Trong một cuộc họp báo sáng ngày 9.2.2015, nhà cầm quyền CSVN đã đưa ra quyết định cách chức ông Kim Quốc Hoa, Tổng Biên tập báo Người Cao Tuổi (NCT), vì những bài báo chống tham nhũng trong thời gian qua, đặc biệt là loạt bài vạch trần sự tham ô của nguyên Tổng thanh tra Trần Văn Truyền.
Theo tin ghi nhận thì Bộ TT&TTcũng đã quyết định “xử phạt vi phạm hành chính đối với báo Người Cao tuổi như : – Thu hồi giấy phép Trang thông tin điện tử số 256/GP-TT ĐT cấp ngày 3/12/2010. – Thu hồi tên miền nguoicaotuoi.org.vn. – Thu hồi thẻ nhà báo của ông Kim Quốc Hoa – Tổng biên tập báo Người Cao tuổi.
Ngay sau sự việc xảy ra, vào ngày 10 tháng 2 năm 2015, Ban Thường vụ Hội Người Cao Tuổi Việt Nam đã có công văn gửi Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son, do Chủ tịch Hội là bà Cù Thị Hậu ký, yêu cầu tạm dừng thông báo kết luận thanh tra Báo NCT. Vì trong quá trình hoạt động Đoàn Thanh tra đã vi phạm nghiêm trọng Điều 7 Luật Thanh tra như trong Báo cáo giải trình số 33/CV-BNCT của Tổng Biên tập Báo NCT và một số điều trong các Nghị định khác.
Công văn còn nhấn mạnh trong 2 năm qua, các nội dung Đoàn Thanh tra minh chứng, cơ quan chủ quản chúng tôi không thấy các cơ quan chức năng nhắc nhở, giao ban báo chí trung ương hằng tuần cũng không phê phán, các đối tượng không khiếu nại… thì kết luận liệu có khách quan, đúng đắn? Cách làm của Đoàn Thanh tra phải chăng nhằm ngăn chặn, làm thui chột năng lực chống tham nhũng của báo chí mà Báo NCT là một điển hình?
Qua sự kiện này liên quan đến vụ tham nhũng của quan chức Trần Văn Truyền mới đây, đã dấy lên nguồn dư luận cho rằng thủ phạm tham nhũng không thể chối cãi nhưng chỉ bị kỷ luật nội bộ với Đảng là hết, vì ông Truyền đã “nhận tội” và đã phải trả lại một số tài sản hối lộ. Trong khi đó những người can đảm đưa tin phanh phui thì nay bị lôi ra trừng trị. Thế thì làm sao mà tệ nạn tham nhũng không lan tràn.
Tưởng cũng nên biết, theo báo chí thì trong những vụ việc như vụ bất động sản của ông Trần Văn Truyền và một số quan chức lãnh đạo địa phương khác, các cơ quan báo chí đã đi trước cả những cơ quan chức năng nhà nước. Như vậy báo chí đã tiên phong và rất có ý thức trách nhiệm đối với xã hội trong công tác phòng chống tham nhũng đã đang được hô hào. Nhưng qua kinh nghiệm thực tiễn, người dân không ai tin là đảng và nhà nước thực lòng muốn chống tham nhũng, vì sợ “vỡ bình”. Người ta đã không quên những sự việc xảy ra trong quá khứ với các nhà báo, ký giả từng phải đi tù vì tiên phong làm theo hô hào của đảng và nhà nước, điển hình như trường hợp nhà báo Nguyễn Văn Hải (báo Tuổi Trẻ), và nhà báo Nguyễn Việt Chiến (báo Thanh Niên).