Với 3 vụ đánh bom tại Brussels vừa rồi gây thiệt mạng cho hơn 30 người mà nhóm Hồi giáo cực đoan ISIS tự nhận là gây ra, việc tranh luận tại Châu Âu về việc có nên đón nhận hàng ngàn người tỵ nạn chiến tranh trở nên rắc rối thêm. Nhiều người dân Châu Âu sợ khủng bố (và vì thế sợ lây nhóm di dân Hồi giáo) hơn là thông cảm với những người tỵ nạn liều chết để đến bến bờ tự do.
Điều đó phơi trần cơn khủng hoảng bản sắc của chính trị Châu Âu. Quyết định đón nhận ai và loại trừ ai là một bài tập để xác định dân tộc “chúng ta” là ai. Và đó là một câu hỏi luân lý về những nguyên tắc đạo đức cơ bản. Châu Âu sẽ chọn con đường luân lý nào đây?
Trong quyển sách mới xuất bản của giáo sư Peter O’Brien, Câu hỏi về người Hồi giáo tại Châu Âu: Những Tranh Cãi Chính Trị và Triết Lý Chung, tác giả xem xét các tranh luận chính trị về việc có nên và như thế nào để xã hội Châu Âu hội nhập người Hồi giáo. Cuộc tranh luận này cho thấy sự giằng co đang tiếp diễn giữa ba trường phái luân lý để xác định và hướng dẫn chính quyền. Ba trường phái này là “chủ nghĩa tự do”, “chủ nghĩa quốc gia”, và “chủ nghĩa hậu hiện đại.”
Chủ nghĩa Tự Do
Chủ nghĩa Tự Do khẳng định sự bình đẳng cố hữu của con người ở khắp mọi nơi. Mỗi người đều có quyền bất khả xâm phạm về tư tưởng, thờ phượng, làm việc, và sinh sống theo ý hướng của họ miễn sao họ không ngăn cản những quyền này đối với người khác.
Triết lý này đối xử với người tỵ nạn thế nào? Những ai lánh nạn hay tránh đàn áp đều đáng được cưu mang, ngày nào mà mối đe dọa đó vẫn còn. Hiện thời người bảo vệ nguyên tắc này mạnh mẽ nhất là Thủ tướng Đức Angela Merket, bà nhất quyết không chịu giới hạn lượng người tỵ nạn mà nước Đức sẽ đón nhận. Hiện nay đã lên quá 1 triệu trong 2015. Nhiều người tỵ nạn và giới hỗ trợ cũng bày tỏ cùng quan niệm này khi họ dùng những khẩu hiệu như “Chúng tôi là con người chứ không phải là hộ chiếu” hay “Không có con người nào bất hợp pháp.”
Bà Merkel có gặp sự chống đối, kể cả ngay trong đảng của bà là Liên Minh Dân Chủ Kitô Giáo (CDU). Đảng CDU bị thua phiếu trong các cuộc bầu cử vùng hồi 13 tháng Ba, mà người ta cho là vì chính sách mở rộng cửa. Bà Merkel thì phản hồi lại rằng trong các vùng này, đa số cử tri hậu thuẫn các đảng phái hỗ trợ chính sách của bà.
Nhưng nhiều người dân và chính quyền tại Châu Âu chống đối chính sách tỵ nạn mở rộng cửa này. Slovakia, Ba Lan, Hungary và Tiệp từ chối không nhận những người tỵ nạn gốc Hồi giáo. Hungary, Slovenia và Macedonia thậm chí còn dựng lên hàng rào kẽm gai để ngăn người tỵ nạn đi xuyên qua từ phía Hy Lạp. Pháp thì tuyên bố chỉ nhận 24 ngàn người cho đến năm 2017, và Anh thông báo chỉ nhận 20 ngàn cho đến 2020.
Ngay cả những quốc gia từng rộng lượng trước đây, kể cả Áo và Thụy Điển, cũng ra chỉ tiêu giới hạn cho 2016. Vào ngày 18 tháng Ba, Merkel dẫn đầu phái đoàn Liên Hiệp Âu để thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ nhận lại người tỵ nạn từ Hy Lạp – để đánh đổi viện trợ 6.6 tỉ đô la và người Thổ vào Châu Âu không cần visa.
Chủ Nghĩa Quốc Gia
Chủ nghĩa quốc gia thoát thai từ việc chống đối lại chủ nghĩa tự do phổ quát. Trường phái này bác bỏ việc con người mang cùng bản chất phổ quát chung. Thay vào đó, trường phái này cho rằng con người căn bản có sự khác biệt và sự khác biệt không thể xóa được này đến từ các quốc gia khác nhau. Mỗi quốc gia được cho là có một đặc tính riêng biệt – hình thành từ lịch sử lâu đời, ngôn ngữ, đất đai, phong tục, tập quán, sở thích. Chủ nghĩa quốc gia cho rằng, người dân trong một quốc gia có cùng ý hướng và hy vọng là quốc gia của họ sẽ trường tồn và thịnh vượng trong tương lai để con cháu đời sau có thể thừa hưởng, tôn vinh và đóng góp vào nền văn hóa và những thành tựu chung của quốc gia.
Chủ nghĩa quốc gia còn dạy thêm rằng để phát triển vững mạnh, mỗi quốc gia phải duy trì một mức độ nào đó tính đồng nhất và đoàn kết (“giềng mối xã hội”). Từ quan điểm này, khi có một số lượng lớn người ngoại quốc đến sẽ đe dọa tính đồng nhất đó – đặc biệt là nếu nhóm mới đến không hội nhập nhanh chóng vào nhóm văn hóa chính của quốc gia. Chủ nghĩa quốc gia do đó xem những di dân và người tỵ nạn là mối đe dọa cho sự sống còn của quốc gia: những người này phạm pháp, tước lấy công ăn việc làm, là gánh nặng của hệ thống an ninh xã hội và làm cho người bản xứ cảm thấy là “người ngoại quốc trong chính xứ sở mình”.
Chủ nghĩa Hậu Hiện Đại
Trường phái đạo đức thứ ba trong cuộc tranh luận hiện thời về di dân là hậu hiện đại. Chủ thuyết hậu hiện đại, xuất phát từ triết gia Friedrich Nietzsche, phủ nhận có cái gọi là chân lý tuyệt đối. Chủ nghĩa hậu hiện đại cho rằng chúng ta chỉ có thể biết được góc nhìn thiên vị, tùy thuộc của chúng ta mà chúng lại dựa vào thông tin không đầy đủ và do đó không là sự thật. Thúc đẩy quan điểm của chúng ta là một ý muốn tiềm ẩn sâu xa, một sự thôi thúc tâm lý vô thức muốn chế ngự người khác bằng cách buộc họ tuân theo cách diễn giải của chính chúng ta về cái thế giới này.
Chủ thuyết hậu hiện đại thấm sâu vào văn hóa chính trị của chúng ta. Nó thể hiện qua ý niệm chân lý là bất cứ điều gì người ta cho là chân lý, và cử tri có thể bị lừa và lôi kéo dễ dàng bằng những luận điệu xảo trá được quảng bá khéo léo.
Luận điệu bài bác Hồi giáo của Châu Âu là một thí dụ điển hình của chiến lược hậu hiện đại này. Dân Hồi giáo bị gán cho là lấn át, ngay cả “Hồi giáo hóa” Châu Âu, nhưng thật ra họ chỉ chiếm có 4 phần trăm dân số Châu Âu. Dân Hồi giáo bị gán cho hình ảnh có khuynh hướng bạo động, nhất là khủng bố, trong khi đó theo báo cáo của Europol (Cảnh sát Liên Âu) thì những cuộc tấn công có dính dáng đến các thành phần Hồi giáo cực đoan chỉ chiếm có 3 phần trăm tổng số các cuộc khủng bố diễn ra, bị chặn đứng, hay thất bại trong năm.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2007, nhà hoạt động phụ nữ người Hà Lan, Ayaan Hirsi Ali cho là “bạo động đi liền với Hồi giáo. Đạo này là một giáo phái của chết chóc, phá hủy, tận diệt. Đạo này hợp thức hóa giết người.” Trong quyển sách bán chạy có tựa đề Londonistan, tác giả Melanie Phillips đoan chắc là “việc chinh phục Tây Phương đã xong được phân nửa” và được thực hiện bởi những nhóm khủng bố có liên hệ đến al-Qaeda tại Châu Âu. Những thông tin méo mó này đến với hàng triệu người qua nhiều trang web thù ghét Hồi giáo như Islam Watch (quan sát Hồi giáo) hay Stop the Islamization of Europe (Ngưng việc Hồi giáo hóa Châu Âu).
Vậy trường phái nào thắng thế?
Không trường phái triết lý nào đủ sức đánh bại hai trường phái kia. Mỗi trường phái đều được diễn đạt đầy thuyết phục, được biện minh và quảng bá để đại khối dân Châu Âu, nhìn chung, không thể chọn cái nào.
Nhiều người lo rằng các thế lực loại trừ đang gia tăng, sẵn sàng để dựng lên một “Thành lũy Châu Âu”, vô cảm với những thống khổ của con người bên kia biên giới. Chắc chắn là vụ đánh bom tại Brussels trong tuần này sẽ giúp thêm cho nỗ lực này. Tuy nhiên chủ nghĩa tự do vẫn còn rất nhiều ảnh hưởng và không để cho Châu Âu đóng cửa hoàn toàn.
Nhưng sự nhân bản của chủ nghĩa tự do không thể đánh bạt hoàn toàn chủ nghĩa quốc gia hay chủ nghĩa hậu hiện đại. Cả ba trường phái sẽ tiếp tục bóp méo và thao túng “sự kiện”. Châu Âu sẽ đối diện với những chính sách trái ngược (nhận người tỵ nạn hôm nay, mai lại đuổi), dựa vào thông tin hoàn toàn không chính xác.
Peter O’Brien là giáo sư về chính trị học tại Đại học Trinity và tác giả quyển sách Câu hỏi về người Hồi giáo tại Châu Âu: Những Tranh Cãi Chính Trị và Triết Lý Chung, và quyển Nhận Thức của Châu Âu về Hồi giáo và Hoa Kỳ từ Saladin đến George W. Bush: Tiết Lộ Cái Tôi Mỏng Manh Của Châu Âu.