Minh Quân (VNTB) – Tổ chức Ngân hàng Thế giới đang bị nghi ngờ là đã tiếp tay, hoặc đã có một hành động hoàn toàn không khách quan và trung thực, cho chính thể độc trị ở Việt Nam khi nêu ra con số thống kê lượng kiều hối về Việt Nam năm 2018 lên đến 15,9 tỷ USD.
Ngay lập tức, các tờ báo đảng và ‘thân đảng’ ở Việt Nam dẫn tin từ Ngân hàng thế giới để khoa trương thành tích nhờ có nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác về người Việt Nam ở nước ngoài và các chính sách nhân văn nhân bản của đảng và nhà nước ta mà Việt Nam đã thu hút được ngày càng nhiều kiều hối từ ‘khúc ruột ngàn dặm’ hay từ ‘kiều bào ta’.
Tuy nhiên, công bố của Ngân hàng thế giới về lượng kiều hối về Việt Nam trong hai năm 2017 và 2018 lại chỉ thuần túy là con số tổng nhưng đã không kèm theo bất kỳ một liệt kê chi tiết nào cần có về cơ cấu khu vực và quốc gia trên thế giới gửi kiều hối về Việt Nam, cơ cấu khu vực và ngành nghề ở Việt Nam nhận kiều hối, phương pháp tính kiều hối của Ngân hàng thế giới…
Trong khi đó tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Kế hoạch & Đầu tư ngày 16/1/2019, chính Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết rằng kiều hối về Sài Gòn đạt 5 tỷ USD, thấp hơn con số năm 2017 là 5,2 tỷ USD.
Sự thừa nhận trên cho thấy ngay cả Sài Gòn – bị giới chóp bu Hà Nội xem là ‘con bò sữa’ để tha hồ vắt kiệt sức dân và doanh nghiệp – cũng đã lần đầu tiên bị giảm kiều hối sau nhiều năm.
Cho đến nay, ngay cả một số tờ báo nhà nước cũng nghi ngờ rằng nếu Bộ KHĐT và Ngân hàng Nhà nước cho rằng kiều hối về Sài Gòn chiếm khoảng 50% tổng lượng kiều hối cả nước, con số kiều hối tối đa mà Việt Nam nhận được trong năm 2018 chỉ khoảng 10 tỷ USD chứ làm sao được ‘vẽ’ đến 15,9 tỷ USD như công bố của Ngân hàng Thế giới?
Nói cách khác, giữa Ngân hàng Thế giới và chính quyền Việt Nam liệu có tồn tại âm thầm một thỏa hiệp chính trị nào để tô hồng cho chế độ độc đảng này?
Mối nghi ngờ trên càng lớn khi trong hai năm liên tiếp 2017 và 2018, các cơ quan Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng nhà nước… ở Việt Nam đã ‘câm như hến’ mà không hề công bố kết quả tổng lượng kiều hối về Việt Nam mỗi năm.
Vậy lượng kiều hối thực về Việt Nam trong hai năm 2017 và 2018 có thể là bao nhiêu?
Hãy dựa ngay vào cách thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM khi cơ quan này thường xuyên xác định về cơ cấu địa phương tiếp nhận kiều hối: Sài Gòn thường nhận khoảng 60% trong tổng số kiều hối về Việt Nam.
Như vậy nếu căn cứ vào con số 5 tỷ USD của Sài Gòn vào năm 2018 và tỷ lệ 60% mà Sài Gòn thường chiếm trong tổng lượng kiều hối của cả Việt Nam, con số tổng kiều hối về Việt Nam trong hai năm 2017 và 2018 chỉ vào khoảng hơn 8 tỷ USD chứ không thể lên đến 13,8 tỷ USD cho năm 2017 và 15,9 tỷ USD cho năm 2018 như Ngân hàng thế giới công bố.
Nhưng con số hơn 8 tỷ USD trên vẫn có thể là lạc quan, bởi phản ánh chung của báo chí và giới chuyên gia tài chính là trong những năm gần đây, kiều hối đổ về Việt Nam có khuynh hướng ngày càng tập trung về Sài Gòn – nơi có hàng triệu gia đình có thân nhân ở nước ngoài, chủ yếu từ thị trường Hoa Kỳ (chiếm 55-60% tổng kiều hối từ các nước gửi về Việt Nam), trong khi giảm mạnh ở tỉnh thành khác. Nếu tỷ lệ kiều hối về Sài Gòn vượt trên 60% nhưng vẫn giữ giá trị tuyệt đối là khoảng 5,2 tỷ USD thì dĩ nhiên con số tổng kiều hối quốc gia sẽ phải giảm dưới mức 8 tỷ USD.
Sau hơn hai chục năm duy trì xu hướng tăng liên tục, hiện tượng rất đáng chú ý là vào năm 2016, lần đầu tiên dòng kiều hối bị khựng lại, suy giảm rất mạnh và báo hiệu về dòng kiều hối này sẽ đảo chiều trong những năm tới.
Năm 2016 thực sự là một cú sốc dành cho chính thể cầm quyền tại Việt Nam: lượng kiều hối trong năm đó chỉ còn có 9 tỷ USD, sụt giảm rất mạnh – đến 30% – so với đỉnh kiều hối 13,2 tỷ USD của năm 2015.