Trần Minh Nhật – Web Việt Tân
Ở Việt Nam, những lý tưởng cao đẹp của bản tuyên ngôn bị nhòa đi khi thành tích nhân quyền không thể tệ hơn. Chỉ trong năm nay hàng trăm người dân thể hiện quyền của mình đã bị bắt giữ và kết án cao nhất từ trước tới nay.
Hàng trăm những người bị cầm tù mà thế giới coi đó là những tù nhân lương tâm là hàng trăm câu chuyện về cuộc đời và những hoạt động của họ cho một Việt Nam tốt đẹp và đáng sống hơn.
Mỗi người họ đều đáng được vinh danh và tri ân vì đã dấn thân cho tương lai chung của toàn dân tộc này. Trong số đó, tôi đặc biệt nhớ về một người anh – anh Lê Đình Lượng. Ngày nhân quyền thế giới cũng là ngày sinh nhật của anh. Và nay anh đang phải thụ án 20 năm tù giam kèm theo 5 năm quản thúc tại gia, một mức án cao nhất trong vòng chục năm trở lại đây cho một nhà hoạt động ôn hòa.
Tôi nghĩ rằng có nhiều người có một quan niệm sai lầm về một người đấu tranh cho nhân quyền. Và một trong những suy nghĩ lệch lạc đó là nghĩ rằng đấu tranh cho nhân quyền phải là một cái gì đó cao siêu và rất khó làm. Tuy nhiên, nếu ai biết về anh Lê Đình Lượng – người bị kết án nặng nề nhất gần đây thì có thể sẽ có cái nhìn khác đi.
Tôi phải thừa nhận rằng có lẽ không phải ngẫu nhiên mà anh Lê Đình Lượng lại bị chế độ độc tài tuyên mức án cao như thế. Theo những tường thuật sau các phiên tòa từ luật sư và người tham dự có thể thấy chỉ riêng mỗi cái chí khí và cung cách của anh Lượng trước tòa đã là một nỗi sợ cho đảng cầm quyền.
Sự khiêm tốn và bình thản mà anh Lượng đối diện với cái còng số tám thể hiện cái khí chất của một người biết mình là ai và biết mình sống vì điều gì.
Trong một nghĩa nào đó, cái ngưỡng mà con người khó vượt qua nhất không phải là những trận đòn mà là ở chính nỗi sợ của bản thân. Một người có thể cười với những kẻ áp cho mình một cái án phi nhân như thế ắt hẳn là một người có trái tim còn rộng lớn hơn so với những thù hận mà kẻ khác gây cho mình.
Một số người khi nói chuyện với tôi đã hỏi “ông Lượng làm gì mà bị án cao như thế?” Tôi thường trả lời rằng tôi không phải là quan tòa cộng sản nên không định tội cho anh ấy. Nhưng theo tôi biết, thì anh Lượng chỉ đơn thuần làm những thứ – những việc bình thường mà anh ấy nghĩ là bổn phận của bản thân mình.
Lê Đình Lượng là một chiến binh khi biên ải tổ quốc lâm nguy, là một người chồng – người cha trong gia đình, là một người trợ giúp bà con lối xóm đòi lại chuyện cái cặp – cuốn sách tới trường cho con trẻ, là người chạy đôn chạy đáo để bà con tiểu thương được buôn được bán mà không bị chủ chợ đổ rác vào quầy hàng. Anh Lượng là người “ăn cơm cà bàn chuyện chính trị” như người khác – và cũng là người ngược xuôi bắc nam thăm người này viếng người nọ như chính Giáo Lý mà anh được dạy.
Là một người Công Giáo trong một xứ toàn tòng, ông sống cuộc đời mình bình dị như bao người khác. Và những cái biệt danh như “nhà hoạt động”, “nhà đấu tranh dân chủ – nhân quyền” không phải là cái mà anh gán cho mình. Anh chỉ đơn thuần làm điều đúng mà lương tâm anh thúc giục.
Không phải là người màu mè với đủ loại kiến thức, và đủ loại hoạt động. Và một lý do nhiều người không biết về anh có thể vì không mấy người chú ý về những vùng nông thôn như Yên Thành, xứ Nghệ. Nhưng cái chính không phải là được biết đến hay nổi danh, từng nhiều lần tâm sự với anh – tôi không thấy anh than phiền bao giờ. Và vì không chú ý đến “cái tôi” của mình anh được đánh giá là người chân thành và nhã nhặn cũng là nỗi sợ của những kẻ vũ phu.
Linh mục Đặng Hữu Nam và luật sư Lê Công Định trong buổi hội luận hôm 9/12/2018 đã nhận xét về anh thật chí tình. Chính trong những hoạt động bình thường đó anh đã mang lại những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng. Và đó mới là cách hoạt động mà tôi thấy là hiệu quả và gây sợ hãi cho nhà cầm quyền.
Cái triết lý phục vụ trong phận vụ của mình đó thúc đẩy anh đi và cũng khiến anh bị bao đòn thù.
Với riêng cá nhân tôi, tôi sẽ không quên cái ngày anh vào thăm tôi khi mãn án tù để rồi sau đó anh bị công an Lâm Đồng đánh bầm dập chảy máu. Và cũng không quên được anh qua những lần đồng hành cùng trợ giúp các nạn nhân Formosa và những việc ích nước lợi dân khác.
Tôi cũng không quên một Trần Thị Nga đang bị lao tù đã từng kinh qua bao trận đòn thù. Không quên những nhà báo, kĩ sư hay nhà hoạt động trong Hội Anh Em Dân Chủ. Và sẽ nhớ tới những em sinh viên, hay những người dân chất phác bị đi tù vì phản đối luật an ninh mạng, luật đặc khu.
Nhưng tôi sẽ không cho phép mình quên anh Lê Đình Lượng – một con người bình thường với một trái tim nhiệt huyết phi thường cho một nền hòa bình, dân chủ đích thực. Và nhìn qua đời anh tôi cũng được dạy một điều căn bản mà bền vững: làm những gì có thể để không một người nào bị khinh rẻ và bất công vì phẩm giá bị chà đạp và nhân quyền bị phớt lờ.
Nguồn: GNsP