nối tiếp bởi tương lai gần, để Nguyễn Phú Trọng sẽ lần thứ hai được nhón chân vào Phòng Bầu dục với tư cách chính thức chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ai cần ai hơn?
Như một quy luật cuộc đời và muôn đời, lợi ích của một chế độ và những quan chức cao cấp trong chế độ đó luôn cao vượt hơn mọi tình bạn quốc tế được tuyên bố là keo sơn hai môi răng của nó. Rất có thể, đó là nguồn cơn mà ngay vào thời điểm Trump hùng hổ sắp tuyên bố về can thiệp quân sự vào Venezuela là một trong những phương án, trong khi một lực lượng quân đội Mỹ đã có mặt ở Colombia sát biên giới với Venezuela, cái cách đọc bài “Việt Nam luôn quan tâm, theo dõi và mong muốn Venezuela hòa bình, ổn định” của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã cho thấy một cách sống động, thậm chí còn là một bằng chứng hùng hồn về việc ông Trọng và Bộ Chính trị của ông ta có thể đang nung nấu ý chí ‘bán họ hàng xa, mua láng giềng gần’ như cái cách mà tục ngữ Việt Nam dạy dỗ.
Nếu ý chí trên được xảy ra trọn vẹn, không phải Venezuela mà chính là Mỹ mới là ‘láng giềng gần’ của Việt Nam. Dù rằng Việt Nam đã đầu tư vài tỷ USD vào Venezuela thông qua Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và đã gặt hái kết quả từ lỗ đến lỗ.
Cách tuyên bố nước đôi hoặc ‘đi hàng hai’ của Bộ Ngoại giao Việt Nam về cuộc khủng hoảng chính trị Venezuela không còn giống như cách đu dây của Việt Nam giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến Biển Đông hay những va chạm quốc tế khác. Phản ứng quá sức chung chung và như thể ‘nói cho nó lành’ của Bộ Ngoại giao Việt Nam gần như là một biểu hiện của tâm thế bối rối, hơn thế nữa là hoang mang cao độ của Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị đảng của ông ta trước tương lai chủ nghĩa xã hội chỉ còn là ốc đảo hoang dại trên đại dương bao la.
Bỏ qua người đồng chí dầu mỏ đã từng một thời thân thiết là Venezuela, lợi ích sống còn trước mắt của chính thể độc trị ở Việt Nam là những mỏ dầu mà Bắc Kinh – như một kẻ cướp hung hãn – nhảy xổ vào nhà và đòi chia bôi với chủ nhà đến 60% tài sản của cái nhà đó: cái đường lưỡi bò ‘chết tiệt’ của Trung Quốc vừa được vẽ lại vào năm 2018 đã liếm qua toàn bộ các mỏ dầu khí đang khai thác và sẽ khai thác của Việt Nam ở Biển Đông, bao gồm mỏ Cá Rồng Đỏ liên doanh với Repsol của Tây Ban Nha, mỏ Lan Đỏ liên doanh với Rosneft của Nga và mỏ Cá Voi Xanh liên doanh với Exxonmobil của Mỹ.
Sau vụ giàn khoan Hải Dương 981, từ năm 2014 đến nay Việt Nam đã phải tìm cách dựa vào Mỹ.
Biểu cảm gần như lấy lòng Mỹ trong chiến dịch vận động để cuộc gặp Trump – Kim diễn ra ở Việt Nam còn giúp giải quyết một vấn đề sống còn ngay trước mắt: làm thế nào để Trump, trong một trạng thái vui vẻ và dễ dãi, gật đầu cho Việt Nam’ qua đò’ tiếp một năm 2019 với giá trị xuất siêu vào thị trường Mỹ duy trì được con số 35 tỷ USD như năm 2018, mà không bị vị tổng thống Mỹ này xem là ‘kẻ thù kinh tế’ và tìm cách áp dụng nguyên tắc ‘công bằng và đối ứng’ để giảm thiểu số xuất siêu của Việt Nam.
Gần như chắc chắn, một chuyến đi Mỹ của Nguyễn Phú Trọng, nếu có xảy ra sau khi Trump gặp Kim tại Việt Nam, sẽ là một biểu cảm ‘năn nỉ’ về cán cân đối ứng thương mại giữa hai nước, song song với vấn đề Biển Đông và việc liệu cái chính thể quá quỵ lụy với ‘bạn vàng’ Trung Quốc còn muốn duy trì chính sách ‘ba không’ không còn hợp thời hợp thế hay không.
Nhưng vẫn chưa phải hết. Cuộc gặp Trump – Kim tại Việt Nam sẽ mang lại ‘uy tín Việt Nam không ngừng nâng cao trên trường quốc tế’ theo cách tuyên truyền một chiều chẳng bao giờ biết liêm sỉ của Hà Nội, nhất là trong bối cảnh ‘vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ đã làm cho cả châu Âu phải giương mục kỉnh vào nhất cử nhất động của giới công an nói riêng và quan chức Việt Nam nói chung, lồng trong bầu không khí uy tín của ‘đảng và nhà nước ta’ lao dốc hơn bao giờ hết trên trường thế giới.