Thúy Hường
Chức năng tìm kiếm đơn giản của Google với từ khoá “cầu cứu Thủ tướng” trả về khoảng 120 ngàn kết quả sau 30 giây. Loại trừ một số vụ việc liên quan tới các bộ, ngành, địa phương và nhóm cá nhân, phần lớn các yêu cầu sự giúp đỡ của Thủ tướng liên quan tới doanh nghiệp.
Hệ thống trực tuyến nhằm tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp của Văn phòng chính phủ cũng cho thấy nhiều yêu cầu với thái độ tương tự.
Vụ lùm xùm giữa Ba Huân và Vina Capital cũng như việc bà Lê Hoàng Diệp Thảo yêu cầu sự can thiệp của các lãnh đạo trung ương để bảo vệ Trung Nguyên là biểu hiện sinh động và lặp lại của một hiện tượng phổ biến trong nền kinh tế Việt Nam vài thập kỷ gần đây.
Câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao doanh nghiệp lại thường xuyên yêu cầu lãnh đạo trung ương (trong đó có thủ tướng) giải quyết các khó khăn phát sinh trong kinh doanh như vậy? Doanh nghiệp có những lựa chọn gì khi tranh chấp phát sinh trong kinh doanh?
Số liệu thống kê của Toà án Nhân dân Tối cao cho thấy tỷ lệ các vụ án kinh tế rất thấp so với các vụ án khác, và đặc biệt thấp so với tỷ lệ các đề xuất và “cầu cứu Thủ tướng”. Thực tế này dường như thể hiện một nghịch lý là việc mở cửa phát triển kinh tế dẫn đến tranh chấp phát sinh nhiều hơn, nhưng các bên tranh chấp không tin rằng pháp luật có đủ quyền năng để giải quyết tranh chấp một cách hiệu quả. Nghịch lý này có thể dẫn tới nhiều bất an, nghi ngờ, căng thẳng cũng như gây tốn kém nguồn lực kinh tế của toàn xã hội.
Để trả lời những câu hỏi nói trên tác giả xin đề cập tới một số vấn đề lý thuyết cơ bản về vai trò của pháp luật trong giải quyết tranh chấp.
Hai trường phái về giải quyết tranh chấp theo pháp luật
Mâu thuẫn, tranh chấp là một phần tất yếu của xã hội loài người. Vì thế, vai trò của pháp luật trong việc xử lý các mâu thuẫn này để đảm bảo sự phát triển ổn định, có trật tự của xã hội.
Vì mô hình nhà nước và pháp luật Việt Nam hiện nay bắt nguồn từ việc học hỏi phương Tây (Tuyên ngôn Độc lập 1945, Hiến pháp 1946 và các Hiến pháp sau này vay mượn nhiều ý tưởng khác nhau từ Đông Âu và Tây Âu) nên tác giả sẽ điểm qua một vài trường phái quan trọng ở phương Tây, và sử dụng chúng như hệ quy chiếu để phân tích bối cảnh ở Việt Nam.
Mặc dù có rất nhiều quan điểm khác nhau, giới nghiên cứu luật phương Tây có thể được chia thành hai nhóm cơ bản với hai cách tiếp cận khác nhau về vai trò của pháp luật trong xã hội.
Công lý dựa trên quy ước xã hội
Trường phái thứ nhất, với một đại diện là giáo sư Nils Christie của Đại học Oslo (Na Uy), cho rằng các quy định pháp luật, với tính trừu tượng vốn có của nó, không có khả năng “hiểu” và giải quyết các mâu thuẫn xã hội một cách thấu đáo. Chúng đã “thoát ly” khỏi gốc rễ đời thường. Đó là lý do các sinh viên luật và người hành nghề luật phải được đào tạo về những khái niệm và thuật ngữ pháp lý trừu tượng mà người bình thường hoặc ngoài ngành thường không hiểu được. Trường phái này có xu hướng khuyến khích việc sử dụng các quy ước xã hội để giải quyết mâu thuẫn và đảm bảo công lý cho các thành viên trong xã hội.
Ví dụ, khái niệm “vật quyền”, “trái quyền” là những khái niệm pháp lý mang tính trừu tượng đã gây nhiều tranh cãi trong quá trình sửa đổi Bộ luật Dân sự. Việc hiểu thế nào là “cố ý phạm tội”, “vô ý phạm tội” theo Bộ luật Hình sự cũng đòi hỏi sự hiểu biết của những người được đào tạo để hành nghề trong lĩnh vực luật.
Ở Việt Nam, một quyết định nhận được sự ủng hộ (hoặc chấp thuận) của xã hội thường là quyết định mà phần lớn người dân cho là “hợp tình, hợp lý” hoặc “thấu tình, đạt lý”. Nói cách khác, quan niệm phổ biến của cộng đồng về công lý gắn với quy ước xã hội về sự “hợp tình, hợp lý”.
Ví dụ: Dư luận xã hội hoan nghênh việc ông Đinh Ngọc Thạch, người lái xích lô chở tôn vô ý làm chết người, được gia đình nạn nhân xin miễn trách nhiệm hình sự. Quan niệm về “hợp tình” trong vụ việc được diễn tả như “tình người trong bi kịch”. Những người ủng hộ kết cục này cân nhắc đến lịch sử bản thân của ông Đinh Ngọc Thạch (cựu chiến binh, gia đình nghèo khó phải đi chở vật liệu thuê, tai nạn xảy ra do vô ý) mặc dù họ không trực tiếp quen biết ông. Những thông tin này về ông Đinh Ngọc Thạch do báo chí chuyển tải tới công chúng. Quan niệm về “hợp lý” thể hiện sự cân nhắc về hệ quả của vụ việc: cháu bé đã chết, việc bỏ tù một người đàn ông già nghèo khó không thay đổi được thực tế đó mà chỉ tạo thêm bất hạnh cho gia đình ông.
Kết quả của vụ án ông Đinh Ngọc Thạch được cộng đồng hoan nghênh, nhưng nó không hề góp phần cải thiện quyền năng của pháp luật trong việc đảm bảo an toàn giao thông và tránh các tai nạn phi lý tương tự.
Việc ra phán quyết nói trên được tiến hành theo thủ tục pháp lý nhưng kết quả cuối cùng vẫn bị chi phối nhiều bởi quy ước xã hội. Nói cách khác, nội dung của bản án, quyết định của toà là để khẳng định giá trị của “hợp tình, hợp lý”. Vì thế, chúng không góp phần vào việc phát triển một hệ thống pháp luật chuyên nghiệp nơi các quy định của luật mang tính phổ quát (nghĩa là được cộng đồng tự nguyện tuân theo), và quyết định của toà án hướng tới việc bảo vệ lợi ích công cộng.
Quy ước “hợp tình hợp lý” vốn xuất phát từ cộng đồng nhỏ như làng xã với hoạt động kinh tế đơn giản là sản xuất nông nghiệp. Các thành viên trong cộng đồng thường biết đến hoàn cảnh sống của nhau và vì thế dễ thông cảm cho nhau. Tuy nhiên, khi xã hội chuyển đổi và quá trình đô thị hoá/phát triển kinh tế diễn ra nhanh chóng thì quy ước này bộc lộ rõ điểm yếu của mình. Sự cân nhắc “hợp tình” thường đòi hỏi nhiều thông tin về lịch sử cá nhân, hoặc bối cảnh gia đình. Nó khó có thể áp dụng với hoạt động kinh doanh hiện đại khi mà việc quản trị doanh nghiệp gắn với tính toán kinh tế để đảm bảo lợi nhuận và duy trì việc làm cho rất nhiều người không phải là thành viên trong gia đình.
Giá trị gia tăng về mặt xã hội của pháp luật
Trường phái thứ hai, mà đại diện là giáo sư Gunther Taubner của Đại học Frankfurt (Đức), cho rằng chính tính trừu tượng là một giá trị gia tăng về mặt xã hội của pháp luật, và nên được sử dụng để giải quyết các mâu thuẫn.
Gunther Taubner sử dụng một câu chuyện ngụ ngôn về con lạc đà thứ 12 để minh hoạ cho tác dụng này của pháp luật
Truyện kể rằng ngày xưa có một thương gia làm ăn rất chăm chỉ và đến cuối đời ông tích cóp được một gia sản gồm 12 con lạc đà. Thương gia có ba người con trai. Để đề phòng việc lũ con sẽ tranh chấp khối tài sản sau khi ông qua đời, ông lập di chúc tuyên bố rằng: con trai thứ nhất sẽ được hưởng 1/2, con thứ hai được 1/4 và con thứ ba được 1/6 gia sản.
Khi thương gia qua đời thì tình cờ một con lạc đà cũng về thế giới bên kia theo chủ của nó. Ba anh con trai lâm vào tình thế khó xử vì họ không thể chia 11 con lạc đà theo di chúc của cha. Cãi nhau chán mà không thể phân giải, họ kéo nhau đến nhờ một nhà thông thái trong vùng.
Sau khi nghe đầu đuôi câu chuyện, nhà thông thái phán rằng: ta sẽ cho các con mượn con lạc đà của ta để phân chia tài sản với điều kiện các con phải chăm sóc nó thật tử tế. Khi nào chia xong tài sản thì mang lạc đà trả lại ta. Ba người con đồng ý mượn con lạc đà của nhà thông thái về và họ giữ đúng lời hứa của mình. Một thời gian sau, khi đã chia xong khối gia sản của cha, họ mang con lạc đà trả lại nhà thông thái. Con lạc đà được chăm sóc tốt và béo hẳn lên.
Theo Gunther Taubner và các lý thuyết gia thuộc trường phái của ông, pháp luật giống như con lạc đà thứ 12. Nó có giá trị vì nó mang tính biểu tượng mà những người cần nó tự nguyện chấp nhận và tuân theo. Nhà thông thái cũng giống như quan tòa/tòa án. Bản thân những người tranh chấp (ba anh em trong câu chuyện) khi dùng đến pháp luật cũng đã vô hình trung “nuôi béo” hệ thống pháp luật (con lạc đà thứ 12).
Nói cách khác, những vấn đề nảy sinh trong tranh chấp của họ sẽ được quan toà xây dựng thành những nguyên tắc pháp luật mới để áp dụng cho những tranh chấp tương tự trong tương lai. Lưu ý rằng, lý thuyết của Gunther Taubner bao trùm cả hai hệ thống pháp luật vốn được phân loại theo truyền thống là châu Âu lục địa (civil law) và thông luật (common law).
Hoạt động xét xử của toà án dưới thời Pháp phần nào phản ánh tinh thần của câu chuyện này. Chính quyền thực dân khôn ngoan không muốn can thiệp vào cấu trúc xã hội đã được định hình từ nhiều thế kỷ của xứ thuộc địa. Do đó, các bộ luật dân sự được ban hành trong thời này vẫn công nhận mô hình hôn nhân đa thê. Tuy nhiên, khi xét xử các vụ tranh chấp thừa kế trong gia đình đa thê (ví dụ tranh chấp tài sản giữa vợ cả và vợ lẽ), nhiều bản án của toà Thượng thẩm Nam kỳ không chỉ dừng lại ở việc phân chia tài sản cụ thể cho các bên tranh chấp, mà còn khái quát tình huống làm phát sinh tranh chấp từ đó đưa ra các nguyên tắc để áp dụng cho vụ việc tương tự trong tương lai. Sự tin tưởng vào khả năng của toà án trong việc giải quyết tranh chấp có thể phần nào lý giải việc người dân phía Nam ít e ngại hơn khi tới toà như tâm lý “vô phúc đáo tụng đình” ở phía Bắc.
Luật Việt Nam: con lạc đà còi cọc
Về nguyên tắc, những tranh chấp giữa Ba Huân và Vina Capital, giữa ông Vũ và bà Thảo với tư cách thành viên Hội đồng Quản trị của Công ty Trung Nguyên, cũng như nhiều tranh chấp tương tự giữa các doanh nghiệp có thể được giải quyết theo Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp và các luật có liên quan. Cơ chế giải quyết tranh chấp là tự thoả thuận, toà án hoặc trọng tài thương mại.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy doanh nghiệp có xu hướng lựa chọn “cầu cứu thủ tướng” thay vì yêu cầu toà án hay trọng tài bảo vệ quyền dân sự. Nguyên nhân dẫn đến lựa chọn này có thể xuất phát cả từ quy trình tố tụng và luật nội dung. Niềm tin của doanh nghiệp và xã hội vào toà án và pháp luật dường như vẫn rất hạn chế.
Cách thức tổ chức hệ thống nhà nước hiện nay cho thấy thực quyền của cơ quan hành pháp (đứng đầu là thủ tướng) lớn hơn nhiều so với toà án. Khả năng của toà án trong việc cưỡng chế thi hành các phán quyết cũng yếu. Thủ tục tố tụng tại toà phức tạp, tốn kém về thời gian, và trong nhiều trường hợp không tiện lợi như việc sử dụng “quan hệ” để can thiệp vào việc ra các quyết định hành chính có lợi cho hoạt động của doanh nghiệp. Khả năng thấy trước rằng phán quyết của toà không mang lại kết quả mong muốn làm giảm tính hấp dẫn của toà án đối với doanh nghiệp. Vì vậy, việc doanh nghiệp lựa chọn khiếu nại tới cơ quan hành pháp/thủ tướng là có thể hiểu được.
Các doanh nghiệp tư nhân hiện nay ở Việt Nam dường như vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi quan hệ gia đình để trở thành một chủ thể độc lập trong xã hội và trước pháp luật. Ba Huân và Trung Nguyên đều là những doanh nghiệp có nguồn gốc gia đình. Yêu cầu của Ba Huân với Thủ tướng phần nào đó vẫn mang tính “thân tình” của một xã hội dựa trên sản xuất quy mô nhỏ.
Các yếu tố khác liên quan trực tiếp tới sự tồn tại của doanh nghiệp như thương hiệu cũng bị tính dân tộc chi phối rất lớn. Đơn “kêu cứu” của bà Lê Hoàng Diệp Thảo nhắc tới Trung Nguyên như một “thương hiệu quốc gia”. Các tranh luận trên báo chí về mâu thuẫn giữa Ba Huân và Vina Capital thường nhắc tới “quốc tịch” của doanh nghiệp Việt. Ba Huân cũng lý giải mục đích của việc kêu gọi đầu tư từ Vina Capital là để “nâng thương hiệu Ba Huân lên tầm quốc tế”.
Góc nhìn dân tộc đối với một thương hiệu có thể có tác dụng thúc đẩy việc dùng quyền lực nhà nước để bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trước áp lực cạnh tranh của doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, về lâu dài, mặt trái của cách nhìn này là hạn chế doanh nghiệp lớn mạnh bằng thực lực của mình.
Việc gán tính quốc gia cho một thương hiệu cà phê góp phần bóp méo bản chất của một sản phẩm phục vụ tiêu dùng và bản chất của pháp nhân thương mại theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Để so sánh, thương hiệu Coca-Cola cũng ra đời từ một hiệu thuốc gia đình năm 1886 nhưng tới nay không ai nghĩ rằng Coca-Cola là một thương hiệu quốc gia của Mỹ. Coca-Cola có thể vận động chính sách tại Mỹ hoặc tại quốc gia nơi công ty có hoạt động kinh doanh nhưng sẽ không “nhờ” tổng thống Mỹ can thiệp khi có tranh chấp.
Nguồn: Luật Khoa tạp chí