Dân Trần (VNTB)
Ông Lê Thành Long, phó thủ tướng vừa trình Quốc hội để xin đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030. Tổng vốn thực hiện chương trình hơn 22.450 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương hơn 17.725 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương hơn 4.674 tỷ đồng và vốn huy động hợp pháp khác dự kiến 50 tỷ đồng.
Lý do mà ông phó thủ tướng đưa ra để xin 22.450 tỷ này là vì “tình hình ma túy thế giới, khu vực và các nước láng giềng ngày càng phức tạp, nghiêm trọng, tác động trực tiếp, làm gia tăng nguy cơ, áp lực đối với công tác phòng, chống ma túy ở nước ta”. Cho nên ông Long cho rằng phải xây dựng “chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 được xây dựng nhằm tuyên truyền phòng ngừa; đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy; cai nghiện ma túy, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và quản lý sau cai nghiện”. (1)
Phòng chống ma túy và tội phạm ma túy trước nay vẫn do lực lượng công an đảm nhiệm, và quân đội, biên phòng quản lý tội phạm tại biên giới, dĩ nhiên là cũng có các cơ quan báo chí tuyên truyền, các cơ sở cai nghiện. Đây là công việc mà những lực lượng này được giao và đã có tiền lương rõ ràng chứ không phải làm không công, nên bây giờ xin thêm 900 triệu đô-la sử dụng từ nay tới năm 2030 thì quá vô lý. Người dân nghĩ ngay tới chuyện tham nhũng, vẽ dự án để kiếm tiền, vì từ nay tới 2030 chỉ có 6 năm. Mà trong 6 năm đó liệu có xử lý hết nạn ma túy không?
Chưa kể là đã có nhiều vụ án hình sự chứng tỏ lực lượng chức năng như công an đã tiếp tay cho việc buôn bán ma túy, thậm chí công an chính là người bán ma túy. Như vụ Nguyễn Văn Hưng (cán bộ công an phường Đức Giang) và Hà Minh Đức (cán bộ đội Cảnh sát Điều tra về tội phạm ma túy quận Long Biên, Hà Nội) đã dùng xe hơi của công an phường để vận chuyển mua bán gần 137 ký ma túy. Những phi vụ mua bán ma túy xuyên biên giới cũng không thiếu phần của quân đội, biên phòng.
Công an và quân đội có tổng cộng cả triệu người từ chính quy, tại ngũ, bán chuyên. Cùng với đó là mỗi năm ngân sách đa phải chi ra gần 300.000 tỷ cho hai nhóm này. Nếu họ làm đúng nhiệm vụ thì đã không có chuyện ma túy hoành hành ở Việt Nam.
Chưa hết, theo tờ trình của phó thủ tướng thì có đối tượng thụ hưởng của chương trình 900 triệu đô la này là “người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma túy, người tham gia điều trị nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy và người vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy thuộc diện được trợ giúp pháp lý”. Đặc biệt, các tổ chức, cá nhân có liên quan thuộc các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy; cai nghiện ma túy; điều trị nghiện ma túy và tham mưu, quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy; cộng đồng người dân Việt Nam… cũng là đối tượng thụ hưởng. (1)
Tức là ngoài người nghiện, người cai nghiện, thì công an, quân đội, tuyên giáo, y tế, cán bộ quản lý nhà nước cũng sẽ được chia phần trong miếng bánh 900 triệu đô này. Tiền thì cứ chi vô tội vạ, nhiệm vụ thì làm không xong, còn tiếp tay cho tội phạm thì đề án này hết sức vô lý. Thay vì vậy thì phải có biện pháp xử lý những kẻ tiếp tay cho tội phạm kia để cán bộ làm đúng, làm tốt chức năng của họ, thì tội phạm nào sống nổi ở Việt Nam.
Chưa hết, theo đánh giá của nhà chức trách thì số tiền 900 triệu đô này là không lớn so với các chương trình mục tiêu quốc gia khác như chấn hưng văn hóa, xóa đói giảm nghèo… nhưng mục tiêu đề ra thì rất cao, khó thực hiện như “100% điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ ma túy được phát hiện, triệt phá”. Vậy câu hỏi đặt ra là nếu năm 2030 mà không thực hiện được chỉ tiêu, thì ai chịu trách nhiệm, xử lý như thế nào? Hay là cứ để tiền mất tật mang theo đúng nghĩa đen: 900 triệu đô thì hết, mà người nghiện thì càng ngày càng đông?
___________________
Tham khảo: