Hải Ngoại cần làm gì trước làn sóng khủng bố của cộng sản hiện nay

Trung Điền

- Quảng Cáo -

Kể từ đầu tháng Giêng cho đến đầu tháng 8 năm nay, an ninh CSVN đã bắt giữ, trục xuất, truy nã và kết án nặng nề 22 người Việt Nam yêu nước, có những hoạt động về xã hội, môi trường, truyền thông.

Trong tháng 1, an ninh CSVN bắt giữ 3 người là anh Nguyễn Văn Hóa, Nguyễn Văn Oai, chị Trần Thị Nga liên quan đến điều 88 (Tuyên truyền chống đối nhà nước). Riêng chị Trần Thị Nga đã bị kết án 9 năm tù giam vào ngày 25 tháng 7.

Trong tháng 3, an ninh CSVN bắt giữ 4 người là các Blogger Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển, Bùi Hiếu Võ, Phạm Kim Khánh. Một người bị truy nã là cựu tù nhân lương tâm Thái Văn Dung.

Trong tháng 4 và tháng 5, an ninh CSVN đã bắt giữ 2 người là anh Hoàng Bình ở Nghệ An và ông Vương Văn Thà ở An Giang. Một người bị truy nã là anh Bạch Hồng Quyền. Một người bị tước quốc tịch là Giáo sư Phạm Minh Hoàng và sau đó bị trục xuất khỏi Việt Nam vào ngày 24 tháng 6.

- Quảng Cáo -

Trong tháng 6, tòa án CSVN tại Khánh Hòa đã kết án nặng nề đối với Blogger Mẹ Nấm: 10 năm tù giam theo điều 88. Trong khi đó an ninh An Giang bắt giữ hai ông Bùi Văn Thâm và Bùi Văn Trung theo điều 245.

Trong tháng 7, an ninh CSVN đã bắt giữ sinh viên Trần Văn Hoàng Phúc theo điều 88 tại Sài Gòn. Bắt ông Lê Đình Lượng tại Nghệ An theo điều 79. Nhất là an ninh đã bắt đồng loạt 4 người lãnh đạo Hội Anh Em Dân Chủ, một tổ chức xã hội dân sự có những hoạt động xã hội ôn hòa, gồm Mục sư Nguyễn Trung Tôn, Kỹ sư Phạm Văn Trội, Nhà báo Trương Minh Đức và Luật sư Nguyễn Bắc Truyển theo điều 79 (hoạt động lật đổ chính quyền).

Trong đầu tháng 8, an ninh CSVN đã bắt giữ tiếp một thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ tại Cồn Sẻ, Hà Tĩnh, là anh Nguyễn Trung Trực.

Những vụ bắt bớ, truy nã nhằm khủng bố các nhà hoạt động tại Việt Nam sẽ còn tiếp tục và số người bị bức hại chắc chắn sẽ gia tăng trong thời gian tới vì hai lý do:

Thứ nhất là CSVN đang chuẩn bị đón tiếp các nguyên thủ của khối APEC đến Đà Nẵng họp vào tháng 11 năm nay, nên họ lo sợ các cuộc biểu tình sẽ nổ ra cũng như những vận động dư luận Quốc tế quan tâm đến tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.

Thứ hai là CSVN lo ngại những cuộc biểu tình chống Trung Quốc bùng nổ, và lần này, yếu tố “thoát trung” sẽ tác động mạnh mẽ trong nội bộ đảng cộng sản trước thái độ ngạo mạn và côn đồ của Bắc Kinh – đã ép buộc Hà Nội phải ngưng khai thác dầu khí tại bãi Tư Chính nằm trong thềm lục địa Việt Nam.

Chính vì những lo ngại nói trên, CSVN buộc phải ra tay trấn áp và gia tăng việc bắt giữ những đối tượng có tiềm năng lãnh đạo phong trào quần chúng. Do đó, số người bị bắt sẽ không dừng ở đây mà sẽ nhiều hơn vì hiện có một nguời đang bị an ninh đến nhà tìm kiếm, hay mời lên đồn công an thẩm vấn.


Bài liên quan:


Từ nhiều năm qua, phong trào dân chủ tại Việt Nam đã đối diện với rất nhiều vụ bắt bớ, đe dọa; nhưng chưa lần nào số người bị bắt giữ, truy nã, và bị kết án nặng nề như hiện nay. Để cho những nhà dân chủ và thân nhân của họ không thấy cô đơn trong lúc làn sóng đàn áp gia tăng, sự lên tiếng và đồng hành tranh đấu của khối người Việt tại hải ngoại hầu tạo áp lực lên nhà cầm quyền CSVN là vô cùng cần thiết.

Cụ thể, hải ngoại có thể làm những công việc từ đơn giản cho đến những nỗ lực vận đông quy mô như sau:

1/ Tiếp tay phổ biến những bản tin loan báo sự đàn áp, bắt giữ của an ninh CSVN đối với với các nhà dân chủ hay thân nhân của họ đến thân nhân, bạn bè của mình hầu giúp cho mọi người cùng biết và cùng quan tâm, đặc biệt khai dụng mạng Internet, Facebook… Khi có hàng trăm ngàn người Việt khắp nơi cùng quan tâm, cùng hành động hướng về các nhà dân chủ đang bị bức hại, chắc chắn sẽ tạo ra làn sóng thay đổi tại Việt Nam.

2/ Đóng góp giúp đỡ tài chánh cho những gia đình bị bắt giữ hay bị kết án – dù nặng hay nhẹ, để thân nhân họ có phương tiện lo vấn đề pháp lý và thăm nuôi. Sự kiện Blogger Mẹ Nấm bị kết án 10 năm và Blogger Trần Thị Nga bị kết án 9 năm tù giam là hai trường hợp điển hình; cả hai bà mẹ can trường này đều có hai con nhỏ, và rất cần sự giúp đỡ phương tiện từ cộng đồng hải ngoại.

3/ Tham dự hoặc góp phần tổ chức những buổi thắp nến cầu nguyện, những cuộc biểu tình để lên án sự đàn áp của CSVN ở nhiều nơi, và cần nhất là ở những vị trí có đông người ngoại quốc. Hình ảnh đông đảo người tham dự trong các buổi sinh hoạt này được chuyển về quốc nội sẽ giúp cho các nhà tranh đấu không thấy cô đơn.

4/ Viết thư gửi cho những dân biểu, nghị sĩ trong vùng trình bày một hay hai sự kiện bị đàn áp cụ thể để kêu gọi những vị này quan tâm và lên tiếng chia xẻ sự đồng tình ủng hộ và nhất là yêu cầu Bộ ngoại giao lên tiếng cảnh báo CSVN. Việc vận động một dân biểu, nghị sĩ phát biểu về một người đang bị CSVN giam giữ sẽ giúp cho gia đình họ lên tinh thần rất lớn, và đó là chất bổ tinh thần vô giá.

5/ Vận động dư luận, NGO, truyền thông tiếng Việt và quốc tế để tạo áp lực lên chế độ.

Những việc làm nói trên không khó và không có gì là phức tạp, nếu mọi người trong chúng ta đều ý thức rằng muốn đất nước thay đổi và sớm có tự do, dân chủ, thì mỗi người đều phải góp một bàn tay dù ít, dù nhiều.

Sau cùng, chúng ta cũng cần giúp nhau cảnh báo đừng để những loại tin tức – tuy có tính thời sự hấp dẫn như vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, vụ Đinh Thế Huynh bị ung thư cuốn hút mà quên đi những nạn nhân đang bị lực lượng an ninh CSVN cô lập, trấn áp thô bạo trong các nhà tù.

Nói tóm lại, đảng CSVN hiện đang đối phó với rất nhiều khó khăn từ xung đột trầm trọng trong nội bộ đảng giữa các phe quyền lực dưới chiêu bài chống tham nhũng, khó khăn kinh tế dẫn đến tình trạng thiếu hụt ngân sách để cung cấp cho các địa phương và trả nợ đáo hạn, cho đến những bất mãn xã hội ngày một lan rộng trong mọi tầng lớp quần chúng, đã và đang đe dọa sự tồn tại của chế độ.

Do đó, hơn lúc nào hết, chúng ta cần khai dụng cơ hội này cùng với áp lực từ biển Đông, đẩy mạnh các cuộc vận động từ hải ngoại hầu tăng sức phản kháng quốc nội, tạo những chuyển biến thay đổi tại Việt Nam.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here