Vừa qua, Bộ Tài chính cho hay việc đề nghị các bộ ngành liên quan nghiên cứu đề xuất thu phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với khí thải ngày 26.11.2018 của Bộ Tài chính là xuất phát từ kiến nghị của cử tri tỉnh Lào Cai và Hà Nội.
Tuyên bố này gây ra nhiều tranh cãi, ngay sau đó báo điện VNN vào cuộc làm rõ, hóa ra ‘đúng là có việc cử tri Lào Cai kiến nghị về thu phí đối với khí thải. Thế nhưng cử tri Lào Cai chỉ kiến nghị thu phí đối với khí thải công nghiệp’. Thế nhưng, khi Bộ Tài chính tiếp nhận, thì đã loại bỏ chữ công nghiệp, và kiến nghị của cử tri Lào Cai đã trở thành một kiến nghị thuế phí mới, với đối tượng, phạm vi áp dụng rộng rãi hơn.
Chưa bao giờ, người ta nhận thấy Bộ Tài chính lại ‘năng nổ’ trong tiếp nhận và triển khai kiến nghị của cử tri đến thế. Nhưng sự năng nổ này lại áp dụng khi cử tri muốn ‘tăng’ thay vì giảm. Có quá nhiều lý do để giải thích cho sự việc này, và một trong số đó là: ngân khố trong tình trạng suy kiệt. Và thay vì giải quyết triệt để vấn đề thâm thủng ngân sách theo hướng siết chặt chi tiêu cơ bản, minh bạch hóa ngân sách, chống tham nhũng trong lĩnh vực đầu tư công thì ngược lại, tiến hành đẻ các loại thuế phí (đặc biệt là thuế gián thu) để bổ sung ngân sách.
Đó là lý do vì sao rất nhiều Facebooker bày tỏ sự phẫn nộ, Facebooker Nguyễn Đăng Giang cho biết, việc lắng nghe cử tri là điều cần làm, nhưng lắng nghe phải cho đúng, cho đủ, thay vì cố tình xuyên tạc lời người dân. Còn Facebooker Ngan Cao Trọng phải thừa nhận trong một phản hồi liên quan đến tin tức trên rằng: giữ túi tiền quốc gia nhưng không quản lý được thì chỉ còn biết đè dân đen ra thu chứ biết làm gì nữa. Chỉ một tỉnh miền núi Lào Cai có là đại diện cho 63 tỉnh thành cả nước không? Và đặc biệt là tỉnh miền núi nên không phải là tỉnh có tỉ lệ xe quá cao so với các tỉnh thành cả nước.
Ngoài ra, liệu có đáng phẫn nộ hay không khi mà đã có thuế bảo vệ môi trường, giờ đây lại có phí môi trường? Có sự khác nhau gì ngoài cái tên và bản chất bóc lột đồng tiền của người dân?
Nhưng tại sao một số cơ quan nhà nước lại tìm cách lắp-ghép quan điểm của người dân theo ý mình? Câu trả lời là vì, bấy lâu nay không có công cụ nào để kiểm tra và giám sát việc làm của họ, và họ dựa vào tính quyền lực (thông qua cưỡng chế) nhà nước và bộ máy truyền thông khổng lồ để ‘nhân danh nhân dân’ và ‘bóc lột nhân dân’.
Điều mà Bộ Tài chính không hề nghĩ tới (dù họ bỏ qua sự liêm sỉ) là, người dân đã khôn ngoan hơn xưa, đã có mạng xã hội để họ nhận diện phát ngôn và hành động thực của từng ‘IQ cao’. Thế nên, họ mới phát hiện ra bà lãnh đạo Bộ Tài chính đánh tráo khái niệm nhằm đạt được mục tiêu. Một trạng thái mà dân gian ví đó là ‘hở ra là đớp’, hay theo ngôn ngữ chính trị của bà Phó Chủ tịch nước thì ‘ăn của dân không từ một cái gì’.
Đặt vấn đề, giả như ngay cả khi người dân muốn có thuế phí đối với khí thải, thì người dân cũng mong muốn nó được áp dụng đúng, đủ và đầy. Tuy nhiên thực tế cho thấy, trong các loại thuế phí, thì thuế phí môi trường được coi là loại vô dụng nhất, bởi nó không trợ giúp kiểm soát môi trường cho cộng đồng dân sinh, mà là nguồn để bổ túc cho các nguồn chi khác, nói chính xác là thu chi sai mục đích. Trong khi đó, tình hình ô nhiễm môi trường Việt Nam bởi các hoạt động công nghiệp, đô thị hóa đang ‘tăng trưởng’ nhanh chóng. Nói cách khác, môi trường Việt Nam đang bị bán rẻ đến mức rẻ mạt, những nhà máy nhiệt điện vẫn cứ xả thải vô tội vạ; những khu công nghiệp vẫn phun khói độc và dòng thải chưa qua xử lý vào lòng đất, song và biển,… Tuyệt nhiên, không bao giờ thấy tác dụng của nguồn thuế bảo vệ môi trường nào xuất hiện. Trong khi bản thân người dân bị bóc lột đến mức ‘phí chồng phí, thuế chồng thuế’.
Trong một báo cáo vào đầu năm 2018, tổ chức phi chính phủ – Green ID, cho biết 91% số ngày trong 3 tháng đầu năm 2018, mức độ ô nhiễm không khí của Hà Nội vượt tiêu chuẩn cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).