Sáng nay, 20-10-2015, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá 13 đã khai mạc tại Hà Nội và dự trù kéo dài đến 28-11.
Theo chương trình, kỳ họp lần này Quốc hội dự kiến sẽ thảo luận thông qua 18 luật và 14 nghị quyết gồm: Bộ luật Dân sự (sửa đổi), bộ luật Hình sự (sửa đổi), bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Luật trưng cầu ý dân, Luật về phí, lệ phí… Ngoài ra, Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến vào 8 dự luật khác như: Luật về hội; Luật báo chí (sửa đổi); Luật tiếp cận thông tin; Luật tín ngưỡng tôn giáo; Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi)…
Vào ngày 2 và sáng ngày 3-11, người dân có thể theo dõi trực tiếp qua truyền hình phiên thảo luận của Quốc hội ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016. Hai tuần sau đó, vào các 16, 17 và sáng 18-11 là phần chất vấn và trả lời cũng được trực tiếp phát hình cho dân chúng theo dõi.
Theo nhận định của Ts. Phạm Chí Dũng, nhà báo độc lập VN, dựa trên chương trình kỳ họp thứ 10 của Quốc hội được công bố thì “Nhân quyền đang sang trang mới: Việt Nam chính thức công nhận Xã hội dân sự”. Ông Dũng cho biết tại cuộc họp báo công bố chương trình hôm qua 19-10, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chính thức dùng từ “xã hội dân sự” khi thông báo “Quốc hội sẽ bàn nhiều luật liên quan đến xã hội dân sự”. Các dự án luật liên quan đến xã hội dân sự mà Quốc hội sẽ bàn tại kỳ họp này được ông Phúc nhắc đến như Luật Về hội, Luật tôn giáo tín ngưỡng… Ban hành các đạo luật về xã hội dân sự, theo ông Phúc xác nhận là để triển khai thực hiện các nội dung quan trọng của Hiến pháp.