Trong hội thảo góp ý nhằm hoàn thiện cơ chế giám sát thực hiện quyền trẻ em tại Việt Nam, do Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) tổ chức, bác sĩ Nguyễn Trọng An- nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em- có đề cập tới việc thực hiện Quyền trẻ em tại Việt Nam.
Bác Sĩ An đưa ra trường hợp 3 trẻ em sơ sinh chết tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa -Quảng Trị vào ngày 20 tháng 7 năm 2013 do tiêm nhầm thuốc. Từ đó đến nay đã có 39 ca tử vong nghi ngờ có liên quan đến thuốc chủng.
Từ đó, người dân càng ngày càng thiếu tin tưởng vào chương trình tiêm chủng của nhà nước, đi tiêm ở những phòng tư nhân với giá cao. Vì thế, trẻ em gia đình nghèo chịu thiệt thòi, bất bình đẳng.
Cũng theo ông An, nhiều trường hợp tai biến gây tử vong do tiêm chủng thuốc chủng, tuy nhiên không có trường hợp nào được ngành Y tế công nhận do thuốc chủng.
Những tai biến sau tiêm thường được các hội đồng chuyên môn kết luận do trùng lặp với bệnh sẵn có của trẻ, do trẻ sinh non hoặc có trường hợp tử vong do sặc sữa, không phải do tiêm.
Ông An cho rằng nhà nước cần phải có giám sát độc lập nhằm minh bạch trách nhiệm, bảo đảm trẻ em có quyền được sống và được hưởng dịch vụ y tế tốt. Nhà nước cũng phải có trách nhiệm làm sáng tỏ, đền bù thiệt mạng theo luật chăm sóc sức khỏe người dân.
Thực tế hiện nay là ngành Y tế vừa tổ chức đấu thầu mua thuốc chủng, vừa kiểm định chất lượng, vừa tổ chức tiêm chủng. Nếu xảy ra tai biến, chính họ sẽ điều tra, khám nghiệm tử thi, rồi kết luận và công bố kết quả. Đây là tình trạng vừa đá banh, vừa thổi còi của ngành Y tế Việt Nam. Và cũng là tình trạng chung của một chế độ độc tài toàn trị.