Tuy mùa khô vừa mới bắt đầu nhưng hạn hán tại Tây Nguyên, miền Trung và miền Nam đã trở thành trầm trọng, đe dọa sinh kế và làm xáo trộn sinh hoạt của hàng chục triệu người.
Hồi đầu tháng 3/2015, Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, đến cuối tháng hai, tổng dung tích 20 hồ chứa nước ở Ninh Thuận chỉ còn khoảng 15% dung tích thiết kế. Nhiều hồ chứa nước nhỏ đã trơ đáy. Nếu trời không mưa, không có lũ tiểu mãn thì 10,000 héc ta nằm ngoài hệ thống cung cấp nước tưới từ Nhà Máy Thủy Điện Đa Nhim sẽ phải bỏ hoang.
Cũng vì hạn hán đến sớm, khoảng 300 hécta tỏi trên đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi được dự báo là mất trắng. Ngoài Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Quảng Nam cũng đang đối diện với tình trạng hạn hán đến sớm. Chưa bao giờ tình trạng nước mặn xâm nhập vào sông sớm và rộng như năm nay.
Gần đây, trình trạng trở thành tồi tệ hơn vì hạn hạn xuất hiện trên diện rộng hơn.
Tại Khánh Hòa, dung tích nước của các hồ chứa nước chính như : Suối Trầu, Suối Hành, Cam Ranh… chỉ còn từ 10% đến 20% dung tích thiết kế.
Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đắk Lắk, loan báo, do hạn hán, khoảng 100 héc ta cây trồng ở tỉnh này coi như đã mất trắng, hàng ngàn hec ta cây trồng khác đang bị đe dọa vì thiếu nước để tưới. Do hạn hán, khoảng 1,000 gia đình ở Đắk Lắk thiếu nước sinh hoạt. Cũng bởi thiếu nước, nửa tháng qua, mỗi tuần, thành phố Buôn Ma Thuột chỉ cấp nước sinh hoạt trong ba ngày.
Ở Bình Phước, gần như toàn bộ giếng tại thị xã Đồng Xoài và các huyện: Đồng Phú, Chơn Thành, Bù Đốp, Lộc Ninh cũng đã trơ đáy. Dân chúng phải mua nước để ăn, uống với giá từ 70,000 đến 100,000 đồng/khối.
Xa hơn về phía Nam, cũng vì hạn hán nghiêm trọng, Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn của hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau đã nâng cảnh báo cháy rừng lên mức cao nhất.
Do mực nước ngọt tụt xuống, nước mặn từ biển đang lấn sâu vào đất liền. Theo Trung Tâm Khí Tượng Thủy Văn Kiên Giang, tại huyện Gò Quao, nước mặn đã xâm nhập sâu vào đất liền tới 35 cây số.
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Hòa, cục phó Cục Trồng Trọt, loan báo, mực nước và dòng chảy các sông ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên trong Tháng Mười Hai năm ngoái và Tháng Giêng năm nay giảm đi từ 40% đến 90%, dự đoán, sẽ có khoảng 16.000 héc ta đất ở Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam không có nước để tưới.
Trên thực tế, đến nay, đã có khoảng 10,000 héc ta lúa Đông Xuân ở Ninh Thuận và Khánh Hóa bị bỏ thí vì thiếu nước tưới.