Nhà độc tài Ai Cập Abdel Fatah al-Sissi bảo rằng ông là người lãnh đạo ngoại quốc đầu tiên gọi chúc mừng Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ông ta có lý do chánh đáng: Khi gặp hai ứng viên tổng thống Mỹ tại New York vào tháng Chín này, ông Sissi bị bà Hillary Clinton phê bình về hồ sơ nhân quyền tồi tệ tại Ai Cập, trong khi ông Trump thì khen ông ta là “tay này tuyệt”. Văn phòng của ông Sissi có lời tuyên bố hôm thứ Tư: “Ai Cập mong rằng chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ làm hồi sinh quan hệ Mỹ-Ai Cập.”
Nếu ông Trump duy trì đường lối mà ông đã định ra trong lúc vận động tranh cử thì sẽ có nhiều tuyên bố tương tự – và gia tăng đàn áp trong nhiều nước trên thế giới. Từ khi Tổng thống Wilson đem lập trường Mười Bốn Điểm đến hội nghị Versailles 1919 đến nay, Hoa Kỳ luôn là quốc gia đi đầu trên thế giới cổ xúy cho nhân quyền và dân chủ. Ông Trump có vẻ như sẵn sàng rời bỏ vai trò đó.
Trong lúc vận động tranh cử, ông Trump gạt qua những báo cáo về sự tàn bạo và đàn áp của Vladimir Putin ở Nga, Bashar al-Assad của Syria, Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhỉ Kỳ. Cũng không gì ngạc nhiên khi cả ba chế độ trên hoan nghênh chiến thắng của ông Trump. Trong một cuộc phỏng vấn với báo New York Times vào tháng Bảy, ông Trump nâng việc tảng lờ này lên như một chủ thuyết. Khi được hỏi về việc ông Erdogan bắt giữ hàng chục người bất đồng chính kiến tại Thổ Nhỉ Kỳ, ông Trump nói, “Tôi nghĩ là khó cho chúng ta dính líu đến chuyện các xứ khác khi mà chúng ta còn không biết chúng ta đang làm gì và chúng ta không nhìn sự việc rõ ràng tại chính xứ sở chúng ta.”
Quả đúng là hồ sơ nhân quyền của Hoa Kỳ không hoàn hảo, và những lời dạy đời – từ Wilson đến Jimmy Carter cho đến George W. Bush – thường bị gạt bỏ thẳng thừng. Tuy nhiên áp lực của Hoa Kỳ cũng đã đóng vai trò trong việc thúc đẩy nhiều quốc gia về hướng tự do, giải cứu rất nhiều tù nhân chính trị và kềm lại sự lộng hành của những lãnh tụ chuyên quyền như ông Sissi. Ngay cả những đối thủ đầy quyền lực như ông Putin và Tập Cận Bình, cũng bị bối rối trước những chỉ trích về nhân quyền và bị cấm vận của Hoa Kỳ – kể cả những điều trong Đạo luật Magnitsky, cấm di chuyển và đông lạnh tài sản của các viên chức Nga có liên hệ đến các tội như giết hại luật sư đối kháng trong tù.
Tổng thống Obama là người hậu thuẫn không mấy mặn mòi với chính sách này. Ông giữ lại một số viện trợ quân đội cho Ai Cập sau vụ quân đội đảo chánh năm 2013 của ông Sissi, nhưng sau đó lại gỡ bỏ và bãi miễn các giới hạn nhân quyền cho các viện trợ khác. Tuy thế các chế độ khác, từ Congo đến Bahrain cho đến Thái Lan, vẫn còn lo ngại sự trừng phạt của Hoa Kỳ. Chỉ dấu ngưng áp lực đến từ ông Trump có thể có tác động nhanh chóng: thí dụ như Tổng thống Congo Joseph Kabila có thể coi thường áp lực của Hoa Kỳ để rời bỏ chức vụ sau khi hết nhiệm kỳ vào tháng Mười Hai này. Rodrigo Duterte có thể thấy thoải mái, tự do hơn để đẩy mạnh chiến dịch tàn sát chống lại dân buôn lậu ma tuý tại Phi Luật Tân.
Ông Sissi bị bà Clinton áp lực để thả Aya Hijazi, một công dân Hoa Kỳ và là một nhà hoạt động NGO từ Falls Church, Virginia bị chính quyền Ai Cập bắt giam không xét xử từ 2014. Còn ông Trump, người tuyên bố là đặt quyền lợi Hoa Kỳ trước nhất, không đá động gì đến hoàn cảnh của bà Aya Hijazi. Hèn gì mà ông Sissi nhanh chóng gọi chúc mừng ông Trump.
Hoàng Thuyên lược dịch
Mình khoái ông này làm tổng thống Mỹ. Nếu ông ta không quan tâm và không xen vào nhân quyền các nước khác. Như vậy sẽ tốt hơn. Vì như vậy nó sẽ nhanh vỡ hơn
Nhận xét rất chuẩn
Toi thi’ch Mitt Romney hay Marco Rubio ho*n. Trump la tha`ng ba’ do*
lại đăng bài định hướng dư luận…