Người dân thôn Cồn Sẻ ven biển Quảng Bình mới đây đã biểu tình để phản đối nhà máy Formosa ở Hà Tĩnh gây ra thảm họa ô nhiễm biển, cũng như đòi nhà chức trách khôi phục môi trường. Xô xát đã xảy ra giữa người dân và các lực lượng an ninh làm nhiều người bị thương, trong đó một người dân bị công an đánh bị thương rất nặng.
Một người dân tham gia biểu tình đề nghị VOA viết tắt tên là Nguyễn V. M. biết khoảng 2.000 người, tức 2/3 dân số thôn Cồn Sẻ, xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, đã đi biểu tình từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều ngày 7/7. Anh nói khi đoàn biểu tình đi được khoảng 1 kilomet, rất đông nhân viên công an và những người mặc đồng phục Thanh niên Xung phong đã tìm cách ngăn chặn cuộc biểu tình, dẫn đến xô xát. Anh cung cấp thêm thông tin như sau:
“Có bạo lực xảy ra. Bên công an và bên dân xô xát nhau. Công an đánh dân. Hai bên có bị thương. Bên dân bị thương 4 người, có 1 người bị nặng. Còn bên công an có bị 1, 2 người. Bên công an có bắt một người đưa xuống dưới đồn. Song, sau dân đi đòi mới đưa lên trả lại.”
Nguyên nhân dẫn đến cuộc biểu tình là người dân cho rằng nhà máy Formosa do người Đài Loan đầu tư ở Hà Tĩnh đã xả hóa chất độc ra biển, làm người dân hiện nay mất đi nguồn sống từ biển. Anh Nguyễn V. M. nói rõ hơn:
“Vì nhà máy Formosa nên bây giờ biển của chúng em…, người dân bọn em có 60 cái tàu mà toàn trông cậy vào biển cả. Mà giờ biển làm cho tàu làm ăn không được, cho nên bà con bức xúc muốn là làm cho các nhà chính quyền đuổi nhà máy Formosa đi, trả biển sạch lại để cho quê hương làm ăn. […] Formosa phải ngừng, phải đóng cửa, rồi là bồi thường cái thiệt hại sau này của cái chất độc mà Formosa đã gây ra.”
Sau khi cuộc biểu tình diễn ra, nhiều hình ảnh đã được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy một số người dân bị đánh chảy nhiều máu. Về người bị thương nặng nhất mà người dân địa phương khẳng định là do công an đánh, anh M. cho biết thêm chi tiết:
“Người bị thương nặng là ông Phạm Đức, sinh năm 1968. Hiện tại ông ý nằm ở Bệnh viện Huế. Các bác sỹ nói là liệt nửa người. Trước đó, khoảng 8 giờ ngày 7/7, nhập viện tại Bệnh viện Ba Đồn, xét nghiệm CT, họ nói là bị có một cục máu đông ở não và bị rạn hộp sọ.”
Mặc dù cuộc biểu tình đã kết thúc với bạo lực làm cho một số người bị thương song người dân thôn Cồn Sẻ bày tỏ rằng họ sẽ không từ bỏ việc đấu tranh đòi trả lại biển sạch vì đó là yêu cầu chính đáng và cũng là nguồn sống truyền thống gần như duy nhất của họ.
Người dân Cồn Sẻ cũng muốn thông qua mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác kêu gọi nhân dân các vùng bị ảnh hưởng do ô nhiễm biển cùng tham gia đấu tranh, lên tiếng để đòi nhà chức trách đóng cửa nhà máy Formosa ở Hà Tĩnh.
Mới đây, ngày 30/6, chính phủ Việt Nam đã chính thức tuyên bố nhà máy Formosa đã xả chất thải độc ra biển, gây thảm họa cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh ven biển miền trung là Hà Tĩnh, Quảng Bỉnh, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế trong tháng Tư năm nay. Tập đoàn Formosa đã nhận trách nhiệm và cam kết đền bù 500 triệu đôla, trong đó một phần dùng để khắc phục môi trường.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích và đông đảo ngư dân cho rằng số tiền đó là không đủ. Khi xảy ra thảm họa cá chết, hàng vạn ngư dân và những người khác sống nhờ vào đánh bắt, nuôi hải sản cũng như du lịch biển đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gần như mất đi sinh kế kể từ đó đến nay.
Hiện nhiều người lo ngại việc xả chất thải độc của Formosa có thể gây hại lâu dài hàng chục năm dẫn đến tương lai bất định cho những người dân sống nhờ vào biển.