Nguyễn Công Bằng
Chính trường Việt Nam vừa qua đã xuất hiện nhiều yếu tố gay cấn, khó đoán. Liên tiếp những thông tin mới được đưa ra nhỏ giọt, khiến cho giới quan tâm càng thêm chú ý. Mặc dù Đảng Cộng sản – Đảng duy nhất nắm quyền cai trị đất nước Đông Nam Á này, luôn rêu rao những “khẩu hiệu tuyên truyền rẻ tiền là Đảng “đoàn kết, thống nhất” hay như ông Nguyễn Phú Trọng hay nói “tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, tuy nhiên, hiện thực chính trường Việt Nam đầy rẫy sự lừa lọc, trí trá, đấu đá, tiêu diệt nhau mà cụ thể là 2 Chủ tịch nước, một Chủ tịch Quốc hội, một Trưởng ban Tổ chức Trung ương kiêm Thường trực Ban bí thư, một Trưởng ban Kinh tế Trung ương phải từ chức, chưa kể rất nhiều các Bộ trưởng, Thứ trưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Trung ương Đảng phải vào tù, chỉ vì giành giật quyền lợi chính trị của các phe phái trong Đảng.
Chỉ mới ngày 18/5, báo chí trong nước loan tin ông Tô Lâm đã được giới thiệu vào chức vụ Chủ tịch nước và ông Trần Thanh Mẫn được giới thiệu vào chức vụ Chủ tịch Quốc hội.
Ngay ngày 20/5, ông Trần Thanh Mẫn đã giơ tay tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Quốc hội. Còn ông Tô Lâm, dự định ngày 22/5 sẽ tuyên thệ nhậm chức.Sáng 19/5 Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường lại thông báo một tin động trời, đó là Quốc hội lần này chưa có kế hoạch miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Công an của ông Tô Lâm.
Dư luận hết sức ồn ào vì ông Tô Lâm đột nhiên giữ cả hai ghế với hai vị trí rất khác nhau, vừa là Bộ trưởng Công an tức là một thành viên trực thuộc Chính phủ, dưới quyền của Thủ tướng Phạm Minh Chính, tuy nhiên lại cũng vừa là Chủ tịch nước – cơ quan cấp trên của Chính phủ, giữ vị trí là Nguyên thủ quốc gia. Nhiều người nghe được tin này cảm thán là Lâm giáo đầu vẫn còn “mạnh như súng” khi vẫn nắm được cái ghế Bộ trưởng Công an đầy quyền lực, nắm quyền sinh sát của biết bao nhiêu nhân vật cao cấp trong Đảng, Chính phủ và Nhà nước Việt Nam.
Thế nhưng đùng một cái, chiều nay 21/5, báo chí Việt Nam lại đưa tin động trời tiếp, đó là “Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã trình bày tờ trình điều chỉnh chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV để thêm nội dung miễn nhiệm chức vụ bộ trưởng Bộ Công an đối với ông Tô Lâm, người được Trung ương giới thiệu để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.”
Như vậy là cái ghế Bộ trưởng Công an, như một thanh kiếm sắc bén trong tay chế độ, sẽ sớm rời khỏi tay ông Tô Lâm.
Như trong một số bài báo kỳ trước, chúng tôi có trình bày và mô tả về chiến cuộc trong chính trường Việt Nam hiện nay, mà cụ thể là hai ông Tô Lâm và ông Nguyễn Phú Trọng đang chơi cờ vây với nhau. Lẽ dĩ nhiên ông Trọng ở vị trí cao hơn, nắm nhiều lợi thế hơn. Ông Trọng là Tổng Bí thư, và đã rút kinh nghiệm sau khi thất bại năm 2012 trước ông Nguyễn Tấn Dũng nên nhiệm kỳ tiếp theo, ông ta đã tìm cách chặt bớt chân rết của nhóm Công an và Quân đội, thông qua yêu cầu tự sắp xếp lại. Ông Trọng cũng nằm trong Ban thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương mà ông Tô Lâm là Bí thư. Đặc biệt, ông Trọng cũng đảm nhiệm Bí thư Quân uỷ Trung ương, tức là nắm vị trí cao nhất trong quân đội – lực lượng có đủ sức để kiềm chế lại sức mạnh của Công an.
Ông Tô Lâm hiểu rằng, nếu khi ông ta rời ghế Bộ trưởng Công an, mà người tâm phúc của ông ta không tiếp quản được cái ghế này thì sớm muộn gì ông ta cũng bị “bức tử” như những gì chính ông Tô Lâm đã làm với Nguyễn Xuân Phúc trước đây. Chính vì vậy, từ khi ông Nguyễn Xuân Phúc ra đi, ông Tô Lâm đã được đề cử lên chức vụ này, nhưng ông Tô Lâm không dám nhận vì không có Thứ trưởng Bộ Công an nào, vốn là người tâm phúc của ông ta được ông Trọng chấp thuận trở thành Bộ trưởng kế tiếp.
Ngay trong kỳ họp Hội nghị Trung ương 9 vừa qua, cả hai ông Thứ trưởng Bộ Công an là Lương Tam Quang và Nguyễn Duy Ngọc đều không được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị, vì thế cái ghế Bộ trưởng Công an trở nên xa vời với hai ông này.
Việc bất ngờ bổ sung nội dung miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Công an của ông Tô Lâm đã cho thấy ông này đang đứng trước những thách thức không nhỏ. Hiện nay, người ta đồn đoán nhiều ứng viên khác nhau cho chức vụ Bộ trưởng Công an. Có người cho rằng ông Trần Quốc Tỏ – Thứ trưởng thường trực Bộ Công an, em trai của Cố Chủ tịch Trần Đại Quang sẽ lên nắm Quyền Bộ trưởng Công an cho tới năm 2026.
Với việc không bầu bổ sung thành viên của Bộ Chính trị, theo quy định thì Bộ trưởng Công an phải là Uỷ viên Bộ Chính trị, chính vì thế, khả năng một trong các Uỷ viên Bộ Chính trị đương nhiệm sẽ được điều động để nắm giữ chức vụ này.
Chiều nay, Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà, người nổi tiếng là thạo tin cung đình, còn được biết đến với cái tên Cô gái Đồ Long trước kia, đã cho biết trên FB của mình (mặc dù không nói trực tiếp ra), có ba ứng viên sáng giá cho chức vụ Bộ trưởng Công an sắp tới. Đó là, theo thứ tự ưu tiên: 1. Phan Đình Trạc – Trưởng ban Nội chính Trung ương; 2. Trần Cẩm Tú – Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, người đã đắc lực phò tá ông Trọng tiêu diệt nhiều đối thủ chính trị trong suốt thời gian qua, và 3. Nguyễn Văn Nên – Bí thư Thành uỷ Thành phố Sài Gòn. Trong ba ông này, ngoại trừ ông Trần Cẩm Tú không thể hiện trong lý lịch đã từng là công an. Còn lại ông Trạc và ông Nên đều đã từng hoạt động trong ngành công an trước khi sang lĩnh vực khác.
Cả ba ông này đều là người thân tín và được ông Trọng tin dùng. Ông Trạc và ông Tú đã sát cánh với ông Trọng trong công cuộc đốt lò, còn ông Nên đã kinh qua chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ rồi sau này làm Chánh văn phòng Trung ương Đảng, vị trí luôn tiếp xúc với Tổng Bí thư Trọng.
Đây có lẽ là nước cờ cao tay của ông Trọng nhằm chặt đứt các liên hệ của ông Tô Lâm với các lực lượng sức mạnh trong Bộ Công an. Nếu một trong ba ông này giữ chức Bộ trưởng Công an thì có thể nói “ngày tàn của bạo chúa Tô Lâm” đã đến.
Tuy nhiên, chúng ta cứ chờ xem ai sẽ là người chiến thắng trong canh bạc đầy nguy hiểm này? Ông Trọng hay Lâm giáo đầu? Có lẽ chỉ một thời gian ngắn nữa là màn kịch này sẽ hạ màn. Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp, đánh giá và phân tích các diễn biến tiếp theo của màn kịch gay cần này đến với quý vị độc giả trong các số báo tới.