Trung Quốc Xua Hàng Vạn Tàu Cá Xuống Biển Đông
Tin từ trang mạng của Cục hải sự quốc gia Trung Quốc thì kể từ 12h ngày 01-8 lệnh cấm đánh bắt cá tại khu vực biển Đông sẽ chính thức kết thúc, tất cả tàu cá thuộc các tỉnh duyên hải như Hải Nam, Quảng Tây, Quảng Đông được phép ra khơi đánh bắt cá. Theo Tân Hoa Xã Trung Quốc ngày 31-7 đưa tin, hiện tất cả tàu cá đánh bắt ở biển Đông đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc ra khơi, chỉ tính riêng tỉnh Hải Nam- tỉnh có diện tích rộng nhất giáp biển Đông đã có tới 9000 tàu đánh bắt xa bờ đang chờ ‘tiếng còi” kết thúc lệnh cấm, để ồ ạt ra khơi trưa ngày 1/08.
Xin nhắc lại kể từ năm 1999, Trung Quốc hàng năm đều đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá tại biển Đông, có hiệu lực kể từ ngày 16-5, kéo dài từ Quảng Tây đến Phúc Kiến, bao gồm cả khu vực biển Vịnh Bắc Bộ, nơi Trung Quốc tự cho là thuộc chủ quyền của mình – nuốt trọn 80% diện tích biển Đông, bất chấp phản ứng của các nước xung quanh khu vực. Trong thời gian này, cảnh sát biển Trung Quốc cùng các lực lượng ngư chính, hải giám thường xuyên tăng cường tuần tra trên biển Đông, nếu gặp tàu cá nước ngoài họ thường quấy nhiễu tịch thu tàu thuyền, ngư cụ và thủy hải sản trên tàu.
Ngoài ra vào tháng 1-2014, chính quyền tỉnh Hải Nam Trung Quốc, cũng đã đơn phương áp dụng “Luật ngư nghiệp” mà tỉnh này đã tự “vẽ” ra. Theo đó, yêu cầu tàu nước ngoài khi đi vào vùng biển gần Hải Nam, cũng như để thực hiện các hoạt động đánh bắt cá hay điều tra tài nguyên ngư nghiệp tại đây phải được sự cho phép của cơ quan quản lý có liên quan của Trung Quốc.
Vin vào luật này, nhà chức trách Trung Quốc cho phép các tàu chấp pháp của họ quyền tịch thu sản phẩm ngư nghiệp, ngư cụ, phạt tiền lên đến 500.000 nhân dân tệ nếu tàu của nước ngoài đi vào vùng biển này.
Cùng với nguồn tài nguyên Ngư nghiệp tại các vùng biển gần đang ngày càng cạn kiệt, hiện nay ngư dân Trung Quốc cũng đang tiến ra các khu vực biển xa trên biển Đông, tìm kiếm các ngư trường mới, đồng thời để khẳng định chủ quyền.
Như vậy, với việc động viên và tài trợ ngư dân nhằm tạo ra những đội tàu cá hùng mạnh vươn khơi đánh bắt trong các vùng biển tranh chấp, đã trở thành một “chính sách” nhất quán của chính quyền Trung Quốc, chứ không còn là những quyết định mang tính chất cơ hội, và nó được xuất phát từ cả các lý do địa chính trị lẫn kinh tế, thương mại. Hiện nay Trung Quốc đã triển khai biên đội “Hàng không mẫu hạm ngư nghiệp” hay còn gọi là “Hạm đội hỗn hợp ngư nghiệp đặc biệt”.
Với sự hỗ trợ của biên đội này, hàng trăm tàu cá Trung Quốc sẽ có thời gian bám biển tới 9 tháng nhằm ngăn chặn tàu cá, thậm chí là tàu chấp pháp các nước để độc chiếm ngư trường, tuyên bố chủ quyền trên biển. Có thể nói đây là một chiêu bài rất thâm hiểm, và chắc chắn chính quyền Bắc Kinh sẽ đẩy mạnh hơn nữa nhằm hiện thực hóa chính sách này trong những năm tới đây, hòng hiện thực hóa “đường 10 đoạn” mà họ đã tự vẽ ra.
Phong trào bao vây công an để phản ứng nạn bạo hành lan ra khắp nơi
Một báo cáo mật từ Bộ công an CSVN, được tiết lộ từ một sĩ quan ẩn danh, cho biết các quan chức chóp bu của CSVN đang có vẻ lo ngại tình hình ngày càng nhiều vụ dân chúng tức giận, bao vây các công an, khi xảy ra nạn công an bạo hành với dân chúng.
Được biết bản báo cáo này, đã được tướng công an Trần Đại Quang xem qua vào ngày 22 tháng 7 ở Việt Nam, và phân công cho cấp dưới gấp rút tìm biện pháp để làm dịu tình hình, tránh xảy ra những xung đột lớn giữa dân chúng và công an như ở Trung Cộng gần đây.
Tình trạng công an CSVN ở mọi cấp đang lạm quyền, đánh dân, bắt giữ và thậm chí giết hại vô cớ đã trở thành những sự kiện liên tục, gây nhức nhối trong lòng dân chúng từ hơn 2 năm qua. Khoảng hơn một tháng nay, ở Việt Nam đang bắt đầu bùng phát các hiện tượng đám đông dân chúng bắt giữ các công an viên CSVN bạo hành với người dân và đòi phải giải quyết cho ra lẽ.
Báo cáo ghi nhận, thoạt đầu thì những trường hợp này xảy ra chỉ có dăm ba người lên tiếng phản ứng, nay thì đám đông đã nhanh chóng tập trung lên đến hàng trăm người và diễn ra ở nhiều nơi.
Sự kiện mới nhất là ngày hôm 21 tháng 7, hàng trăm người dân đã vây bắt 2 cảnh sát giao thông, khi hai tên này rượt đuổi một học sinh, bẻ tay và đánh đập em giữa đường phố.
Trước đó, một sự kiện xảy ra ở Kontum cũng gây nhiều chú ý khi công an rượt theo 2 em nhỏ, đã bị đám đông dân chúng vây lại hàng giờ, khiến một nhóm cứu viện phải kéo đến để giải cứu.
Điều đáng chú ý, là từ thái độ thần phục giới công an, gần đây, báo chí trong nước đang đổi giọng và thậm chí lên tiếng chỉ trích nặng nề các trường hợp công an CSVN bạo hành với dân chúng. Đây là một tình huống cho thấy sự tức giận và đè nén của dân chúng đã dâng cao đến mức báo chí không còn đủ can đảm nói một chiều, bịt mắt phục vụ cho bạo quyền của chế độ.
Một trong những tờ báo mà người ta nhìn thấy chỉ có một lối nói tuyên truyền cho chính quyền là tờ Petro Times, cũng đã lên tiếng đòi làm rõ các trường hợp công dân bị giải về đồn công an và chết một cách vô lý. Tất cả những chuyển động này cho thấy lòng dân ngày càng oán hận, và sự sợ hãi bạo quyền cũng đã không còn.
Vỡ đập thủy điện Krel 2, nước lũ tràn ngập, thiệt hại nặng nề
Vào khoảng 7 giờ sáng ngày 1/08 đập thuỷ điện Ia Krel 2 do công ty Bảo Long thi công trước đây đã bị vỡ, khiến lũ lụt tràn ngập xã Ia Dom, thuộc huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai.
Hai phụ nữ may mắn được cứu thoát giữa giòng nước lũ, thoát chết trong ganh tấc. Một trong hai người này là bà Y Dung, 50 tuổi, thoát chết nhờ kịp trèo lên cây cao ở cách bờ khoảng 300m, phía dưới là giòng nước chảy siết, sâu hơn 2m so với mặt đất. Tuy nhiên, phải chờ cho đến khi nước rút dần, người cứu nạn mới đến được địa điểm, đưa bà Y Dung đến nơi an toàn. Người phụ nữ kia được giải cứu sớm hơn nhờ đứng ở một địa điểm gần bờ.
Theo người đứng đầu công ty xây dựng đập thuỷ điện, đập bị vỡ vì mưa lớn, nước đổ về với lưu lượng quá lớn. Được biết, đập thuỷ điện Ia Krel 2 đã vỡ một lần vào giữa năm 2013 nhấn chìm hơn 200 ha hoa màu trong biển nước. Lần này đập lại vỡ, tại nơi đã vỡ hồi năm rồi.
Theo báo Dân Việt, lần vỡ đập này còn đáng sợ hơn lần đầu tiên, vì nước lũ tràn ngập vùng hạ du với tốc độ rất nhanh, khiến hàng chục gia đình dân làng chỉ kịp tháo chạy, mà không mang theo được bất kỳ tài sản nào trong nhà.