Vào ngày 17/3/2015, trao đổi bên lề với báo giới về việc cho đốn hạ 6.700 cây xanh tại thủ đô Hà Nội, ông Trần Đăng Tuấn (cựu phó Tổng giám đốc đài truyền hình Việt Nam) đưa ra ý kiến cần phải hỏi ý dân trước khi làm việc này. Ông Phan Đăng Long, phó Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội không ngần ngại cho biết rằng, ông Tuấn cũng chỉ là một người dân, dù đồng tình hay không cũng chỉ là một người dân mà thôi. Chưa hết, ông này còn thẳng thừng cho rằng, trong việc đốn hạ cây xanh ở Hà Nội không cần phải hỏi ý kiến của dân làm gì cả. Đó là việc của chính quyền. Chính quyền muốn làm sao thì làm.
Cách trả lời xấc xược, coi thường người dân đã khiến cho dư luận phẫn nộ. Đây không phải là lần đầu ông Long làm “dậy sóng” dư luận bằng những phát ngôn của mình. Nhiều phóng viên còn đặt ra nghi vấn, phải chăng ông Long uống rượu trước khi họp báo?
Cũng chính ông Long cách đây không lâu, trước việc hàng trăm người dùng gậy gộc đánh đập nhau để cướp lộc tại lễ hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội), ông Long coi đó là “cướp có văn hóa”.
Thái độ coi thường, xúc phạm người dân của ông Long làm người ta nhớ lại vào năm 2008, khi bão lụt làm cho Hà Nội gần như tê liệt, truyền thông lúc bấy giờ cho biết có đến 17 người chết, số tiền bị thiệt hại lên đến 3.000 tỷ đồng. Ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội lại phán rằng người dân bây giờ so với ngày xưa ỷ lại chính quyền nhiều lắm. “Cứ chờ trên về, chờ cung cấp cái này, hỗ trợ cái kia chứ không đem hết sức ra tự làm”.
Dư luận cho rằng ở cương vị của ông Nghị mà phát biểu như thế, thì với chức vụ như ông Long xấc xược với người dân, âu cũng là điều bình thường của cái chính quyền gọi là “của dân, do dân, vì dân”.