Ngày 22/06/2015, Quốc hội khóa 13 đã thông qua luật bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân làm khung pháp lý cho cuộc bầu cử dự kiến được tổ chức vào ngày 22/05/2016.
Cuộc bầu cử được tổ chức 5 năm một lần này là cơ hội duy nhất để người Việt Nam thực hiện quyền cử tri, để chọn lựa các ứng viên và bầu ra các đại diện dân cử tham ra vào Quốc hội. Về lý thuyết thì người dân đủ 18 tuổi trở lên, không bị tước quyền cử tri do phạm pháp hoặc hạn chế về năng lực hành vi, đều có quyền tự do lựa chọn các ứng viên từ danh sách và/hoặc đi hay từ bỏ quyền tham gia bỏ phiếu. Tuy nhiên việc lựa chọn loại hành vi nào trong số đó sẽ quyết định liệu quyền công dân có bị uổng phí không trong cái cơ hội 5 năm chỉ có một lần này.
Trên mạng facebook và nhiều mạng xã hội khác gần đến ngày bầu cử thường lan truyền nhiều lời tán thán, đại loại thuộc 3 dạng:
1. Bầu cử à? Chỉ là trò hề thôi. Danh sách ứng viên đã bị cơ cấu hết rồi, dù có bỏ phiếu hay không cũng thế. Tốt nhất là không đi, để chúng nó diễn trò với nhau.
2. Bầu cử Quốc hội? Cứ cho là đi bỏ phiếu đi, nhưng tốt nhất là gạch tên bằng hết danh sách ứng viên. Chẳng có lý do gì lại để tên những người toàn là cơ cấu sẵn.
3. Sẽ tham gia bỏ phiếu, và tôi sẽ cân nhắc thật kỹ về lựa chọn của mình.
Bài viết này sẽ không phân tích về khía cạnh đạo lý của lòng người, là có nên hoặc không nên đi bầu, và nếu có đi thì sẽ làm gì cho đúng với lương tâm của người bỏ phiếu? Tôi chỉ nói về khía cạnh pháp lý, căn cứ theo những điều luật mới được thông qua của Luật bầu cử quốc hội ngày 22/06/2015 mà dù muốn dù không, người ta vẫn buộc phải chấp nhận nó. Từ góc nhìn này, sẽ cùng bàn bạc xem mỗi cử tri nên hành động theo cách thức nào để quyền công dân của mình không uổng phí.
Là một cử tri, bạn nên làm gì?
Khi bạn có quá nhiều mối bận tâm và không thể tham gia bỏ phiếu, bạn có thể đơn giản là quên cuộc bầu cử đó đi và làm việc của mình, điều này hợp pháp. Hoặc nếu cách thức tổ chức, cách thức mà Mặt trận tổ quốc và các cuộc “hiệp thương” mà nó tiến hành để chọn lựa ra danh sách các ứng viên đối với bạn hoàn toàn không thể chấp nhận được và hoàn toàn thất vọng, bạn cũng có thể quay lưng với cuộc bỏ phiếu và để mặc nó diễn ra.
Có lẽ bạn sẽ gặp phiền phức không ít với các đại diện chính quyền tại khu vực bỏ phiếu (thường sẽ gồm công an phường, tổ dân phố và các viên chức cấp phường – xã), vì họ sẽ tìm đến tận nhà nhắc nhở để bạn ra bỏ phiếu bằng được. Và nếu bạn lánh mặt không chịu ra, họ sẽ gợi ý để mẹ bạn hoặc một người thân nào đó trong gia đình mang theo thẻ cử tri của bạn và đi bỏ phiếu thay cho bạn. Vì thế, nếu thực sự bạn muốn thể hiện sự bất hợp tác và thất vọng bằng cách từ chối tham gia, hãy cất kỹ thẻ cử tri của mình và đừng để ai sử dụng nó.
Tuy nhiên, việc bạn từ chối tham gia liệu sẽ gây khó khăn gì cho cuộc bầu cử? Về lý thuyết, việc bạn không tham gia đồng nghĩa với bạn từ bỏ quyền quyết định của mình và sẽ phải mặc định chấp nhận kết quả cuộc bầu cử dù nó có thế nào chăng nữa. Tuy nhiên, nếu có nhiều người giống bạn, dẫn đến tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu không cao, thì Ủy ban bầu cử sẽ gặp khó khăn khi sử dụng cái điệp khúc có tần suất cao và vô nghĩa như những lời phản đối chủ quyền ở Biển Đông, đại loại :”Cuộc bỏ phiếu đã diễn ra với tinh thần dân chủ và thành công, với tỷ lệ cử tri tham gia đi bầu đạt 99,99%…vân vân …” Còn một tình huống khác, là nếu những người chán ghét cuộc bầu cử lớn tới mức có trên 50% cử tri tại một đơn vị bầu cử không tham gia. Trong trường hợp này, cử tri đã gây phiền toái lớn cho Ủy ban bầu cử vì họ sẽ buộc phải tổ chức bầu cử lại trong thời gian 15 ngày sau cuộc bầu cử đầu tiên. Tuy nhiên, nếu một cử tri tiếp tục ngoảnh mặt với kỳ bầu cử và không tham gia thì cũng vô nghĩa thôi. Theo khoản 4, điều 80 của Luật bầu cử quốc hội 22/06/2015 thì dù lần bầu cử lại này vẫn có dưới 50% cử tri tại đơn vị bầu cử tham gia, thì kết quả của nó vẫn được công nhận và có giá trị pháp lý.
Kết luận rút ra: Đừng bỏ phí quyền công dân của mình bằng cách không tham gia cuộc bỏ phiếu. Việc đó có thể khiến bạn thỏa mãn nỗi ấm ức cá nhân, nhưng không giúp bạn tránh được một kết quả bầu cử không mong muốn. Do đó, hãy tham gia bỏ phiếu và chắc chắn rằng chính bạn chứ không phải ai khác sẽ bỏ lá phiếu của mình.
Đến đây có lẽ sẽ có nhiều người nghĩ đến lựa chọn thứ hai: Đi bỏ phiếu thì cũng đành, nhưng vì chẳng thấy ai là người xứng đáng và/hoặc tôi hoàn toàn không biết họ, nên tôi sẽ gạch tất. Điều này tất nhiên cũng toàn quyền của bạn, nhưng nó sẽ mang lại hiệu quả gì về mặt pháp lý? Đối chiếu theo mục d, khoản 1, Điều 74 của Luật bầu cử Quốc hội 22/06/2015, thì nếu gạch hết toàn bộ ứng viên, lá phiếu của bạn sẽ bị coi là không hợp lệ. Khi kiểm phiếu, các lá phiếu này sẽ được thống kê riêng trong Biên bản kết quả kiểm phiếu và nó cũng chẳng khiến bạn có thể từ chối chấp nhận kết quả cuộc bỏ phiếu.
Do đó, kết luận rút ra ở đây là, chỉ trừ trong trường hợp quá cực đoan, đừng gạch hết trơn danh sách ứng viên và biến lá phiếu của mình thành bất hợp lệ. Chuyện đó không có ý nghĩa và quyền công dân của bạn cũng lãng phí hệt như lựa chọn không đi bỏ phiếu.
Vậy là chỉ còn một lựa chọn cuối cùng, bạn sẽ tham gia đi bầu và sẽ cân nhắc thật kỹ từng ứng viên trong danh sách. Dù rằng đại bộ phận những ứng viên ứng cử đều sẽ được quyết định qua hội nghị hiệp thương lần 3 của Mặt trận tổ quốc Việt Nam (Theo điều 48 và điều 49 Luật bầu cử quốc hội). Bạn có thể hoàn toàn không biết gì về những người này hoặc biết rất ít và do đó không tin tưởng họ. Tuy nhiên sẽ vẫn có những người mà bạn nên lưu tâm, đó là trong danh sách ứng cử cuối cùng lọt lưới sau Hội nghị hiệp thương lần 3, có thể sẽ vẫn có một số ứng viên tự ứng cử trụ lại được.
Kỳ bầu cử 2016 này có một hiện tượng nổi bật, có nhiều ứng viên tự ứng cử vào Quốc hội, đông hơn hẳn bất cứ một cuộc bầu cử nào khác trong quá khứ. Chỉ tính riêng tại Hà Nội đã có tới 47 người tự ứng cử. Con số này tại thành phố Hồ Chí Minh là 48 người. Số người tự ứng cử tại Hà Nội và Sài Gòn thậm chí còn vượt quá cả số người được Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội của Đảng Cộng Sản đề cử. Tất nhiên là họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn để có thể qua được hai vòng đấu sinh tử để loại bỏ các ứng viên, đặc biệt là cuộc Hiệp thương lần 3, cuộc hiệp thương cuối cùng chốt danh sách mà chỉ có sự tham gia của Mặt trận tổ quốc và các đại diện của các tổ chức chính trị – xã hội của Đảng được tham dự và các ứng viên tự ứng cử hoàn toàn không có bất cứ khả năng gì để can thiệp hoặc đấu tranh trong trường hợp họ bị hội nghị Hiệp thương cuối cùng này gạt bỏ. Tuy nhiên, hãy cứ tin rằng sẽ có đâu đó một số người lọt lưới, và nếu có, hãy chú ý đến những cái tên này. Họ đã mất rất nhiều công sức chỉ để làm một điều rất đơn giản là nộp được một bộ hồ sơ ứng cử hợp lệ cho Ủy Ban Bầu Cử. Có nhiều người cho rằng nỗ lực của họ là vô nghĩa, nhưng đó chính là những người đang góp những viên đá đầu tiên để biến cái lá phiếu của các cử tri trở lên có giá trị một cách thực thụ. Vì thế hãy chú ý đến họ.
Vì là một người theo trường phái nghi ngờ, hay nói đúng hơn là luôn có thói quen tư duy nhiều chiều trước khi rút ra kết luận. Tôi sẽ chia sẻ với các bạn suy nghĩ của mình về những ứng viên tự nguyện. Không loại trừ khả năng trong số các ứng viên tự nguyện và lọt lưới sau cuộc hiệp thương lần 3, có những người không phải là “tự ứng cử” thực sự. Rất có thể có một số thuộc diện “quân xanh”, được cài cắm để cuộc bỏ phiếu có phần “dân chủ”. Vì thế, hãy suy xét thật kỹ về từng cái tên.
Tất cả những ứng viên tự nguyện hoặc ứng viên được đề cử đều được công bố tên công khai. Có thể dễ dàng tìm được thông tin về họ trên internet, dù ít hoặc nhiều. Ví dụ, chỉ cần gõ google, người ta có thể dễ dàng tìm thấy những thông tin dù chưa bao giờ được xác thực rằng ông Nguyễn Xuân Phúc và con cái ông ta có rất nhiều tài sản, với những tấm hình chụp sổ đỏ cận cảnh và những hợp đồng mua bán nhà đất nhiều chục tỷ đồng, với con dấu và tên tuổi rõ ràng. Dù rằng những thông tin này chưa bao giờ được kiểm chứng, nhưng nó cũng chưa bao giờ bị bác bỏ bởi bản thân ông Nguyễn Xuân Phúc, một điều mà đáng ra một chính khách ở vị trí của ông (và nhiều quan chức khác) nên làm để bảo vệ danh dự của mình, và quan trọng là để người dân có thể tin vào ông ấy vì ông ấy đang là lãnh đạo.
Hoặc cũng bằng cách gõ google, người ta có thể tìm được những thông tin rằng ông Trần Đại Quang ít nhiều có liên quan tới vụ án Dương Chí Dũng, dù cái chết bất ngờ của Thượng Tướng Phạm Quý Ngọ, người bị ông Dũng tố cáo nhận trực tiếp số tiền hối lộ hàng triệu USD đã khiến vụ án Vinashin không lôi ra được thêm một quan chức nào có chức vụ cao hơn Dương Chí Dũng, tuy nhiên, những manh mối về sự liên quan của ông Quang về các lời khai thì vẫn còn đó. Dù rằng chúng sẽ không bao giờ được làm sáng tỏ, nhưng các bạn thấy đó, bằng việc tìm kiếm thông tin về các ứng viên, một cử tri sẽ biết thêm nhiều điều về họ. Cử tri có thể suy xét trên những thông tin đó, kiểm chứng nhiều chiều và cuối cùng quyết định xem liệu có ai là người họ có thể tin tưởng để ghi vào lá phiếu của mình. Dù chỉ cần để tên một ứng viên trong danh sách và gạch hết những người còn lại, lá phiếu của bạn vẫn là hợp lệ và chắc chắn nó sẽ gây phiền toái không ít cho những ai muốn sắp xếp để cử tri bầu cho một danh sách nào đó theo ý họ.
Vậy cuối cùng một cử tri nên làm gì với lá phiếu mà họ sẽ bỏ vào thùng phiếu trong ngày bầu cử? Đừng gạch xóa hết các ứng viên, đừng ghi thêm tên những người ngoài danh sách. Việc đó chẳng giúp ích gì ngoài việc biến lá phiếu thành không hợp lệ và vô nghĩa. Hãy cố gắng chọn ra dù chỉ một cái tên, và để chọn được, hãy giành thời gian trước ngày bỏ phiếu để search và tìm hiểu thật kỹ về từng ứng viên có trong danh sách. Nếu họ rất đáng ngờ và không xứng đáng, hãy loại bỏ họ, nhưng nếu may mắn mà tại đơn vị bầu cử của bạn, có ai đó bạn có thể tin tưởng, hãy giữ tên họ trong lá phiếu và gạch những người còn lại. Bằng cách đó, bạn có thể làm được một điều tốt hơn trong một tình huống không có nhiều lựa chọn, và ít nhiều, quyền công dân của một cử tri sẽ không uổng phí.
Ứng viên tham gia ứng cử
Giờ là lúc bàn về vấn đề thứ hai, đó là câu chuyện về các ứng viên tham gia ứng cử. Họ có hai loại, một là những người được các tổ chức chính trị – xã hội và các cơ quan Đảng đề cử tham gia, và loại thứ hai, là những người tự ứng cử.