Nền giáo dục Việt Nam hiện nay như là anh mù đi tìm vàng. Thật sự, nếu hỏi bất kỳ người lãnh đạo CS nào họ cũng không thể nào định nghĩa được triết lý giáo dục Việt Nam là gì. Có người nói đó là “tiên học lễ hậu học văn”, nhưng không phải, đó chỉ là khẩu hiệu. Có người lại nói “học phải đi đôi với hành”, đấy cũng không phải là triết lí gì cả, mà đó chỉ là câu nói của ông Hồ Chí Minh chính quyền nầy hay nhắc đi nhắc lại, nhằm mục đích tuyên truyền tô vẽ cho bản thân ông ấy mà thôi.
Triết lí giáo dục thường được cô đọng trong một câu gọn ghẽ, nó thể hiện mục đích cuối cùng mà nền giáo dục đó nhắm đến. Trước 1975, Miền Nam đề ra triết lí giáo dục rõ ràng “nhân bản – dân tộc – khai phóng”. Từ đó, tự do học thuật được tôn trọng, tức nhà nước không thọc quá sâu vào giáo dục. Chính nhờ vậy, giáo dục không hề bị nhồi sọ bởi thế lực chính trị nào cả nên học sinh được vun đắp để làm làm người, để biết yêu dân tộc, và biết lĩnh hội những điều giá trị thuộc về văn minh tiến bộ chứ không làm công cụ cho một tổ chức chính trị nào cả.
Treo đầu dê bán thịt chó là một từ để mô tả phường lưu manh, nhãn mác một đằng chất lượng một nẻo. Tương tự vậy, mớ câu khẩu hiệu nào “tiên học lễ, hậu học văn”, nào “học đi đôi với hành” chỉ là những cái đầu dê, nền giáo dục XHCN như món thịt chó. Tiên học lễ đâu không thấy, chỉ thấy học trò đánh nhau, trò đánh thầy, thầy đánh trò nhan nhản. Hậu học văn cũng chẳng xong, học sinh đa phần tri thức hạn chế, tính thực hành kém, tư duy yếu và quan trọng tính tự chủ trong học tập rất kém nên lên đại học chẳng nghiên cứu gì mà chủ yếu là sao chép luận văn kiếm bằng cấp, tiến sĩ như rươi nhưng chẳng có công trình nào tầm cỡ quốc tế.
Khai phóng nghĩa là lĩnh hội những gì thuộc văn minh tiến bộ. Đã được khai phóng thì hôm nay phải hơn hôm qua, ngày mai phải hơn hôm nay, đó là cội nguồn của phát triển. Ngược lại với khai phóng chính là chụp lên nền giáo dục một thứ suy nghĩ hủ bại của một thế lực chính trị dốt nát. Một siêu phẩm của nghệ thuật điêu khắc gỗ thì cần bàn tay nghệ nhân chứ không cần bàn tay anh đốn củi. Tương tự vậy, nền giáo dục Việt Nam cần bàn tay những nhà làm giáo dục hàng đầu chứ không cần bàn tay Cộng Sản.
Duy ý chí vốn dĩ là một sự hẹp hòi trong suy nghĩ nhưng không chịu lắng nghe mà quyết áp đặt nó lên người khác một cách cưỡng bức. Vì thế có thể nói, duy ý chí là kẻ thù của khai phóng. ĐCSVN là một tập thể bảo thủ cố giữ mớ lí luận lỗi thời mà thế giới văn minh đã liệng vào sọt rác của lịch sử. Tập thể này không bao giờ chịu lắng nghe ai mà ngược lại, luôn áp đặt những cái dốt nát của nó lên nền giáo dục Việt Nam Nam một cách duy ý chí. Vì thế nên giáo dục Việt Nam giờ rối như canh hẹ.
Đến hôm nay, sau 43 năm thống nhất mà giáo dục Việt Nam vẫn như anh mù. Nền giáo dục đã hoàn toàn biến tướng, học sinh khó làm người, thiếu lòng yêu thương đồng bào và tri thức kém cỏi. Đến hôm nay, có thể khẳng định rằng giáo dục Việt Nam như một đống hoang tàn: hung đồ làm thầy cô, học sinh hư đốn nhiều, nhà quản lí giáo dục thì rặt chất tham lam lừa lọc của người CS, người thầy chân chính khó sống, học sinh có nhân cách hiếm hoi vv.. Cho nên mới xảy ra thảm cảnh người người đua nhau cho con cái tị nạn giáo dục.
Như chuyện cô giáo hung đồ cho tát vào mặt học trò đến 231 cái tát làm đứa trẻ phải nhập viện là một ví dụ, nó thể hiện cái nát của giáo dục. Nền giáo dục như thế thì khác nào hủy hoại nhân cách học sinh? Vậy thì đó được gọi là trồng người sao? Tiêu cực của ngành giáo dục đầy trên mặt báo, thử hỏi phụ huynh nào không sợ? Thế nên hễ có tiền là người ta tìm cách đưa con mình đi lánh nạn ở nền giáo dục khác để mua lấy sự an tâm. Cho đến giờ, những cải cách của bộ giao dục chẳng làm ai tin tưởng nữa mà ngược lại làm mọi người lo ngại. Nền giáo dục XHCN có thể được tóm gọn trong một từ ngắn gọn – nát./.