Mẹ của người tù nhân lương tâm

- Quảng Cáo -

Mẹ tôi là Hàn Thị Phú, năm nay mẹ 53 tuổi. Hiện nay gia đình tôi đang sinh sống tại Giáo xứ Nghi Lộc, xóm 4 xã Diễn Hanh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Gia đình tôi có tất cả 9 người con, 4 trai và 5 gái nhưng đã có 3 người chị gái đã lấy chồng. Hiện tại gia đình đang kinh doanh một tiệm Internet nhỏ. Bây giờ mẹ làm nội trợ ở nhà, còn bố tôi đã mất từ năm 2008, nên toàn bộ tiền sinh hoạt hằng ngày của gia đình đều phụ thuộc vào cái quán Internet.

Mẹ tôi là một người được nhiều người yêu mến, từ anh, chị, em trong gia đình, họ hàng cho đến những người hàng xóm, bạn bè của gia đình tôi. Bố tôi mất đã lâu nên mọi công việc hằng ngày từ việc nhỏ đến việc lớn đều do tay mẹ làm và chăm sóc gia đình.

Vào năm 2011, anh trai của tôi là Thái Văn Dung, người con trai thứ 4 của gia đình, do muốn đi nước ngoài nên gia đình cũng đồng ý cho anh ăn, học rồi cho đi, mong cho mọi việc tốt đẹp.

- Quảng Cáo -

Anh ra ngoài Hà Nội học được không bao lâu, thì anh tham gia khóa học truyền thông do các cha trong Dòng Chúa Cứu Thế dạy từ ngày 13 đến ngày 17 tháng 6 năm 2011 tại giáo xứ Thái Hà – Hà Nội và anh đã hoàn tất khoá học đó, được nhận chứng chỉ của khoá học, trở thành thành viên của Truyền thong Chúa Cứu Thế (VRNs).

Đến ngày 16 tháng 8 năm đó, một chuyện không hay đã xảy ra. Hôm đó có hai người công an, một người là trưởng công an xã Diễn Hạnh tên là Phước và một người nữa là công an huyện Diễn Châu đến nhà tôi nói anh tôi là Thái Văn Dung đã bị bắt tại Hà Nội, lý do bị bắt thì tôi không rõ. Họ hỏi những thứ liên quan đến anh Dung nhưng gia đình tôi nói là những thứ đó Dung cầm đi hết hoặc là bị mất hết rồi.

Đó là một sự kiện gây sốc đối với gia đình tôi, đặc biệt là người mẹ của tôi. Khi nghe tin đó thì mẹ tôi không tin là anh tôi bị bắt, vì trước nay anh tôi là một người hiền lành, lương thiện và được nhiều người yêu mến, thì tại sao lại bị bắt được. Khi hỏi những người sống cùng anh trong phòng trọ ở Hà Nội thì họ cho biết: “Vào lúc 2 giờ sáng ngày 16 tháng 8, công an vào nhà trọ của Dung rồi bắt tất cả mọi người đi trong đêm và tịch thu tài sản của mọi người mà không có lệnh bắt giữ. Đến 4 giờ sáng thì mọi người được thả về cùng đồ đạc. Riêng Dung thì bị giam giữ và đưa đi đâu không ai biết”.

Gia đình luôn đặt câu hỏi tại sao công an tại sao lại vào phòng trọ của Dung và những người khác để bắt người mà không có lệnh bắt? Trong những ngày đó, mẹ tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Khi có ai đến hỏi thăm, hỏi chuyện của anh Dung thì mẹ tôi nói : “Mọi chuyện đều tín thác vào Chúa, do Chúa sắp đặt sẵn rồi nên không lo”.

Đến khi nghe tin từ công an nói anh Dung bị bắt vì tội vào Đảng Việt Tân – tuyên truyền chống phá nhà nước. Mẹ tôi không tin vì mẹ tôi được nghe và được biết là trước đây đã có nhiều người bị bắt và bị nhà cầm quyền gán cho những tội danh mà những người đó không hề làm. Hằng ngày, hằng đêm mỗi khi đọc kinh, mẹ đều cầu nguyện cho anh Dung được sớm trả tự do để về cùng gia đình, quê hương, đất nước, vì mẹ biết anh Dung không phải là một người như nhà cầm quyền đã nói.

Vào ngày 06.01.2013, gia đinh tôi nhận được thông báo từ luật sư của anh Dung là ngày 08.01.2013, tại Toà án nhân dân tỉnh Nghệ An ở Vinh sẽ diễn ra phiên tòa xét xử 14 thanh niên Công giáo và Tin lành.

Trong mấy ngày xét xử, mẹ tôi đến tham dự phiên toà xét xử “công khai”, nhưng không phải ai cũng được vào tòa dự khán. Ngày ra tòa là ngày thân nhân của các người tù oan này mới được nhìn thấy họ.

Gần đây khoá học truyền thông Thừa Sai (VI-2013) được tổ chức tại giáo xứ Nghi Lộc – giáo phận Vinh, nơi quê hương của gia đình tôi. Tôi ghi danh theo học và đã được hai cha dòng Chúa Cứu Thế là cha Thanh và cha Thoại dạy trong 5 ngày, từ ngày 5 đến ngày 9 tháng 8 năm 2013.

Tôi thấy truyền thông là chia sẻ thông tin, loan truyền sự thật đến cho mọi người. Ở đó các cha dạy cho các học viên biết cách viết báo, viết tin tức, chụp hình, làm phóng sự…

Mẹ tôi, trong những ngày của khóa học này, là người bận rộn và nhọc nhất. Mẹ và những người trong xứ lo nấu ăn cho hơn 60 người ăn, trong đó có 56 học viên. Hằng ngày mẹ dậy sớm để đi lễ lúc 4 giờ 30 mỗi sáng, xong rồi về lại nấu ăn để các học viên trong lớp ăn sáng. Rồi mẹ lại về đi chợ mua thức ăn để nấu cơm trưa cho mọi người. Tối đến mẹ soạn sửa nơi nấu ăn đến hơn 23 giờ mới về nhà nghỉ ngơi. Nhưng mẹ chẳng than van hay trách móc gì cả mà ngược lại mẹ lại rất vui vì mẹ đã góp phần nho nhỏ để phục vụ mọi người trong những ngày đó.

Hôm trước, ngày 19 tháng 8 năm 2013 gia đình nhận được lá thư của anh Dung gửi từ trại giam số 5, phân trại 6. Lá thư được anh viết ngày 17 tháng 7 năm 2013, mà mãi đến ngày 19 tháng 8 năm 2013 (hơn một tháng) gia đình chúng tôi mới nhận được. Đây là lá thư thứ 2 của anh Dung gửi về từ nhà tù cộng sản. Lá thư trước đây cũng phải gần 1 tháng gia đình mới nhận được.

Mẹ tôi là người đọc thư trước tiên. Lúc đọc, mẹ không thể kìm nổi cảm xúc, nên đã rơi lệ, không nói thành lời được.

Ở trong tù lâu như thế mà anh vẫn nhớ những câu nói của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: “Đối với tất cả chúng ta, người được Thiên Chúa mời gọi trong đời sống hôn nhân Kitô giáo, người được Thiên Chúa mời gọi làm linh mục, tu sĩ nam nữ độc thân thánh hiến, nhưng tất cả chúng con hãy quảng đại mở rộng tâm hồn cho Chúa, Chúa sẽ giúp con hiểu Thánh ý Ngài”.

Và câu nói của Chúa Giêsu trước cuộc khổ nạn, ngài đã kêu lên Chúa Cha: “Lạy Cha, xin cất chén đắng này khỏi tay con, nhưng mọi sự tuân theo ý Cha đừng theo ý con”. Ở trong tù không có sách, báo, thế mà anh vẫn nhớ những câu nói đó thì thật là người đang sống chứ không sống vật vờ.

Trong thư anh cảm ơn: “Tất cả mọi người đã ủng hộ, cầu nguyện cho những anh chị em trong lúc gặp họ nguy nan. Dòng Chúa Cứu Thế – Giáo xứ Thái Hà. Các tổ chức Nhân Quyền, Dân Chủ và đại gia đình của con”. Và anh cũng xin mọi người cầu nguyện thêm cho những người đang bị bách hại.

Bà Hóa là mẹ của thanh niên Công Giáo (TNCG) yêu nước khác là anh Nguyễn Đình Cương, quê ở Giáo xứ Yên Đại, xã Nghi Phú, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Gia đình bà có 3 người con và anh Cương là người con trai đầu trong gia đình. Anh Cương bị bắt ngày 24 tháng 12 năm 2011 tại thành phố Vinh. Bà Hóa kể: “Hôm đó anh Cương và anh Cường (em trai của anh Cương) chuẩn bị về nhà thì bị mấy người công an bắt anh Cương lại. Anh Cường đến chặn xe công an thì bị mấy người công an bóp cổ và xô ra. Anh Cường không làm được gì liền chạy xe về nhà gọi mẹ (bà Hoá) để đến đồn công an thành phố Vinh đòi lại con trai bà. Khi đến nơi thì bà và anh Cường kêu la mãi mấy tiếng đồng hồ thì có một người công an ra nghe bà hỏi con bà ở đâu? và bị bắt vì tội gì? Nghe xong người công an đó trả lời: “Con trai bà, chúng tôi đã chuyển ra ngoài bộ rồi. Con bà có tội, chúng tôi mới bắt, còn bị bắt thì tội gì thì bà đi mà hỏi con của bà”.

Bà về nhà thu xếp công việc và quần áo để sáng mai bắt xe ra ngoài bộ để hỏi cho rõ. Tại Hà Nội bà đến làm việc với công an. Bà hỏi con bà ở đâu thì một người trả lời bà rằng: “Nếu bà đưa hộ chiếu của con bà cho chúng tôi thì chúng tôi sẽ thả con bà ra”. Bà Hóa trả lời người công an đó rằng: “Tôi là người nhà quê nên không biết hộ chiếu là cái gì cả”. Rồi bà không được gặp anh Cương.

Cũng như mẹ tôi, bà Hóa không gặp con mình, và nghe câu trả lời lý do bị bắt của con bà cũng vu vơ chẳng đâu ra đâu.

Tôi lại đi gặp bà Nga, mẹ của TNCG yêu nước khác, anh Đặng Xuân Diệu, quê ở Giáo xứ Xuân Mỹ, xã Nghi Đồng, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Bà Nga có 8 người con và anh Diệu là người con thứ 7 trong gia đình. Anh Diệu trước khi bị bắt thì đã đi làm nuôi gia đình và chăm sóc cho đứa em út của mình học đại học và đi tu. Anh Diệu bị bắt ngày 30 tháng 7 năm 2011 tại Sài Gòn.

Bà Nga kể: “Anh bị bắt được khoảng 3 ngày thì công an cùng một người là trưởng xóm đến cùng để khám xét nhà bà Nga và báo cho gia đình biết anh Diệu đã bị bắt. Bà hỏi anh bị bắt về tội gì? Bà lại hỏi: “con tôi tham nhũng hay sao mà các anh bắt nó”, nhưng công an bảo là không phải. Sau đó bà lại hỏi tiếp: “Con tôi có tội gì mà các anh lại bắt nó vậy”? Công an trả lời: “Con bà bị bắt về tội chính trị”. Sau đó công an đưa cho bà 4 tờ giấy và bảo bà ký vào, nhưng bà thì già, không đọc được chữ, hỏi ông trưởng xóm là có ký vào giấy này không ? thì ông ta trả lời: “Bà cứ ký vào đi, không có chuyện gì đâu”. Sau khi công an về thì bà cảm thấy lo sợ và bà đến nhà người con gái của bà để kể lại mọi chuyện thì người con nói: “Tại sao mẹ lại ký vào đó?” Lúc đó bà rất lo sợ và bà tự nhủ: “Diệu ơi, mẹ đã giết con rồi”. Sau đó bà đến nhà ông xóm trưởng để nói lại, nhưng đến thì ông ta bảo hai người công an đã đi rồi và không có chuyện gì đâu. Sau này bà bị chứng bệnh mỗi khi nhắc đến anh Diệu là bà lại lo sợ, hoảng sợ, nên bà không cho bất kỳ ai nhắc đến anh trước mặt bà cả. Dần dần bà đỡ hơn nên bà nói chuyện được bình thường rồi”.

Bà kể: “Anh Diệu là một người cương quyết, công an nói anh mặc áo tù sẽ được gặp gia đình, người thân nhưng anh cương quyết không gặp”. Bà nghĩ: “Nếu anh Diệu mà mắc áo tù tức là anh đã nhận tội, đã có tội, nhưng anh đâu có tội, nên anh cương quyết không mặc áo tù”. Bà luôn cầu nguyện cho anh và mọi người đang bị nhà cầm quyền bắt giữ một cách tuỳ tiên, không có tội sớm được thả tự do, sớm được về với gia đình, bạn bè và quê hương – đất nước.

Nghe bà Nga kể, tôi thấy những bà mẹ các tù nhân lương tâm nay giống nhau cả, một tấm lòng thương con, tin con và phó dâng con cho ơn Trên.

 

 

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here