Tây phương có câu ngạn ngữ “like rats abandoning a sinking ship” (tạm dịch là “như chuột bỏ chạy tàu chìm”). Họ tin là loài chuột có linh tính cao, biết trước tàu sẽ chìm nên bỏ chạy trước.
Sự tin tưởng này, ngày nay, về phương diện khoa học, xem ra không mấy đáng tin cậy. Tuy nhiên, về nghiã bóng thì nó gợi lên một hình ảnh đáng chán chường của một bầy những con người hèn hạ, ích kỷ, chỉ biết lo thân, “sống chết mặc bay”, kéo nhau bỏ chạy lấy thân trong những hoàn cảnh khó khăn.
Câu ngạn ngữ này áp dụng vào hoàn cảnh của xã hội Việt Nam hiện nay thật thích hợp: một con tàu cộng sản sắp chìm và một bầy chuột béo ních nác đang đua nhau bỏ chạy thoát thân.
Việt Nam cũng có một câu tục ngữ gần với câu ngạn ngữ nói trên, là “cháy nhà ra mặt chuột”. Đem nó áp dụng vào hoàn cảnh hiện nay cũng rất thích hợp tuy rằng bầy chuột đỏ đông nhung nhúc đã chường mặt ra từ lâu, và riêng vào thời điểm này thì chúng không còn húy kỵ, dè dặt hay kể gì đến liêm sỉ nữa.
Chuyện cán bộ cộng sản tham nhũng là chuyện loại “chuyện dài của loài cua”, “biết rồi nói mãi”, chẳng ai không biết. Tuy nhiên, trong tình trạng “tàu sắp đắm”, sự gia tăng cả về tần suất và cường độ của tham nhũng, vơ vét, của cán bộ cộng sản ở mọi cấp bậc mà sự lố bịch đã vượt quá sức “chịu đựng” khiến cho nhiều cán bộ CSVN phải ta thán, như trường hợp Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội mới lên tiếng gấn đây.
Ông Lê Như Tiến chất vấn ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng Thanh Tra Chính Phủ phải xác định trách nhiệm của chính ông ta và những giải pháp nhằm chặn đứng việc quan chức Nhà Nước chạy đua nước rút để thực hiện “những chuyến tàu vét cuối cùng trước khi hạ cánh với các hành vi phạm pháp như: hợp thức hóa tài sản nhà nước thành tài sản nhà mình, biến bất động sản công thành tư; đề bạt, bổ nhiệm không bình thường vào lúc xế chiều hàng loạt cán bộ công chức thân hữu vào bộ máy công quyền vì mục đích vụ lợi mà công luận đã từng lên án trong thời gian qua.”
Những thủ đoạn của cán bộ trước khi về hưu như ký lệnh thăng chức hàng loạt cho đàn em, đưa con cái họ hàng vào những trách vụ cao hay được thuyên chuyển chỗ làm tốt hơn, nhiều tiền hơn, tự ký lệnh mua đất đai, nhà cửa với giá quy hoạch của cơ quan, được cán bộ cộng sản các cấp đem áp dụng ồ ạt và lan tràn trong thời gian vừa qua chính là động lực khiến ông Lê Như Tiến phải lên tiếng vì không còn chịu đựng nổi nữa.
Nhưng, những màn chất vấn chung chung như kiểu ông Đại biểu Lê Như Tiến, chắc cũng chỉ là những tiếng kêu tuyệt vọng trong sa mạc vì biết chắc là sẽ chẳng đi đến đâu. Đồng thời những câu trả lời kiểu như của ông Tổng Thanh Tra Chính Phủ Huỳnh Phong Tranh, mà nội dung là vòng vo, hứa nhăng hứa cuội, mị dân cho qua, cuối cùng cũng chỉ là những màn diễn vô duyên và vô ích đã làm người nghe nhàm chán suốt nhiều năm qua.
Câu ghi chú của các ký giả Công Khanh – Phương Loan là “Câu hỏi của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội khiến nhiều đại biểu ở hội trường mỉm cười ý nhị” chắc cũng đã khiến cho nhiều người đọc bài viết cười ruồi như các Đại biểu Quốc hội vì chẳng ai còn lạ gì với những thủ thuật chuyền banh, đá qua đá lại để câu giờ của trong hệ thống cộng sản hầu tiếp tục kéo dài thời gian sống còn, vơ vét trong khi đời sống người dân và tình hình đất nước thì ngày một thê thảm hơn.
Vấn nạn của đất nước chúng ta là bầy chuột đỏ này ăn rất bạo và rất hỗn, và tốc độ ngày càng gia tăng ở giờ phút chúng biết là tàu sắp chìm. Mỗi một giờ một khắc qua là những khối tài sản to lớn của quốc gia dưới mọi hình thức, từ đất đai, ruộng vườn, nhà cửa, biệt thự, công quỹ, kể cả biển đảo của tổ tiên nhanh chóng lọt vào tay chúng và những quan thầy xâm lược Trung Cộng của chúng.
Đất nước hiện nay như một miếng phó-mát khổng lồ với một bầy chuột đỏ bu quanh ngày đêm đục khoét dưới sự bảo vệ của cả một hệ thống công an và côn đồ thô bạo được nuôi dưỡng bởi chính những mảnh vụn phó-mát do chúng ban phát.
Nếu một cuộc chuyển đổi lãnh đạo đất nước, chấm dứt cái chế độ ăn cướp này, không sớm xảy ra thì không chỉ riêng con tàu cộng sản sẽ chìm mà cả đất nước Việt Nam cũng sẽ cùng chung số phận.
Công tước người Pháp Joseph de Maistre, một luật sư, một nhà ngoại giao, văn sĩ và triết gia, vào đầu Thế Kỷ 19 đã có câu nói là “Toute nation a le gouvernement qu’elle merite” (tạm dịch là “Mỗi quốc gia có cái chính phủ mà họ đáng được có”).
Nghĩ đến câu nói trên của ông J.de Maistre và nghĩ đến hoàn cảnh đất nước mình thì không thể không xót xa. Chẳng lẽ người dân Việt Nam chỉ đáng được có một cái chính phủ là cái chính phủ cộng sản hiện nay hay sao?
Đến bao giờ thì người dân mới nhất định cùng đứng dậy dứt khoát nhận chìm luôn con tàu cộng sản đã sắp đắm trước khi cả đất nước lọt vào tay Trung Cộng vào năm 2020 theo sự sắp xếp từ bấy lâu của bầy chuột đỏ?