Đỗ Ngà |
Sau khi Tào Tháo chết, Tào Phi lên thay cha mình làm Ngụy Vương. Trong triều đình lúc đó tồn tại 2 nhân vật tối cao: thứ nhất, đó là Hán Hiến Đế là vua nhà Hán, về danh chính ngôn thuận là vua chính thức, nhưng ông này không có thực quyền; thứ nhì, đó là Ngụy Vương Tào Phi, về danh chính ngôn thuận thì đó là người dưới vua, nhưng thực quyền sai khiến nhà vua.
Thông thường, để điều hành đất nước, về hình thức thì cần phải dùng ngọc tỷ đóng dấu vào công văn thì sẽ thành chiếu chỉ của nhà vua. Đó là cách điều hành bộ máy nhà nước thời phong kiến. Vì không có tính chính danh, nên Tào Phi phải chấp nhận, lệnh là của mình, nhưng chiếu chỉ thì phải dùng dấu của vua Hán. Nghĩa là kẻ ra lệnh một nơi, văn bản giấy tờ điều hành thì ở một nẻo, rất bất tiện. Thấy vướng, Tào Phi bất chấp, hất luôn ông vua bù nhìn Hán Hiến Đế tự lên ngôi hoàng đế luôn cho tiện.
Ở Việt Nam thời vua Lê chúa Trịnh cũng thế. Chúa Trịnh có thực quyền nhưng về danh nghĩa dưới vua. Vua Lê theo danh nghĩa là vua một nước nhưng chỉ là bù nhìn, làm theo lệnh của Chúa. Việc điều hành đất nước cũng tréo cẳng ngỗng như triều đình nhà Hán thời Tam Quốc vậy. Mệnh lệnh được phát ra từ phủ chúa, nhưng chiếu chỉ thì phải từ cung vua xuất ra. Cứ mỗi lần chúa ra lệnh thì Vua ban chiếu chỉ theo mệnh lệnh đó. Rất bất tiện nhưng kiểu điều hành đất nước như thế này vẫn duy trì cho đến ngày nhà Hậu Lê kết thúc.
Thời Tam Quốc bên Tàu, và thời Trịnh – Nguyễn phân tranh bên Việt đều là thời tao loạn, nhân dân cực khổ, lòng dân li tán. Vì sao loại hình chính trị đó lại gắn với thời kì đen tối của đất nuớc? Vì đơn giản, trong triều đình có sự tiếm quyền mới xảy ra hiện tượng như thế. Kẻ tiếm quyền muốn ẩn nấp để ra lệnh. Thực ra triều đình không hề có chức danh vương hay chúa, những chức danh này là do kẻ tiếm quyền tự đặt ra cho mình để điều khiển nhà vua mà thôi. Mà một khi nấp sau lưng kẻ khác, họ dễ dàng làm điều xấu xa, vì lúc đó mọi tai tiếng nhà vua bù nhìn sẽ gánh chịu vì công văn giấy tờ đều mang con dấu của vua.
Và hôm nay Việt Nam cũng vậy, CS họ dựng lên một đám rối được gọi là Quốc hội, rồi gán cho đám rối này cái danh là “cơ quan quyền lực cao nhất nước”. Mọi quyết định vấn đề của đất nước đều phát ra từ kẻ múa rối – Bộ Chính Trị, rồi sau đó đám rối Quốc Hội múa theo để hợp thức. Điều hành đất nước kiểu nấp sau lưng rối, điều đó cho thấy, Bộ Chính Trị là một group lộng quyền. Thực chất trong luật pháp không có điều khoản nào quy định quyền và nghĩa vụ của bộ chính trị. Bộ chính trị là một group tự dựng lên để điều hành đất nứớc, nó tựa vương hay chúa thời kỳ loạn của các triều đại phong kiến. Nó tựa như một bọn cướp đột nhập vào nhà dí súng vào đầu chủ nhân và ra lệnh mà thôi. Cách điều hành đất nước bằng một nhóm có quyền lực thiếu tính chính danh là một sự quái thai trong bộ máy nhà nước. Nó mang dáng dấp của thời tao loạn, quyền lực bị tiếm một cách bừa bãi.
Đám rối Quốc hội phải mất 6 tháng mới họp hành 1 lần. Có những vấn đề cấp bách không thể đợi đến kì họp của đám rối được, nên group tiếm quyền – Bộ Chính Trị mới phá lệ, bỏ qua luôn vai trò hợp thức hoá của đám rối và quyết luôn kinh phí cho tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên. Rất hài, con rối bị vướng không thể múa được nên kẻ điều khiển ra mặt diễn thay rối. Kẻ tiếm quyền rồi cũng tới lúc ra mặt. Vậy hãy như Tào Phi dẹp bỏ luôn đám rối Quốc hội vô dụng kia và ra mặt nói thẳng “Tao, Bộ Chính Trị là kẻ cầm súng giữ đạn, là kẻ có quyền lực tối cao ở xứ này!”. Ai cũng biết cả rồi, diễn trò làm gì nữa cho vướng víu và tốn kém nhỉ?