Tiếp theo sau chuyến viếng thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama và với cuộc tranh cử tổng thống Hoa Kỳ sắp tới, suy nghĩ đến tương lai quan hệ Mỹ-Việt là điều thích đáng. Cụ thể hơn, sau ngày bầu cử tổng thống ngày 8 tháng 11 năm 2016 sẽ có một vị tổng thống Mỹ mới.
Với hệ thống lưỡng đảng tại Hoa Kỳ, vị tổng thống mới sẽ hoặc là ông Donald Trump hoặc bà Hillary Clinton.
Thẩm định xem quan hệ Mỹ-Việt có thể thay đổi thế nào dưới quyền Tổng thống Hillary Clinton hay Tổng thống Donald Trump là việc rất quan trọng chẳng những cho các giới có nhiều quan tâm tại Hà Nội và Washington mà còn cho cộng đồng quốc tế nói chung, đặc biệt là với vai trò nổi bật của Việt Nam trong những vấn đề quan tâm toàn cầu như tranh chấp lãnh hải và hàng hải tại Biển Đông.
Xây dựng hợp tác toàn diện
Trước khi dự phóng về tương lai, chúng ta cần nhìn lại tiến trình quan hệ Mỹ-Việt thế nào kể từ lúc Hoa Kỳ cắt đứt quan hệ với Việt Nam sau năm 1975. Mối quan hệ này đã đi qua ba giai đoạn trước khi hướng đến việc hợp tác toàn diện.
Trong giai đoạn đầu, Hoa Kỳ và Việt Nam tìm cách giảm căng thẳng và xây dựng lại niềm tin. Những biện pháp của Hà Nội trong thập niên 80 như đổi mới kinh tế, hợp tác trong việc tìm kiếm hài cốt quân nhân Mỹ, và rút quân chiếm đóng ra khỏi Cam Bốt nhằm tạo điều kiện để cải thiện quan hệ với Washington. Thập niên 90 thấy được kết quả này. Tổng thống Bill Clinton chấm dứt lệnh cấm vận giao thương năm 1994, tái lập quan hệ ngoại giao năm 1995, bổ nhiệm vị Đại sứ Mỹ đầu tiên từ sau năm 1975, và ký hiệp ước giao dịch song phương Mỹ-Việt năm 2000.
Trong giai đoạn thứ nhì, cùng lúc với thời điểm của chính quyền Tổng thống George W. Bush, hai quốc gia xây dựng nền móng đối tác. Hiệp ước giao dịch bắt đầu áp dụng vào năm 2001. Việt Nam bắt đầu tăng trưởng kinh tế lẹ, một phần nhờ vào gia tăng xuất khẩu sang Hoa Kỳ và nhờ đầu tư của Hoa Kỳ. Từ năm 2000, tỷ lệ tăng trưởng GDP của Việt Nam là hơn 6% mỗi năm, chỉ sau Trung Quốc. Trong thời gian này Hoa Kỳ cũng trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2007, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO và được quy chế Quan Hệ Thương Mại Bình Thường Vĩnh Viễn với Hoa Kỳ.
Quan hệ an ninh & quốc phòng cũng được củng cố. Điển hình là năm 2005, Hoa Kỳ tạo cơ hội huấn luyện đào tạo cho sĩ quan quân đội Việt Nam và năm 2007, chính quyền tổng thống Bush nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí để cho phép Việt Nam mua được một số thiết bị không gây sát thương. Washington và Hà Nội cũng bắt đầu họp thượng đỉnh hàng năm để thảo luận các vấn đề cải tổ kinh tế và chính trị, cũng như các vấn đề an ninh chiến lược ảnh hưởng đến đôi bên. Đáng lưu ý là đối thoại chiến lược Mỹ-Việt gia tăng trong lúc Trung Quốc có thái độ ngày càng hung hãn trong vùng.
Giai đoạn thứ ba bắt đầu với nhiệm kỳ tổng thống Obama và việc phát triển hợp tác đầy đủ và sâu sắc hơn. Sau hai cuộc chiến dài tại Trung Đông, ông Obama hứa sẽ xoay chuyển quan tâm của Hoa Kỳ sang vùng Châu Á-Thái Bình Dương. Chính quyền Obama đặc biệt liệt kê Việt Nam là một đối tác cần được phát triển theo chiến lược “tái quân bằng” của Obama.
Trong hướng đó, Hoa Kỳ ủng hộ vai trò của Việt Nam trong TPP. Nếu được mọi quốc gia phê chuẩn và thực hiện, TPP sẽ chiếm 40% GPD thế giới. Việt Nam sẽ được tiếp cận thêm vào thị trường Hoa Kỳ và đầu tư nước ngoài. Ngược lại, Việt Nam là đối tác giao thương đứng hàng thứ năm của Hoa Kỳ trong các đối tác TPP. Chính quyền Obama cũng dùng TPP như củ cà rốt để khuyến dụ Việt Nam chấp nhận một số cải tổ như bảo vệ mạnh hơn các quyền lao động, sở hữu trí tuệ, nhân quyền. Một cách rộng rãi hơn, Hoa Kỳ xem TPP như một bệ phóng để mở rộng tầm ảnh hưởng trong vùng và khuyến khích hội nhập vùng rộng lớn hơn.
Cạnh đó, Việt Nam đóng vai trò lớn trong tình thế chiến lược của Hoa Kỳ trong vùng. Trước đà leo thang của Trung Quốc tại Biển Đông, Hoa Kỳ đẩy mạnh vai trò quân sự và ngoại giao trong vùng. Chính quyền Obama tìm cách định chế hóa cuộc tranh chấp tại các diễn đàn vùng, như ASEAN và Thượng Đỉnh Đông Á, và cổ võ việc dùng tòa trọng tài. Trong bài phát biểu tại Hà Nội, tổng thống Obama đã cảnh cáo các toan tính của nước lớn “hiếp đáp” nước nhỏ. Để lời nói đi đôi việc làm, Washington đã gia tăng các công tác tự do hải hành, và cam kết tăng cường khả năng hoạt động trên biển của các đối tác như Việt Nam. Việc tháo gỡ lệnh cấm bán vũ khí đối với Việt Nam cũng nằm trong khuôn khổ này.
Tóm lại, chuyến viếng thăm Việt Nam của tổng thống Obama tượng trựng cho cực điểm của tiến trình ba giai đoạn mà Hoa Kỳ và Việt Nam xây dựng hợp tác toàn diện. Chuyến thăm của ông Obama còn tiêu biểu cho một bước ngoặt, khi ông nhìn nhận là người tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên lớn lên trong thời hậu chiến. Viễn ảnh lạc quan của tương lai, chứ không phải gánh nặng của quá khứ, sẽ điều hướng mối quan hệ song phương.
Tương lai gần sẽ có một tổng thống Hoa Kỳ mới. Cuộc tranh cử tổng thống 2016 sẽ cho thấy sự tương phản giữa hai ứng viên với những hàm ý đáng kể cho quan hệ Mỹ-Việt.
Tổng thống Hillay Clinton: Tiếp nối và Gia tăng tiếp cận
Nếu bà Hillary Clinton đắc cử tổng thống, bà có lẻ sẽ tiếp tục hướng tiếp cận của Tổng thống Obama với Việt Nam và có thể gia tăng mức độ tiếp cận với Hà Nội. Bà Clinton chẳng những từng là Bộ Trưởng Ngoại Giao của ông Obama mà còn ngấm trong người đầy đủ truyền thống và quy ước chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ. Về khía cạnh này, bà sẽ là vị tổng thống có nhiều kinh nghiệm nhất và du hành nhiều nhất trong lịch sử cận đại Hoa Kỳ, đặc biệt là đối với Việt Nam. Hồi thời làm Đệ Nhất Phu Nhân, bà đã tháp tùng Tổng thống Bill Clinton thăm Việt Nam năm 2000.
Về khía cạnh kinh tế, bà Clinton nhiều phần sẽ tìm cách mở rộng giao thương Hoa Kỳ trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương. Hồi còn làm Bộ Trưởng Ngoại Giao, bà đã từng có những biểu lộ hậu thuẫn cho TPP. Chẳng hạn như vào năm 2012, tại Singapore, bà tán dương những điểm ích lợi của TPP cho vùng. Sau khi hiệp ước TPP kết thúc vào tháng Hai này, bà Clinton ra hiệu chống đối một số chi tiết của hiệp ước. Tuy nhiên động tác này có thể chỉ là những động thái chiến thuật trong thời điểm chính trị tại Hoa Kỳ không thân thiệt với giao dịch tự do.
Trong nhiệm kỳ làm ngoại giao cho chính quyền Obama, bà Clinton có tiếng là trong nhóm “diều hâu”. Thí dụ như bà cổ võ can thiệp vào Libya, Hoa Kỳ can dự vào Syria nhiều hơn. Thật vậy, bà có thể mạnh tay hơn ông Obama trong việc đẩy chính sách Hoa Kỳ tại Châu Á-Thái Bình Dương. Trong lúc tranh cử, bà Clinton hứa là sẽ buộc Trung Quốc “chịu trách nhiệm” cho những hành vi hung hăng trong vùng, và đặt để lại vai trò một cường quốc Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.
Vào ngày 2 tháng Sáu, 2016, trong một bài phát biểu về vấn đề an ninh quốc gia, bà nhấn mạnh vai trò quan trọng của các đồng minh Hoa Kỳ tại Châu Á-Thái Bình Dương. Bà cũng chỉ trích mạnh mẽ ông Donald Trump về những phát biểu liên quan đến khối NATO và đồng minh Hoa Kỳ tại Châu Á (xin xem trong phần sau).
Bà Clinton nhận thức rõ tình hình tranh chấp tại Biển Đông. Vào tháng Bảy năm 2010, tại Diễn Đàn Vùng ASEAN hàng năm với sự có mặt của các bộ trưởng ngoại giao tại Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại trưởng Clinton lúc bấy giờ tuyên bố tự do hải hành là một “lợi ích quốc gia” của Hoa Kỳ và Hoa Kỳ chống đối việc dùng hay hăm dọa vũ lực của bất cứ quốc gia đang tranh chấp nào tại Biển Đông. Để chỉ trích đường chín vạch của Trung Quốc, bà lập luận rằng “tuyên nhận chủ quyền lãnh hải một cách chính đáng tại Biển Đông phải đến từ những tuyên nhận chủ quyền chính đáng của đá, đảo.” Theo Công Ước Luật Biển Liên Hiệp Quốc, các đảo hay cấu trúc nhân tạo không có quyền hạn lãnh hải.
Với lịch sử về quan điểm và lập trường của bà, chúng ta có thể mong chờ một Tổng thống Hillary Clinton tiếp tục mở rộng quan hệ giao thương với Việt Nam, khuyến khích giải quyết tranh chấp Biển Đông qua định chế ASEAN, củng cố khả năng quân sự và hải quân của các đối tác quan trọng như Việt Nam, thách thức Trung Quốc tuân thủ các quy ước hành xử trên biển, và duy trì mạnh mẽ quyền tự do hải hành và bay ngang.
Tổng thống Donald Trump: tái thẩm định và không rõ ràng
Nếu ông Donald Trump đắc cử tổng thống, chúng ta có thể trông mong sự bất ngờ. Ông là một ứng viên tổng thống Mỹ không theo quy ước. Đây là cuộc vận động tranh cử tổng thống đầu tiên của ông cho một chức vụ công cộng. Trước khi tuyên bố ra tranh cứ, hình ảnh công chúng của ông phần lớn đến từ các bất động sản, chương trình TV, và báo lá cải.
Có lẽ không gì ngạc nhiên, cuộc vận động tranh cử của ông Trump làm thay đổi tất cả những giả định thông thường cho một cuộc tranh cử tổng thống, cả về khía cạnh nghi thức lẫn đề xuất chính sách. Một cách ngắn gọn, ông Trump ra tranh cử trong vai trò một người “bên ngoài” tìm cách đảo lộn tiến trình chính trị Hoa Kỳ.
Trong bài diễn văn về chính sách ngoại giao, ông Trump tuyên bố lập trường – Hoa Kỳ Trước Nhất – có vẻ như là chuẩn mực thông thường (quốc gia nào cũng khẳng định quyền lợi của mình), nhưng về chi tiết thì lại đi xa khỏi các nguyên tắc thông thường của chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ. Lấy ví dụ, trong nỗ lực chống lại tình trạng di dân bất hợp pháp và gây ra tội phạm, ông hứa sẽ “xây bức tường” giữa Hoa Kỳ và Mexico. Để cứng rắn hơn trong cuộc chiến chống khủng bố, ông Trump quăng ra ý kiến tra tấn những nghi can khủng bố cũng như nhắm tấn công gia đình họ. Trước vụ tấn công khủng bố tại California vào tháng 12 năm 2015, ông đề nghị lệnh cấm tạm thời không cho người Hồi giáo vào Mỹ.
Đối với Việt Nam và vùng Châu Á-Thái Bình Dương, có ít nhất là bốn lãnh vực mà nhiệm kỳ tổng thống Trump sẽ đưa đến việc tái thẩm định lại chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ, và từ đó, gây ra tình trạng bấp bênh, mơ hồ.
Thứ nhất, về việc giao thương, ông Trump đã lên tiếng chống lại các hiệp ước tự do giao thương. Ông chống đối TPP mãnh liệt – gọi đó là một “giao kết tồi tệ”, chỉ có lợi cho Trung Quốc (mặc dầu Trung Quốc không có chân trong TPP). Ông Trump cũng nghi ngờ về WTO và chỉ trích quy chế thành viên của Trung Quốc trong đó. Để giúp và bảo vệ các công ty Hoa Kỳ và nhân viên chống lại cạnh tranh bất chánh, ông hứa sẽ có biện pháp trừng phạt Trung Quốc về những hành vi như phá giá tiền tệ, tài trợ cho xí nghiệp quốc doanh, đánh cắp sở hữu trí tuệ. Những lập luận này có thể được áp dụng cho các quốc gia Châu Á, như Việt Nam, mà Hoa Kỳ đang bị nhập siêu.
Thứ nhì, ông Trump đã chỉ trích vai trò của khối đồng minh của Hoa Kỳ trên thế giới, từ khối NATO đến Thái Bình Dương. Ông cho rằng liên minh này không quân bằng và các đồng minh phải nên gánh vác thêm trách nhiệm hoặc ngay cả bỏ rơi họ nếu là gánh nặng cho Hoa Kỳ. Lấy thí dụ, ông Trump đề nghị các đồng minh hiện thời được cái dù hạt nhân của Hoa Kỳ bảo vệ là Á-rập Saudi, Nhật và Nam Hàn nên tự có vũ khí hạt nhân.
Thứ ba, ông Trump nguyện không can thiệp vào những xung đột mà không trực tiếp đe dọa an ninh của Hoa Kỳ. Ông chỉ trích nặng nề việc Hoa Kỳ can thiệp vào Iraq và Libya là sai lầm và không ích lợi gì cho Hoa Kỳ. Ông Trump chưa bày tỏ quan điểm rõ ràng về Biển Đông, nhưng với Hoa Kỳ không phải là một quốc gia tranh chấp trong vùng, quan điểm cơ bản của ông có thể là giữ khoảng cách, không can dự: để Việt Nam và Phi Luật Tân tự bảo vệ lợi ích của họ.
Thứ tư và trên bình diện rộng hơn, ông Trump đặt nghi vấn về vai trò bảo vệ hòa bình thế giới của Hoa Kỳ. Từ sau Thế Chiến Thứ Hai, Hoa Kỳ là nơi cung cấp lợi ích công cộng thế giới, chẳng hạn như phát triển các định chế quốc tế, duy trì quyền tự do hải hành, xiển dương các giá trị dân chủ, và đóng vai trò quân bằng cho các xung đột thế giới. Không rõ và có lẽ đáng ngờ rằng ông Trump sẽ tiếp tục những việc này dưới chủ trương “Hoa Kỳ Trước Nhất” của ông. Chỉ khía cạnh này thôi đã gây ra nhiều thắc mắc, nghi vấn cho tương lai của thế giới.
Vào ngày 8 tháng 11 năm 2016, người dân Hoa Kỳ sẽ chọn một vị tổng thống mới, Donald Trump hoặc Hillary Clinton, sự chọn lựa này sẽ có hệ quả cho Việt Nam và vùng Châu Á-Thái Bình Dương.
Roncevert Ganan Almond làm việc cho The Wicks Group, Washington DC. Ông tư vấn các chính quyền tại Châu Á, Âu, Phi, Châu Mỹ La-Tinh, Trung Đông về các vấn đề luật pháp quốc tế. Ông từng là phụ tá cho bà Hillary Clinton trong kỳ vận động tranh cử tổng thống năm 2008 nhưng hiện nay không liên quan đến bên tranh cử nào. Quan điểm nơi đây là của riêng ông.
Hoàng Thuyên lược dịch
ông Trump chưa đỗ ông nghè thì đã đe hàng tổng, đúng hay sai thì ta chỉ chờ năm hơn năm kém nữa thôi là biết,còn nói thì có ai thằng nói phét bao giờ đâu.???.