Thông cáo của Tòa Giám mục Xã Đoài thuộc giáo phận Vinh đề ngày 05/09/2013 đã phản đối việc chính quyền Nghệ An trấn áp giáo dân Mỹ Yên, xuyên tạc thiện chí đối thoại của Tòa Giám mục giáo phận Vinh.
Theo thông báo trên, thì chính quyền Nghệ An hôm 4/9 đã huy động « hàng trăm công an, dân quân tự vệ và côn đồ » đánh đập bà con giáo dân giáo xứ Mỹ Yên, khi họ « tập trung ôn hòa trước cổng ủy ban xã Nghi Phương » để nhận lại hai giáo dân bị bắt cóc và giam giữ trái pháp luật từ ngày 27/6.
Giáo dân “đã bị lực lượng công an và bộ đội đánh đập nặng nề và bắt đi nhiều người. Một số giáo dân bị đánh đập trọng thương đã được chuyển về Phòng khám đa khoa Tòa Giám mục Xã Đoài cấp cứu, một số khác đang được cấp cứu tại Bệnh viện 115, thành phố Vinh.”
Lực lượng công quyền còn tràn vào nhà dân, đập vỡ tượng thánh trên bàn thờ, hành hung và bắt người. Hậu quả là ít nhất 30 người dân bị trọng thương, trong đó có vài người đang nguy kịch.
Khi được hỏi về sự kiện này thì Giám mục Nguyễn Thái Hợp, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa Bình của Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng là Giám mục chính tòa của Địa phận Vinh, đã nhận xét rằng trong thời gian ít lâu nay hành động của công an là quá bạo tàn đối với người dân không chỉ ở đây mà nhiều chuyện đã xảy ra. Con đường mà mọi người mong đợi là đi đến một nhà nước pháp trị, một nhà nước dân chủ, một nhà nước đối thoại, một nhà nước văn minh nhân ái, có lẽ đang bị giật lùi.
Theo bản tin của tòa giám mục Xã Đoài “Hiện thời, lực lượng công an và quân đội với nhiều loại vũ khí đang “chốt” tại ngọn đồi phía sau giáo xứ Mỹ Yên, đồng thời cắm chốt tại Ủy ban nhân dân xã Nghi Phương khiến cho diễn biến càng căng thẳng.”
Thông cáo kêu gọi những người yêu chuộng hòa bình lên tiếng bênh vực quyền lợi người dân, bảo vệ công lý và yêu cầu chính quyền các cấp hành xử theo cách của một Nhà nước pháp quyền.
Người dân lo ngại vì động đất lại diễn ra tại thủy điện sông tranh 2
Gần 1 tuần sau buổi diễn tập chống động đất lớn, khoảng hơn 7 giờ sáng ngày 3/09 tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 huyện Bắc Trà My, Quảng Nam đã xảy ra một trận động đất với cường độ nhẹ. Người dân trên địa bàn có thể cảm nhận được mặt đất rung lắc. Chủ nhân một quán cà phê ở thị trấn Bắc Trà My, cho biết khoảng hơn 7 giờ, nhiều người khách ngồi uống cà phê ở quán có nghe tiếng nổ trong lòng đất và sau đó là cửa kính rung lắc. Họ cho rằng có thể do mấy ngày nay trời mưa, nước hồ thủy điện Sông Tranh 2 về nhiều nên động đất xảy ra.
Theo thông cáo phát đi của Viện Vật lý địa cầu, thời gian xác định trận động đất trên xảy ra vào hồi 00 giờ 8 phút 19 giây giờ GMT, tức 7 giờ 8 phút 19 giây giờ Hà Nội ngày 3 tháng 9, độ lớn 3.3 độ richter xảy ra tại vị trí có tọa độ 15.37 vĩ độ Bắc, 108.12 kinh độ Đông, độ sâu rất nông khoảng 5.5 cây số trong khu vực Sông Tranh, Quảng Nam. Theo Viện Vật lý địa cầu, đây là trận động đất yếu nhưng dân chúng rất lo ngại vì động đất đã xảy ra rất nhiều lần ở đây kể từ khi xây cất thủy điện Sông Tranh 2.
Thương lái Trung Quốcc thu mua cỏ, nấm độc và lá dừa để làm gì ?
Tại huyện An Lão, tỉnh Bình Định, người dân ở đây đã đổ xô vào rừng hái lan, hái nấm để bán cho thương lái từ Trung cộng. Một người cho biết huyện này có 730 người đa số vào rừng, đối mặt biết bao hiểm nguy, để tìm hàng bán, nhiều nhất vẫn là nấm linh chi và lan kim tuyến vì những mặt hàng này có giá cao. Mỗi ký lan kim tuyến được mua tại chỗ với giá 1.25 triệu đồng, còn nấm linh chi tươi cũng có giá 50,000 đồng một ký.
Tất cả đều được đầu nậu thu mua rồi bán lại cho thương lái Trung Quốc. Họ tìm mua tất cả đồ rừng từ nấm linh chi, nấm chân voi, lan kim tuyến, vỏ quế, và đến cả những loại cực độc như nấm hòm. Nấm hòm nếu ăn phải thì không có thuốc chữa, chỉ còn cách vào hòm quan tài, vậy mà vẫn được bán với giá 40,000 đồng một ký. Người dân, kể cả cán bộ xã An Toàn, đều không ai biết thương lái Trung Quốc thu mua các sản phẩm ở rừng để làm gì. Việc người dân đổ xô vào rừng thu lâm sản bán cho thương lái Trung Quốc không chỉ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên đối với rừng mà còn ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Tại tỉnh Ninh Thuận, gần 1 tuần trở lại đây, xuất hiện một số người chuyên lùng sục đến các gia đình trồng dừa để hỏi mua với giá 1000 đồng một lá. Những người này chỉ mua tàu lá tươi trên cây, theo phương thức : chặt lấy 1/3 lá tính từ ngọn xuống. Trong một buổi sáng, họ đã gom được gần nửa xe tải với khoảng hơn 300 lá dừa. Khi được hỏi mua làm gì thì những người này cho biết về bán lại cho thương lái Trung Quốc. Một chuyên gia cho biết cây dừa nếu không có tàu lá thì không thể quang hợp dẫn đến chết dần mòn hoặc không tạo trái được, và nếu tiếp tục chặt lá dừa để bán như vậy thì cả vườn dừa sẽ chết hết.
Tập Cận Bình tuyên chiến với blogger
Gần đây, Internet đã trở thành một nơi để người dân Trung Quốc tố cáo tiêu cực. Công cuộc chống tham nhũng mà ông Tập Cận Bình khởi xướng đã thu được một số kết quả, mà trong đó có phần đóng góp đáng kể của giới blogger.
Thế nhưng, trước làn sóng tố cáo bất công ngày càng rầm rộ trên các trang mạng, Đảng cầm quyền cũng cảm thấy bị nguy hiểm. Vì thế, lấy cớ chống các tin đồn thất thiệt, từ mùa hè này, Bắc Kinh đã cho bắt hàng trăm blogger. Giới truyền thông nhà nước cũng được chỉ đạo tập trung chống « tung tin đồn thất thiệt ».
Nhật báo cánh hữu Le Figaro đăng bài nhận định : « Tại Trung Quốc, Tập Cận Bình tuyên chiến với giới blogger ». Tờ báo cho biết, trong một bài phát biểu hồi tháng 8 vừa qua, theo lời lẽ ghi nhận của tờ báo Hồng Kong South China Morning Post, ông Tập Cận Bình đã đề nghị cơ quan tuyên giáo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc và giới truyền thông nhà nước «xây dựng một đội quân đủ mạnh để kiểm soát» « tin đồn thất thiệt » trên mạng.
Nhiều nhà quan sát cho rằng, chiến dịch nói trên nằm trong ý đồ khóa miệng các blogger, mà trọng tâm là các blogger có lập trường tự do nhất, những blogger được nhiều người theo dõi nhất. Lực lượng kiểm duyệt tại Trung Quốc đã và đang hoạt động rầm rộ, thế nhưng nó còn chưa đủ sức để kiểm soát đến 500 triệu cư dân mạng và 300 triệu blogger ; bởi thế ông Tập Cận Bình lo sợ những « mầm móng nổi dậy » tiếp tục được gieo trồng trên Internet, nên ông đã huy động toàn Đảng và toàn giới truyền thông nhà nước tăng cường cuộc chiến chống blogger.