SÀI GÒN – Đó là kết quả khảo sát được tiến hành tại 20 trường THPT ở 12 quận/huyện của TP. Sài Gòn với 1.800 phiếu. Trong đó có 12 trường công lập và tám trường dân lập.
Theo khảo sát này, có đến 57,4% HS thiếu hiểu biết về lịch sử và truyền thống đạo lý dân tộc; 57,3% HS thiếu hiểu biết về hiến pháp và pháp luật; 49,8 % HS không thích học các môn khoa học xã hội; 42,5 % thiếu tôn trọng thầy cô giáo và nói xấu thầy cô; 34,8% HS lười làm việc và không biết làm việc nhà giúp đỡ cha mẹ; 46,8% HS sống thực dụng, chạy theo lợi ích vật chất và chọn nghề kiếm được nhiều tiền; 37,6% các em sống thiếu nhân ái, vô cảm; 42,9% HS thiếu ý thức trách nhiệm công dân, không tự giác chấp hành pháp luật.
Đánh giá về khảo sát này, PGS-TS Ngô Minh Oanh, Viện trưởng viện nghiên cứu này, cho hay chính độ chênh và tỉ lệ HS thiếu hiểu biết đó cho thấy việc giáo dục pháp luật, đạo đức trong nhà trường còn nhiều hạn chế và bất cập, chưa tác động đến nhận thức HS.
Nhiều HS thậm chí không hiểu biết gì và rất thờ ơ về quyền công dân của mình. Và như thế dẫn đến thực tế là hiện nay có một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên có lối sống lệch lạc, hưởng thụ, ích kỷ, xuống cấp về đạo đức, cao hơn là tình trạng tội phạm ngày càng trẻ hóa cũng là điều dễ hiểu và rất đáng lo lắng.
TS Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TP.Sài Gòn, nhìn nhận không chỉ HS mà ngay cả ý thức chấp hành pháp luật của người dân hiện nay cũng rất kém.
Theo ông Minh, nội dung giáo dục nhiều nhưng lại thiếu về giáo dục tình thương, lòng nhân ái và trách nhiệm của con người vì đây chính là cội rễ của mọi vấn đề. Từ mầm non phải dạy các em qua những câu chuyện cụ thể, dễ hiểu nhưng học cao hơn thì phải để các em tranh luận về những vấn đề thực tế trong cuộc sống để các em hiểu và thấm vào nhận thức hơn. Chúng ta phải cho HS trải nghiệm và cảm nhận chứ không thể cấp học nào các em cũng ngồi im nghe, viết bài rồi học thuộc lấy 10 điểm là xong, đến khi ra xã hội lại không vững vàng, không dám đấu tranh với cái xấu.