Thời bình mà tướng tá ngồi lâu làm gì?

- Quảng Cáo -

Dân Trần (VNTB)

Càng thăng cấp cao, càng tham nhũng nhiều, cho nên họ mới tìm cách xin được ở lại quân ngũ càng lâu càng tốt 

Chính phủ CSVN vừa có đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu và thăng quân hàm, tăng lương với sĩ quan quân đội. Giải thích về vấn đề này, ông Phan Văn Giang, đại tướng, bộ trưởng Quốc phòng cho răng nâng tuổi nghỉ hưu là để đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội, giúp các sĩ quan đạt mức lương hưu tối đa.

Dự luật mới này sẽ tăng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan quân đội ở hầu hết cấp bậc quân hàm. Trong đó, sĩ quan phục vụ tại ngũ, với cấp úy, chính phủ đề xuất tăng từ 46 lên 50 tuổi, cấp thiếu tá từ 48 lên 52 tuổi, trung tá từ 51 lên 54 tuổi, thượng tá từ 54 lên 56 tuổi. Với đại tá quy định hiện hành nam là 57 và nữ 55 tuổi được đề xuất cùng lên 58 tuổi. Với cấp tướng, quy định hiện hành nam 60 và nữ 55 thì với dự luật mới, tuổi của nam giữ nguyên, nhưng với nữ đề xuất tăng thêm 5 tuổi lên 60 tuổi. (1)

- Quảng Cáo -

Hiện nay Việt Nam có khoảng 332 tướng quân đội, theo luật hiện hành thì số lượng tướng lĩnh quân đội không được quá 415 người. Giai đoạn từ 2016 tới 2021 có 400 sĩ quan quân đội được chủ tịch nước thăng lên cấp tướng. Trước đó, thống kê năm 2014, quân đội CSVN có 489 tướng, gấp 13 lần so với con số 36 tướng lĩnh (Việt cộng) hồi trước 1975. Đó là chưa tính tới các sĩ quan cấp tá.

Nếu tính từ sau khi Trung Quốc ngưng xâm lược, và Việt Nam rút quân khỏi Campuchia, thì đất nước đã trải qua khoảng 35 năm hòa bình. Không chiến tranh, nhưng tướng lĩnh thì càng ngày càng đông. Và đến bây giờ thì họ lại muốn tăng thêm tuổi tại ngũ ngồi thêm lâu hơn nữa.

Trên thực tế, quân đội thời gian qua không cần chinh chiến, nên lâu nay lại chuyển qua làm kinh tế, kinh doanh. Việt Nam có ngân hàng Quân đội (MBBank) thuộc bộ Quốc phòng quản lý. Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel cũng do bộ quốc phòng quản lý, chủ tịch kiêm tổng giám đốc tập đoàn này thường là thiếu tướng quân đội, hiện nay thiếu tướng Tào Đức Thắng đang giữ vị trí này. Ngoài ra còn có bảo hiểm Quân đội, chứng khoán quân đội…

Dĩ nhiên, không phải đơn vị nào cũng có nguồn thu từ kinh doanh, làm kinh tế. Các lực lượng quân sự đồn trú khu vực biên giới sẽ có nguồn thu từ việc bắt (hoặc tiếp tay) cho tội phạm buôn lậu. Thời gian qua các khu vực biên giới phía Tây Nam thường xuyên có buôn lậu xăng dầu, vàng, thuốc lá, do chênh lệch thuế giữa Việt Nam và phía Campuchia khá lớn. Hoặc ở biên giới phía bắc thì người Việt cũng vận chuyển hàng lậu từ Trung Quốc sang. Ở biên giới với Lào thì là buôn lậu ma tuý từ tam giác vàng về. Ngoài biển thì là nhập lậu xăng dầu. Tất cả các hoạt động này đều có sự tiếp tay của lực lượng biên phòng. Đây cũng là nguồn thu chủ yếu của các sĩ quan quân đội.

Ngoài ra các sĩ quan quân đội CSVN cũng được biết tới với nhiều chiêu trò như bắt bộ đội, lính nghĩa vụ phải trồng rau, nuôi heo với danh nghĩa “cải thiện chất lượng bữa ăn”. Nhưng thực tế là ăn bớt, ăn xén tiền khẩu phần lính nghĩa vụ, bớt xén quân nhu.

Càng thăng cấp cao, càng tham nhũng nhiều. Chính vì vậy họ mới tìm cách xin được ở lại quân ngũ càng lâu càng tốt, không phải chỉ vì mấy đồng tiền hưu, mà là vì những nguồn lợi rất lớn khi được tại vị. Có thông tin các sĩ quan muốn được thăng từ thượng tá lên đại tá, hoặc từ đại tá lên tướng thì phải chi hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng hối lộ.

Trong thời bình mà ngồi lâu ăn tiền thuế của dân thì rõ ràng sĩ quan quân đội chỉ là loại sâu dân mọt nước. Nếu thật sự có tài, có tâm với đất nước, thì tới tuổi là phải chủ động xuất ngũ, về vườn làm người tử tế. Sĩ quan quân đội ở độ 50 tuổi mà không có chiến công, không có kinh nghiệm chiến đấu thì về vườn chứ cố gắng ở lại làm chi cho tốn kém ngân sách quốc gia!

____________________

Tham khảo:

(1) https://tuoitre.vn/de-xuat-tang-tuoi-nghi-huu-thang-quan-ham-nang-luong-truoc-thoi-han-cua-si-quan-quan-doi-20241028063357478.htm

- Quảng Cáo -