BERKELEY, California (CTM Media) – Vào hai ngày 17 và 18 tháng 10, một số giáo sư đại học Hoa Kỳ và Canada, trong đó có một số giáo sư trẻ gốc Việt, đã tổ chức một buổi hội thảo với tựa đề “Kinh nghiệm kiến quốc trong thời chiến của Việt Nam Cộng Hòa, 1955-1975” (Nation-Building in War: The Experience of Republican Vietnam, 1955-1975) tại University of California, Berkeley. Buổi hội thảo này được báo Người Việt ghi nhận như sau:
“…Chỉ tuần lễ sau đó có cuộc hành quân công an qui mô chưa từng thấy. Đêm mùng 3 Tháng Tư, 1976, hàng trăm văn nghệ sĩ Sài Gòn bị bắt giam. Anh Côn và chúng tôi, cả vợ lẫn chồng, đều đi tù, đi đầy. Thời còn bị giam tại T20 ở Gia Định, có lần bọn tù văn nghệ sĩ được lùa lên xe, đưa đến ‘Nhà Triển Lãm Tội Ác Mỹ Ngụy’ để học tập. Khu triển lãm là một giảng đường đại học cũ, tội ác được trưng bày là những cuốn sách của văn học miền Nam. Trong số này có cả sách Nhã Ca. Cuốn ‘Giải Khăn Sô cho Huế’ được treo cao. Tất cả bọn tù nhà văn chúng tôi cùng đứng nghiêm. Nhìn thẳng. Lặng lẽ. Trân trọng chào tác phẩm của mình và bạn hữu…”
Từ hơn 10 phút qua cử tọa chăm chú lắng nghe phần trình bày của nhà văn Nhã Ca, trong bài nói chuyện có tên “Người Cầm Bút Thời VNCH.” Hội trường im lặng đến nỗi ngoài giọng Huế trầm buồn của nữ văn sĩ, người ta có thể nghe được tiếng đập của tim mình, lúc nặng nề khi dồn dập theo số phận thăng trầm của giới văn nghệ sĩ Việt Nam từ khi những sinh hoạt văn học nghệ thuật nở hoa cho đến sau ngày VNCH sụp đổ… Nhưng khi Nhã Ca nói đến đây thì nhiều người đã không ngăn được tiếng thở dài, cũng có những đôi mắt chợt long lanh hoen đỏ.
Ngưng một lát, nữ văn sĩ Nhã Ca tiếp: “Đã hơn 40 năm. Không biết bao nhiêu chiến dịch đã được nhà nước cộng sản thực hiện để cố xóa mọi dấu vết mà họ gọi là ‘nọc độc văn hóa Mỹ Ngụy.’ Nhưng những thành tựu 20 năm VNCH còn đó. Văn hóa giáo dục, văn học nghệ thuật thời VNCH còn đó.”
Bà tiếp: “Bốn mươi năm sau, dân Hà Nội nô nức đi nghe Chế Linh rồi Khánh Ly hát nhạc vàng ra sao. Ngó thêm mấy trang web thơ truyện trong nước, thấy ngay con số hàng triệu lượt người tìm đọc các tác giả thời VNCH. Nhìn kỹ hơn, đọc kỹ hơn, sẽ thấy chính những người cầm bút ở miền Nam năm 1975 còn ở tuổi mười tám đôi mươi, hiện đang trở thành những tác giả được yêu mến nhất, đọc nhiều nhất.”
“Văn học nghệ thuật thời VNCH 1955-1975 không chỉ là của riêng miền Nam. Đó là một hành trình chung, thành tựu chung của cả một dân tộc. Chính người dân Việt từ Nam ra Bắc cùng xác nhận điều này. Tôi cầm bút viết văn ở miền Nam thời đất nước bị chia cắt. Tôi là nhà văn thời VNCH. Vâng. Và tôi là nhà văn Việt Nam!”
Bài phát biểu của tác giả cuốn “Giải Khăn Sô Cho Huế” chấm dứt giữa tiếng vỗ tay vang dội.
Trước đó, diễn giả Trần Minh Công, cựu đại tá cảnh sát quốc gia VNCH, cũng được cử tọa gửi đến những tràng pháo tay nồng nhiệt cho phần trình bày của ông về việc “giữ an ninh trật tự trong một nước chiến tranh.”
Giúp cho cử tọa hiểu những thử thách của vai trò cảnh sát trong thời chiến, ông Công nói: “Cảnh sát tại Việt Nam phải đảm nhận một vai trò hết sức khó khăn. Ngoài những trách nhiệm bình thường của một cơ quan công lực, như bảo vệ an toàn và tài sản của người dân, cảnh sát Việt Nam phải đối phó với một cuộc chiến tranh du kích, chiến đấu như một người lính. Đối phó với chiến tranh du kích không phải là một việc dễ dàng. Rất khó để đánh những người trông giống y như mình, trà trộn vào sinh hoạt của mình, nhất là khi mình phải thượng tôn pháp luật, phải cân nhắc nhiều giữa lằn ranh của tội phạm và tự do ngôn luận…”
Trong phần phát biểu của mình ngày hôm trước, nữ phóng viên Vũ Thanh Thủy, đồng tác giả cuốn “Phóng Viên Chiến Trường, Tình Yêu Ngục Tù & Vượt Biển,” cũng đã chinh phục cử tọa qua đề tài “Chiến Tranh Việt Nam Qua Cái Nhìn của Một Phóng Viên Chiến Trường.”
Bà tâm sự: “Năm 1971, ở tuổi 20, tôi được trao giải ‘Anh Dũng Bội Tinh Ngôi Sao Bạc’ của QLVNCH, nhưng lúc đó tôi chưa hiểu thế nào là dũng cảm. Bây giờ nhìn lại tôi cũng ngạc nhiên là không hiểu nhờ đâu mà mình sống sót, cũng không hiểu tại sao là phận gái tôi lại tự lao mình vào chốn hiểm nguy. Chỉ biết mình phải là những con mắt nhân chứng để sự hy sinh của những người lính VNCH khỏi trở thành vô nghĩa. Vì chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến đầu tiên được trực tiếp truyền hình, truyền thông bỗng biến thành một khí cụ tuyên truyền là một hiện tượng chưa từng thấy.”
“Hãy tưởng tượng mỗi ngày các gia đình Mỹ quây quần quanh bữa cơm tối với những hình ảnh đẫm máu từ chiến trường. Ai mà không muốn cho những hình ảnh kinh hoàng đó biến mất? Vì thế tôi không trách những người Mỹ biểu tình để chống chiến tranh Việt Nam, nhưng tôi trách những nhà truyền thông Mỹ chỉ chú trọng đến những phóng sự giật gân, mà không tường thuật đầy đủ sự thật. Và giờ đây tôi hiểu thế nào là sự can đảm. Can đảm là giám nói lên sự thật. Đó là ngành báo chí. Tôi thấy phẫn uất khi báo chí ngoại quốc gọi quân đội Việt Nam là một quân đội bù nhìn,” bà nói thêm.