TS Phạm Đình Bá (VNTB)
Nên nhớ là sức mạnh của doanh nghiệp tư nhân là động cơ thúc đẩy sự phát triển đất nước trong gần 50 năm nay, không phải là kinh tế bao cấp mà ĐCSVN lúc nào cũng muốn tiếm nhận.
Trên trang VNTB, anh Nguyễn Huỳnh trình bày dữ liệu từ nhiều nguồn để suy luận rằng Việt Nam càng hội nhập vào chuỗi liên kết thế giới thì càng phụ thuộc vào Trung Quốc, đặc biệt tổng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc của Việt Nam trong quý 1/2024 tăng gần 30% so với tổng kim nghạch năm 2023. [1]
Sự phụ thuộc này có hai nguyên nhân. Thứ nhất, hàng hóa và dịch vụ trên thị trường Việt Nam được nhập khẩu toàn bộ hoặc một phần từ Trung Quốc để tiêu thụ trong nước. Thị trường nội địa bị chị phối mạnh bởi hàng Trung Quốc, với 80% thương hiệu gia dụng ở Việt Nam có nguồn đến từ Trung Quốc. [1]
Thứ hai, một số hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đang trong quá trình quá cảnh, có hoặc không có gia công ở Việt Nam để gia tăng giá trị, để rồi xuất khẩu sang các nước đặt rào cản thương mại đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, chẳng hạn như Hoa Kỳ. Trong kịch bản thứ hai nầy, Việt Nam đóng vai trò là cột mốc trong chuỗi trốn xuất khẩu sang Hoa Kỳ từ Trung Quốc, chủ yếu là để tránh sự giám sát chặt chẽ hoặc thuế quan từ Hoa Kỳ với hàng hóa từ Trung Quốc. [2]
Dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), sự phụ thuộc của Việt Nam vào Trung Quốc có có phần gia tăng cường độ theo thời gian. Gần đây, những bất ổn chính trị của Việt Nam cho thấy sự chuyển hướng sang Trung Quốc – và rời xa phương Tây. Trong cuộc tranh giành quyền lực trong ĐCSVN, rõ ràng hơn bao giờ hết là giới lãnh đạo cứng rắn mới của Đảng không quan tâm đến việc đối đầu với Trung Quốc hay tham gia liên minh các nước trong khu vực và toàn cầu để ngăn chận sự bành trướng ảnh hưởng và tham vọng từ Trung Quốc. [3]
Giới lãnh đạo cứng rắn trong ĐCSVN đặt ưu tiên vào việc kiểm soát xã hội và duy trì độc đảng hơn là vào sự phát triển đất nước. Từ hơn năm năm qua, chúng nhất quán trong việc bỏ tù các nhà hoạt động ủng hộ nhân quyền và xã hội mở, gần đây nhất là những người điều hành trang “Nhật ký yêu nước”, đặc biệt là nhà hoạt động Phan Tất Thành với bản án 8 năm tù. [4]
Khuynh hướng kiểm soát và độc tài độc đảng toàn trị của giới lãnh đạo cứng rắn trong ĐCSVN dần dần được khẳng định trong quan hệ quốc tế, với các nước phát triển hiện nay đã hiểu rõ rằng cái gọi là “ngoại giao cây tre” và nguyên tắc 4-không của ĐCSVN (tránh xung đột về quân sự; tránh bị cô lập về kinh tế; tránh bị cô lập về ngoại giao; tránh bị lệ thuộc về chính trị) thực ra chỉ là nói một đàng làm một nẻo của một nhóm lấy nói láo mãn tính làm chính sách quốc gia, nhưng thực chất là chúng chưa bao giờ dám đi trái chính sách đối ngoại của ĐCSTQ. Ở đây cần neo rõ vai trò của xã hội dân sự, cụ thể là Project 88, trong việc vạch mặt sự dối trá của nhóm lãnh đạo cứng rắn ở ĐCSVN để toàn thế giới thấu hiểu về sự lươn lẹo của chúng. [5]
Bên cạnh cái nghịch lý “nói một đàng làm một nẻo” của độc tài độc đảng toàn trị trong quan hệ quốc tế là sự tương phản giữa giặc nội xâm – bọn lãnh đạo cứng rắn trong ĐCSVN đang bán đứng chủ quyền đất nước và toàn vẹn lãnh thổ – và toàn bộ dân mình, cụ thể qua những cuộc biểu tình chống TQ trên khắp nước những năm gần năm 2015. Lịch sử dân tộc là tiềm ẩn lòng yêu nước sâu xa và thái độ không khoan nhượng của dân đối với giặc nội xâm tiếp tay cho giặc phương Bắc trong âm mưu thôn tính đất nước.
“Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có”, đó là điều khẳng định của tiền nhân Nguyễn Trãi trong Bình Ngô Đại Cáo gần 600 năm trước.
Để khỏi phụ tấm lòng của tiền nhân, chúng ta có thể cụ thể làm gì để chống giặc nội xâm?
Những biến chuyển chính trị trong cuộc đấu đá trong nội bộ ĐCSVN cho thấy nhóm cứng rắn với nhân sự từ ngành công an đang lấn áp nhóm khác, tạm gọi là nhóm thích phát triển kinh tế thay vì ưu tiên đầu là kiểm soát xã hội. Những diễn biến gần đây rõ rệt có lợi cho giặc nội xâm hiện nay. Tuy thế “ở nơi nào có đàn áp, ở nơi ấy có đấu tranh”, ngay cả trong nội bộ đảng của chúng.
Với quyền kiểm soát toàn bộ đảng và các thể chế khác, giặc nội xâm sẽ phải chịu trách nhiệm với việc phát triển đất nước trong những năm tới. Với quá trình làm việc của chúng trong những năm gần đây, khả năng là chúng sẽ thất bại với đất nước thụt lìu hơn nữa so với các nước trong khu vực. Về thể chế chính trị, triển vọng là nhóm muốn phát triển kinh tế trong đảng của chúng sẽ có cơ hội thay thế nhân sự công an sau khi nhóm công an nầy không thể đáp ứng được sự mong đợi của dân, thất bại của chúng sẽ dần dần lộ rõ.
Về kinh tế, với sự phụ thuộc vào Trung Quốc hiện nay, doanh nghiệp tư nhân có cơ hội lớn để làm việc và tạo dựng hàng hóa và dịch vụ thay thế cho hàng nhập từ Trung Quốc. Ví dụ như cách phân tích kỹ sự phụ thuộc nầy và tìm ra các giải pháp thay thế với hàng hóa và dịch vụ làm ra từ sự thông minh, cần cù và và kiên cường trong việc theo đuổi các lựa chọn thay thế.
Nên nhớ là sức mạnh của doanh nghiệp tư nhân là động cơ thúc đẩy sự phát triển đất nước trong gần 50 năm nay, không phải là kinh tế bao cấp mà ĐCSVN lúc nào cũng muốn tiếm nhận. Tuy doanh nghiệp tư nhân phải đối mặt với khó khăn do thể chế từ giặc nội xâm hiện nay, nhưng quá trình phát triển đất nước dưới sụ lãnh đạo của doanh nghiệp tư nhân trong lòng dân tộc sẽ tiếp tục, và trong tương lai, sẽ có thể bùng phát và đột phá lên một mức cao hơn hẳn hiện nay.
Về văn hóa, những điểm mạnh của chúng ta so với giặc nội xâm là đáng kể. Mặc dù với sụ phá hoại giáo dục của giặc nội xâm, các bậc cha mẹ tiếp tục đầu tư vào việc giáo dục con cái, đảm bảo rằng các thế hệ tiếp theo có được các kỹ năng và khả năng cạnh tranh với những thế hệ tương ứng trên toàn cầu. Thực vậy, năng lực Việt vẫn là lý do tại sao các doanh nghiệp trên nhiều ngành công nghệ cao tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.
Về mặt xã hội, khả năng phản biện của xã hội dân sự đối với hành vi ích kỷ phá hoại của giặc nội xâm là rất đáng kể, bất chấp những trấn áp hiện nay. Ví dụ, những bài phân tích hành vi của giặc nội xâm trong các sự vụ đấu đá trong nội bộ ĐCSVN có phần chính xác trong việc dự đoán những thanh trừng và đảo chánh trong nội bộ của chúng, đặc biệt là loạt bài của tác giả Lê Văn Đoành trên báo Tiếng Dân. [6]
Trên trang VNTB, nội dung và khả năng kể chuyện của những người viết bài có phần phong phú hơn trước, sự tiến bộ hiện nay có vẻ rõ ràng so với những năm trước, tuy rằng nhận định nầy có thể chủ quan và thiên vị, nhưng vẫn cần thiết để chỉ ra và ghi lại ở đây.
Việc làm của xã hội dân sư để tạo đối trọng với giặc nội xâm tuy là khó khăn nhưng xã hội dân sự đang là một phần của xung đột toàn cầu giữa các nước phát triển một bên và các nước độc tài toàn trị, ở phía bên kia. Một phần của xung đột này là xung đột về thể chế.
Xã hội dân sự làm việc cho công bằng và xã hội trong đó kỳ thị chỉ có thể chấp nhận khi những kỳ thị ấy nhắm vào việc nâng cao đời sống của những người dễ tổn thương nhất trong xã hội. Ngược lại, giặc nội xâm là bọn đồi trụy với lòng tham lam không đáy, chúng ăn của dân không chừa một thứ gì.
Chúng ta đã sống với chúng hơn nữa thế kỷ. Chúng ta hiểu sự đồi trụy và sự bất lực của chúng trong cách chúng làm việc, chúng chỉ có nói to mà làm việc rất tồi. Tương lai tuy rất thử thách và nhiều bất trắc, nhưng không hẳn là hoàn toàn không thể đổi thay.
_______________
Nguồn:
- Nguyễn Huỳnh. VNTB – Báo chí Việt Nam xác nhận Việt Nam phụ thuộc Trung Quốc. 11/05/2024; Available from: https://vietnamthoibao.org/vntb-bao-chi-viet-nam-xac-nhan-viet-nam-phu-thuoc-trung-quoc/.
- Gopinath, G., et al. Changing Global Linkages: A New Cold War?2024; Available from: https://www.imf.org/en/Publications/WP/Issues/2024/04/05/Changing-Global-Linkages-A-New-Cold-War-547357.
- Bill Hayton. Vietnam’s political turmoil reveals a turn towards China – and away from the West. 09/05/2024; Available from:
https://vietnamthoibao.org/vntb-viet-nam-ch…oi-xa-phuong-tay/.
- VOA – Mỹ quan ngại về bản án đối với nhà hoạt động Phan Tất Thành. 15/05/2024; Available from: https://vietnamthoibao.org/voa-my-quan-ngai-ve-ban-an-doi-voi-nha-hoat-dong-phan-tat-thanh/.
- Washington Post. By the Editorial Board. Vietnam is lying to its friends. A secret document proves it.March 6, 2024 Available from: https://www.washingtonpost.com/opinions/2024/03/06/vietnam-directive-24-repression/.
- Lê Văn Đoành. Ông Nguyễn Phú Trọng chuẩn bị rút lui khỏi chính trường?Tiếng Dân 02/03/2024; Available from: https://baotiengdan.com/2022/03/21/ong-nguyen-phu-trong-chuan-bi-rut-lui-khoi-chinh-truong/.