Phạm Minh-Tâm – Diễn Đàn Giáo Dân
Ngày 30-4 năm 2018 này nữa là 43 năm cho những người Việt-Nam sống bên này bờ Bến Hải mang chung niềm tủi hận của thân-phận vừa vong-quốc, vừa vong-gia thất-thổ. Nhất là những người đã từng một lần bỏ quê-hương bản-quán ra đi đổi miền đất sống vào năm 1954; rồi sau hai mươi năm thì lại tiếp bước ra đi cũng lại là vì tránh nạn cộng-sản mà chấp-nhận lâm cảnh lưu-vong biệt-xứ vào ngày 30-4-1975.
Giờ đây, cái cảm-giác từ hụt-hẫng, rồi hốt-hoảng, đến bồi-hồi sau khi nghe Đài Phát-thanh Sài-gòn phát đi lời kêu gọi “buông súng đầu hàng” vào lúc 9 giờ 30 phút sáng ngày 30-4-1975 có còn chút vang-vọng nào trong tâm-tư mỗi người chúng ta, hay không? Cái giờ khắc lịch-sử trong phút chốc đã như phát súng định-mệnh nổ tung trong não, trong tim bất kỳ những ai vẫn nhận mình là người quốc-gia…có còn đang làm rỉ máu hay vết thương đã khô lành không để lại vết sẹo nào. Và phải chăng khoảng thời-gian 43 năm đã đủ dài cho nhiều người trong nước cũng như ở bên ngoài nước thấy đến lúc nên dứt tình buông bỏ quá-khứ; đã thẳng tay bôi xoá các dấu vết xưa.
Trong nước thì vì phải đối-diện với cuộc sống sau cuộc đổi đời, phải hoà vào với dòng đời bị cuốn trôi theo cơn nghịch-lũ, mà từ tránh né đến xu-thời hoặc nín thở qua sông để thích-nghi thì cũng dễ hiểu thôi. Song ở các vùng đất tự-do bên ngoài mọi khó-khăn, mọi giới-hạn, mọi cấm-cách…như các nước Hoa-kỳ, Pháp, Đức, Úc-châu… và vân vân…mà sao tình nước, tình quê xem ra cũng lạnh-lùng quá. Có một ít người thường thắc-mắc, tại sao cả một tập-thể những người đã từng cúi đầu, bỏ hết mọi sự lại sau lưng rồi vội-vã gạt nước mắt để bước lên những con tầu di-tản sau ngày 30-4-1975 với niềm tủi nhục mang theo, giờ đây đâu hết rồi?
Cách đây đúng một năm, vào ngày 30-4-2017, linh-mục Nguyễn Ngọc Nam Phong tại giữa Hà-nội, đã thẳng-thắn và công-khai trên toà giảng tại nhà thờ Thái-hà, phủ-nhận cách những người cộng-sản Việt-Nam gọi tên ngày 30-4-1975 là ngày giải-phóng Miền Nam, vì theo đúng nghĩa của ngày này thì chỉ là ngày cộng-sản Miền Bắc xâm-lăng Miền Nam. Song nhức-nhối thay là cũng có hơi nhiều những người Miền Nam đang sống ở nước ngoài, đã hỉ-hoan so-sánh bối-cảnh của họ ở trong nước trước thời-điểm 1975 với hiện-tại của họ ở các nước định-cư, để nói rằng chính nhờ ngày 30-4-1975 mà họ được đi Mỹ, đi Đức, đi Pháp, đi Úc…để có được nhà cao cửa rộng, xe pháo rình-rang như hiện-tại…
Lối suy nghĩ kiểu mà như ông bà xưa nói là “giá áo túi cơm” này không phải chỉ là của những người đứng trong cõi chung theo lối gọi là bình-dân bá-tánh, mà lại là của những khoa-bảng xuất-thân. Hoặc nếu không thì lúc nào cũng đeo theo cái gốc đã tróc hết rễ về “cựu” này, “cựu” kia…Để rồi, vào những dịp cuối tuần, người ta có thể xúm-xít quanh bàn mạt-chược hay trong những bữa ăn họp mặt linh-đình ở nơi nọ, nhà kia và những dịp đó là như cả một cơ-cấu Miền Nam Việt-Nam trước 1975 được đem thu nhỏ lại. Bởi vì, các ông to bà lớn của một thời làm quan dưới chế-độ Miền Nam vẫn chưa chịu buông xuống cái danh-xưng của chức-vụ mà lúc đương-nhiệm đã chắc-chắn không lấy gì làm mẫn-cán cho lắm nên mới mất nước, mới ra đi lêu-bêu xứ lạ, ăn nhờ ở đậu…
Vì thế, đừng bao giờ mong họ bỏ một buổi chiều hay một buổi tối Thứ Bảy hay Chủ-nhật để đi thắp nến cho Hoàng-sa Trường-sa, cho vụ việc Formosa đang đưa bao nhiêu người Việt-Nam vào đường cùng hay bất cứ vì vấn-đề thời-sự nào khác ở bên nhà. Vì họ bảo, đã mấy chục năm rồi, quên đi…
Phải chăng giờ này tuyệt-đại đa-số những người mang nhãn “tỵ-nạn cộng-sản” đã mau chóng quên thân-phận lưu-đầy; đã vô cùng tự-mãn với cuộc sống nhờ xứ lạ quê người…nên chỉ cuốn mình cho chặt trong chăn êm nệm ấm? Để ngày nào cũng là ngày an-vui trong cảnh đời cơm no áo ấm. Để năm nào cũng tròn đủ ba trăm sáu mươi năm ngày quay tròn trong nhà cao, cửa rộng, chốn quê người. Chẳng thế thì sao những dịp như tưởng-niệm ngày 30-4 hàng năm, dịp tưỏng nhớ hàng chục ngàn nạn-nhân dịp Tết Mậu-thân 1968 do cộng-đồng Ngưòi Việt Tự-do tổ-chức tại những quốc-gia có con số người Việt-Nam tỵ-nạn hàng mấy trăm ngàn lại chỉ vỏn-vẹn đếm được theo đơn-vị hàng ngàn là các Ban-tổ-chức đã thấy mừng lắm rồi. Còn những dịp đặc-biệt, hướng về Quê Mẹ để chia-sẻ chút tình đồng-bào cùng anh em đang bị đàn-áp ở nơi này, chốn nọ thì quá hiếm hoi.
Cuộc biểu-tình ngày 17-3-2018 vừa qua tại Sydney Town Hall Square của bốn sắc-tộc Cambodia, Laos, Miến-điện và Việt-Nam là một bằng chứng.
Bốn cộng-đồng này đến là để biểu-tình phản-đối Nguyễn Xuân Phúc của Việt-Nam; Aung San Suu Kyi của Miến-điện; Thongloun Sisoulith của Lào và Hun Sen của Cambodia…đang có mặt trong Hội-nghị Thượng-đỉnh ASEAN – Australia Summit tại Sydney, Úc-châu.
Tại sao cộng-đồng Cambodia chống Hun Sen, cộng-đồng Laos chống Thongloun Sisoulith, cộng-đồng Miến-điện chống Aung San Suu Kyi và Việt-Nam chống Nguyễn Xuân Phúc? Câu hỏi này ai cũng trả lời ngay được là vì họ ở trong giới lãnh-đạo các nước đang cai-trị dân theo cộng-sản như Việt-Nam, Cambodia, Laos và theo tác-phong quân-phiệt như Miến-điện.. và cùng độc-tài như nhau, cùng xem người dân như cỏ rác.
Nếu tính ra, con số người Việt-Nam đến Úc-châu sau ngày 30-4-1975, gọi là “tỵ-nạn cộng-sản” cũng không nhỏ. Và có lẽ ở tiểu-bang New-South-Wales với thành-phố Sydney là đông nhất. Song có lẽ các người Việt-Nam minh ở Sydney đã có mặt tại hiện-trường biểu-tình hôm đó đã đếm ra được bao nhiêu anh em đồng-bào minh đến góp một bàn tay vào một trong những sinh-hoạt mang ý-nghĩa và giá-trị đấu-tranh cho Quê Mẹ Việt-Nam.
Trong nhóm sắc-tộc Laos hôm đó, người ta chú ý đến một phụ-nữ mặc quốc-phục Laos. Đó là bà tiến-sĩ Bounthone Chanthalavong, chủ-tịch Liên-minh Dân-chủ Lào, đến từ Đức-quốc để hỗ-trợ tinh-thần cho đồng-hương Lào trong dịp biểu-tình này. Nhìn bà, mấy người Việt-Nam thở dài ai-oán…Vậy đấy, từ Đức sang đây…Còn Việt-Nam minh, ngay tại Sydney chỉ tốn cái vé xe lửa mấy đồng thôi…
Nhìn sang phái-đoàn Cambodia, có gần mười vị tăng-sĩ Phật-giáo đã cùng vượt đường-trường chung với anh em con dân Cambodia của của họ trên các chuyến xe buýt từ Adelaide đến tham-dự. Đúng là dấn-thân với đời.
Nhìn vào minh, vào Việt-Nam mình…hôm đó có lẽ hơi khiêm-tốn hơn cộng-đồng Cambodia. Từ Melbourne, Victoria đến được hai xe, các nơi như Perth, Brisbane, Adelaide…xa-xôi cũng đành chịu….Nhưng nói chung thì Công-đồng Việt-Nam mình vì có những khía cạnh khác đã đành chịu từ khuya rồi.
Một nhóm đồng-bào mình đứng nhìn chung-chung rồi “bàn-loạn” với nhau…Giá để cuộc biểu-tình này đến trưa mai thì chắc đông lắm. Vì chỉ cần đi đến các nhà thờ đạo, hô-hào được lấy một phần mười giáo dân trong mỗi Thánh-lễ là cũng dư-sức chiến-đấu. Hay đặc-biệt hơn là đến các buổi lễ về “Lòng Chúa thương-xót” để mời thì còn đông hơn nữa. Người viết là giáo-dân, nghe vậy thì cũng biết vậy rồi nghĩ cứ để cho mọi người hy-vọng như thế đi còn hơn là phải ngậm-ngùi…
Đếm đi đếm lại, cộng tới cộng lui, cũng không ra bao nhiêu dịp đã được các nơi có người Việt-Nam tỵ-nạn tổ-chức nghi-thức tưởng-niệm anh-linh các anh-hùng được nêu danh cũng như vô-danh…đã tuẫn-tiết trong ngày 30-4-1975 tang-tóc này của Quê-hương. Nói gì đến các nơi thờ-phượng của các tôn-giáo nghĩ đến các oan-hồn đồng-bào, anh em Việt-Nam minh đã uổng tử, bằng các dịp lễ cầu-siêu, cầu an. Các nhà thờ Công-giáo cũng đã quá tiết-kiệm các Thánh-lễ dành riêng cầu cho các linh-hồn trong biến-cố Mậu-thân, chẳng hạn. Thậm chí, ngay khối đồng-bào Việt-Nam Công-giáo “tỵ-nạn” tại các Trung-tâm Công-giáo ở khắp nơi trên toàn thế-giới, cũng rất hà-tiện các Thánh-lễ hiệp-thông với anh em linh-mục và giáo-dân ở Vinh, với các chị Dòng Mến Thánh-giá Thủ-thiêm và nhất là chưa thấy ở đâu làm các tuần Tĩnh-tâm hoặc các tuần Tam-nhật, tuần Cửu-nhật để cùng hướng về tượng Chúa chịu-nạn bị đập nát ở Thiên-an mà đấm ngực ăn-năn, sám-hối, mà tạ tội với các Thánh Tử-đạo Việt-Nam…
May thay, trong cái khối lao-xao cả trong nước lẫn ngoài nước, kể luôn trong đạo và ngoài đời này, vẫn còn nhiều anh em tôi, những người cùng được ra đời làm người Việt-Nam từ trong một cái bọc, vẫn chưa quên. Vẫn mang nỗi-niềm ray-rứt, vẫn bị dằn-vặt trong nỗi đau về thực-tại của Quê-hương còn đang như một khối u-ác-tính chưa có thuốc chữa nên càng ngày càng sưng tấy lên. Vì vậy mà họ vẫn còn phải nghĩ, phải làm, phải đấu-tranh trong khả-năng từng người. Dù họ là số ít và bị những con người vô-cảm kia cho là “không thức-thời” nhưng họ đã thâm-tín rằng ngày 30-4 mỗi năm không còn là một ngày như mọi ngày nữa. Không phải là một ngày có thể ngồi yên. Lại càng không phải là một ngày để vui-vẻ ăn nhậu, để tí-tửng du-hí. Vì đấy là một ngày miền đất tự-do của Tổ-quốc bị chủ-nghĩa cộng-sản xâm-lăng. Và phần lớn cũng vì ngày này mà cả nước đang bị Tầu hoá dần, dưới sự cai-trị của các thái-thú, đại-loại như Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Phú Trọng….
Qua cuộc biểu-tình ngày 17-3-2018 vừa qua, đã thêm một dịp nữa chứng tỏ Cộng-đồng Người Việt tỵ-nạn tại Úc-châu được tổ-chức rất chu-đáo trong sự liên-hệ rất chặt-chẽ với nhau.
Các nhân-sự chính tổ-chức và điều-hành cuộc biểu-tình này là Cộng-đồng Người Việt Tự-do liên-bang Úc-châu phối-hợp với Cộng-đồng Người Việt Tự-do tại các tiểu-bang. Người ta ghi nhận sự có mặt của các người lãnh-đạo trong Cộng-đồng Người Việt Tự-do tại Úc-châu, gồm:
– Ông Nguyễn Văn Bon, chủ-tịch Cộng-đồng Liên-bang
– Ông Paul Huy Nguyễn, chủ-tịch Cộng-đồng New-South-Wales
– Cô Nguyễn Phượng Vỹ, chủ-tịch Cộng-đồng Victoria
– Cô Trần Hương Thủy, chủ-tịch Cộng-đồng Wollongong
– Bác-sĩ Bùi Trọng Cường, chủ-tịch Cộng-đồng Queensland
– Ông Lê Công, chủ-tịch Cộng-đồng A.C.T (Australian Capital Territory).
Đây là những tấm lòng, những cánh én nhỏ-nhoi đang đóng góp chút tài
hèn sức mọn trong hy-vọng đợi chờ một ngày sẽ có được Mùa Xuân Việt-Nam như bà Martha Berry, một danh-nhân của Mỹ đã nói…put your brain in hands and let hands work – hãy để khối óc vào hai bàn tay và bắt hai bàn tay làm việc.