Cuối năm 2016, ban bí thư đã ra quyết định kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương bằng biện pháp cách chức Bí thư ban cán sự đảng trực thuộc Bộ công thương do những bê bối ở Bộ này từ năm 2009 đến 2016.
Liền sau đó, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ra lệnh cho Quốc hội tìm cách truy tố ông Vũ Huy Hoàng theo luật pháp hiện hành. Thế nhưng, Ủy ban thường vụ quốc hội họp và cuối cùng phải treo hồ sơ “tội phạm” của ông Vũ Huy Hoàng bởi chưa có luật nào cho phép kỷ luật một cán bộ đã vế hưu.
Vụ án Vũ Huy Hoàng nói trên làm cho người ta nhớ đến một nhân vật được coi là Bố già của guồng máy chính phủ kéo dài trong 10 năm (2006 -2016) đã để lại nhiều di hại cho đất nước hiện nay, nhưng cũng không có luật nào truy cứu trách nhiệm của một thủ tướng đã về hưu.
“Là người đứng đầu Chính phủ, tôi nhận trách nhiệm đó. Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các thành viên Chính phủ đang kiểm điểm để làm rõ trách nhiệm”.
Tôi còn nhớ như in phát ngôn của ông Nguyễn Tấn Dũng trong một buổi chiều xem bản tin thời sự vào cuối năm 2010. Lúc ấy, cả đất nước đang sục sôi trong sự căm phẫn của dân chúng khi Vinashin, tập đoàn nhà nước lớn nhất thời bấy giờ, phá sản và làm thất thoát 80 nghìn tỷ đồng (gần 4 tỷ đô la Mỹ).
Ông Dũng đứng đằng sau kế hoạch bơm tiền cho những tập đoàn nhà nước, vốn nổi tiếng về sự quản lý yếu kém đi kèm với thua lỗ trong nhiều năm, và hậu quả này đã được dự báo từ trước. Dưới sức ép của các đại biểu quốc hội và dư luận, không còn cách nào khác, ông buộc phải lên tiếng ‘’nhận trách nhiệm’’.
Ai cũng biết, ông ăn hối lộ từ các lãnh đạo của Vinashin nằm dưới sự chủ quản của Vũ Huy Hoàng, dễ dàng ký những quyết định bật đèn xanh cho tập đoàn này vay số tiền lớn từ các ngân hàng mà không cần xác minh hay thế chấp tài sản. Trước khi sụp đổ, trong nhiều năm liên tục, Vinashin được vinh danh là ‘’quả đấm thép’’ của kinh tế Việt. Những kết quả kinh doanh tồi tệ bị ông Dũng và các cộng sự giấu nhẹm, và mọi chuyện chỉ vỡ lở sau khi không thể giấu diếm thêm được nữa.
Thế nhưng, không có cuộc điều tra rõ ràng nào nhắm vào thủ tướng và bộ sậu của ông, không có bản báo cáo chi tiết nào cho biết rõ ‘’trách nhiệm’’ của ông nằm ở đâu khi hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế của người dân đã bị ném ra ngoài cửa sổ. Ngoài những giám đốc và quản lý trực tiếp của Vinashin bị đưa ra xét xử, người ta không thấy tên tuổi hay bóng dáng ngài thủ tướng ở bất kỳ một phiên tòa nào. Ông bình yên vô sự.
Đúng ra nếu bị đưa ra vành móng ngựa và kết án một cách công bằng, theo pháp luật hiện hành, “ngài thủ tướng” xứng đáng bị tước bỏ mọi chức vụ và ngồi tù chung thân, thậm chí tử hình với những tội lỗi nghiêm trọng mà ông đã gây ra cho đồng bào. Trong 10 năm làm thủ tướng, khối tài sản khủng của ông phải được kê khai và truy thu để bù đắp vào những khoản tham ô phi nghĩa trong suốt quãng thời gian lãnh đạo đất nước.
Nhưng ai dám điều tra ông, ai dám đưa ông ra tòa, ai dám kết tội ông?
Những nhà báo trong nước chẳng ai có gan viết về ông, nếu không muốn bài viết chưa được đăng lên đã bị vứt vào sọt rác, còn họ sẽ bị tước thẻ hành nghề và vĩnh viễn không được cầm bút trở lại. Chẳng ai dám kiện ông ra tòa, nếu không muốn chính mình mới là người sẽ bị lôi ra tòa và tống vào tù. Chẳng có ai dám bắt ông, chẳng có tòa nào dám xử ông. Đó là cái lệ, tất cả lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam ở mọi thời kỳ tha hồ tham nhũng, phạm sai lầm rồi chỉ cần phát biểu một câu hứa rút kinh nghiệm là mọi thứ rồi lại êm xuôi. Không có từ chức, không có điều tra, chẳng có gì hết.
Cũng giống như mafia Ý có omerta*, đảng cộng sản Việt Nam cũng có bộ luật im lặng của riêng mình để trừng trị tất cả những kẻ dám mở miệng tố giác những tội ác tày trời của họ. Cộng sản chỉ cho người dân trong nước hai lựa chọn, hoặc tiếp tục chịu đựng và im lặng, hoặc bị bịt miệng và chịu cảnh áp bức tù đày.
Từ năm 2010 đến nay đã có nhiều trường hợp giống như ông Nguyễn Tấn Dũng, ông Vũ Huy Hoàng, đất nước ngày càng thụt lùi dưới cái chế độ thối nát này. Nhiều người Việt như tôi biết mình sẽ không thể im lặng mãi được.
—
Chú thích:
*Omerta: OMERTA (Luật im lặng) là luật danh dự của người Sicily cấm tố giác những hành động tội lỗi của những người liên quan. Luật im lặng của người Sicily (Ý) là nền tảng cho lòng trung thành của tổ chức Mafia từ nhiều thế kỷ qua, nhưng giờ đây nó đang dần trở thành di tích mang tính biểu trưng cho dĩ vãng.
Tác giả gởi CTM Media