Thi thoảng lắm mới ghé thăm Facebook, bất chợt hôm nay lại đọc được dòng status của một người bạn : “Các ông bà cô chú bác đừng mong tuyết rơi nữa, cháu lạnh lắm.” Kèm với bức ảnh đứa con trai mới sinh. Tự nhiên tôi cảm thấy thương vô cùng. Chuyện về nỗi vất vả của những người dân miền Bắc mưu sinh trong cái rét cắt thịt không phải là chuyện lạ với nhiều người. Báo chí đưa tin, truyền thông cận cảnh. Nhưng tôi vẫn cảm thấy bồi hồi với cái dòng status của người bạn mình hơn. Chắc phải có lý do đặc biệt cho điều đó.
Tôi quen họ tại Quảng Ninh trong chuyến phượt xuyên Việt vừa rồi. Đôi vợ chồng trẻ tiêu biểu cho một phần của xã hội hiện tại mà vẫn giữ được sự chân chất, bình dị và đáng yêu. Anh bạn là người Kinh, cô vợ là người dân tộc thiểu số, công việc tạm đủ sống, không dư dả gì. Hồi tôi ở Móng Cái – Quảng Ninh, có làm giấy thông hành đi qua Trung Quốc chơi cho biết, hai vợ chồng đã theo hộ tống tôi. Anh chồng thi vui vẻ thật thà, cô vợ thì hồn nhiên dễ mến. Sau chuyến đi Trung Quốc, tôi ghé thăm nhà, ăn tối với hai vợ chồng. Bẵng đi gần nửa năm, cũng không liên lạc nhiều vì xa cách, hôm nay lại nhớ đến họ bởi dòng status này. Tôi đoán chắc anh bạn không hẳn là đăng dòng status để than thở hay kể khổ. Với sự hồn nhiên và niềm tin của họ, họ sẽ luôn vui vẻ sống mỗi ngày.
Nhưng với tôi thì khác: chuyến đi đã để lại trong tôi nhiều thứ. Bây giờ, những tin tức về sạt lở ở Lai Châu, Điện Biên không còn xa lạ. Cái nghèo khó của những người dân vùng cao không còn là bí ẩn. Hồi trước nghe cái tên Hà Nội là đủ thấy một sự xa xôi vời vợi, huống gì những vùng đất hẻo lánh ở biên giới phía bắc tổ quốc, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang. Có lần tôi mắc mưa ở tại Hà Giang, chủ quán vì còn là mùa hè nên không phòng bị, không ngờ, sau cơn mưa đó, buổi tối nhiệt độ ngay lập tức xuống thấp khủng khiếp, khiến tôi rét cóng người.
Có một câu danh ngôn đã nói: “Khi ta đi, trái đất nhỏ lại và mình thì lớn lên.” Té ra bấy giờ tôi mới hiểu hết ý nghĩa. Hiểu rằng, ở những nơi xa xôi, có những cuộc đời rất khác, cuộc sống mưu sinh cũng mang những nỗi vất vả riêng. Nếu không đi trực tiếp thì những cái chép miệng thương xót qua tin tức đôi khi chỉ là qua loa sáo rỗng. Nếu không tận mắt nhìn thấy, thì những hình ảnh thương tâm trên ngay đất nước này cũng không thu hút bằng chuyện của diễn viên, người mẫu. Dường như nó ở rất xa, xa lắm.
Đợt leo núi Pan-xi-păng, tôi vượt đoàn gần 90 người để lên tới đỉnh đầu tiên, thấy tự hào ghê lắm. Trên chuyến leo xuống, tận mắt thấy cảnh những người dân miền núi cõng trên lưng 40kg xi măng (có người cõng đến 50kg) leo núi đi lên, thế là cái nỗi tự hào trong tôi chìm nghỉm. Tôi leo vì trải nghiệm, vì niềm vui chinh phục, còn họ phải leo với số tiền tính theo mỗi ký lô mang được.
Sự vất vả nhọc nhằn như vậy cũng không làm thay đổi đươc bản chất của những con người dân tộc đáng quý đó. Rất nhiều lần, họ đã cho tôi ngủ qua đêm, mời tôi ăn cơm, chở tôi đi dùm qua đoạn đường khó mà chẳng màng trả công, chẳng hỏi han tôi gốc gác ở đâu, sinh sống thế nào. Sự đơn sơ đó khiến tôi rất bất ngờ. Rồi tôi tự hỏi, mình đã làm được gì, ở tận miền Nam ấm áp này, ngoài những câu cảm thán vô vị qua tin tức báo đài.
Miền Bắc đang trải qua đợt đông giá, nhiều người ao ước thấy tuyết rơi. Ừ! miền Bắc rất lạnh, tuyết rơi rất nhiều. Miền Nam cũng “lạnh”, không có tuyết rơi. Ở đó con người hồn nhiên trong sự giúp đỡ, ở đây con người hồn nhiên trên những nỗi đau.
Tôi rât thích bài viêt của chântfoimoimedia,com