Hồng Ngọc
Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Xuân Cầu, tiền thân là Công ty TNHH Xuân Cầu (Piaggio Xuân Cầu), được thành lập vào ngày 28-4-2000. Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty Xuân Cầu là Tô Dũng, sinh năm 1962.
Xuân Cầu là tên một ngôi làng cổ, thuộc xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Xuân Cầu nằm sát con sông đào Bắc Hưng Hải là nơi chôn nhau cắt rốn của anh em nhà Tô Dũng.
Công ty TNHH Xuân Cầu (Xuân Cầu Holding) có địa chỉ tại phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội, vốn điều lệ là 2.150 tỷ đồng. Xuân Cầu Holding là công ty chuyên phân phối hàng đầu dòng xe Piaggio của Ý ở Việt Nam. Sau công ty này chuyển sang hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản.
Đại diện pháp luật của Xuân Cầu Holding là ông Tô Dũng, một đại gia kín tiếng trong ngành bất động sản, nắm gần 62% vốn, bà Tô Thị Thu Hiền 16,2%, bà Tô Hồ Thu 7,8%; ông Tô Duy 11,1 % và một số cá nhân khác nắm 3%.
Điểm sơ qua các dự án của Xuân Cầu Holdings đầu tư:
- Khu biệt thự và du lịch sinh thái Hòa Sơn (Green Vesion), có tổng quỹ đất dự án 183,47 hecta với tổng mức đầu tư 1000 tỷ đồng.
- Khu đô thị sinh thái Văn Giang, Hưng Yên, với tổng diện tích gần 200 hecta, vốn đầu tư lên đến 10.000 tỷ đồng.
- Khu biệt thự nghỉ dưỡng Xanh Villas ở Thạch Thất, Hà Nội, có tổng diện tích gần 50 hecta, gồm 500 căn biệt thự và nhà vườn, vốn đầu tư 1500 tỷ đồng. Ngân hàng Vietcombank và BIDV rót vốn.
- Khu biệt thự Sinh thái Yên Bình (Xanh Villas II) tại Thạch Thất, Hà Nội, có diện tích 6,42 hecta, gồm 60 biệt thự cao cấp, mỗi biệt thự có diện tích 1000 m2.
- Khu Du lịch Kim Bôi, có diện tích 30 hecta, gồm khách sạn cao 15 tầng và khu nhà phố thương mại. Địa chỉ tại huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình.
- Dự án Khu phi thuế quan – Logistics và công nghiệp Lạch Huyện, địa chỉ TP Hải Phòng. Tháng 12-2021, Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng (Heza) trao quyết định đầu tư cho Tập đoàn Xuân Cầu. Dự án này có diện tích 742 hecta, vốn đầu tư “khủng”, lên đến 11.000 tỷ đồng.
- Dự án Khu đô thị sinh thái Diêm Vân, tại xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Diện tích 130 hecta, vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng.
- Dự án Khu đô thị thương mại và nhà ở Sông Bùi: Ngày 2-5-2024, UBND tỉnh Hòa Bình vừa chấp thuận Liên danh Công ty cổ phần Xuân Cầu Holdings và Công ty TNHH Đầu tư địa ốc Thành Phố (CityLand) đầu tư dự án Khu đô thị thương mại và nhà ở Sông Bùi tại huyện Lương Sơn. Diện tích 60 hecta, vốn đầu tư 5000 tỷ đồng.
Xem thêm: https://baotiengdan.com/2024/05/11/ai-bao-ke-cho-tap-doan-cityland-cuop-dat-quoc-phong/
- Các dự án khác
Ngoài ra, Xuân Cầu Holding còn sở hữu tổ hợp khách sạn – trung tâm thương mại Xuân Phú Hưng; khu resort Xuân Phú Hải, Mercure Cát Bà, MP Resort – Phú Quốc, Gành đá đĩa – Phú Yên, sân golf Phượng hoàng – Phú Yên…
Buôn xe, buôn bất động sản, đầu tư dự án đô thị, du lịch, xây villa để bán chưa đủ, bỗng một ngày, Xuân Cầu nhảy vào lĩnh vực năng lượng. Rất nhanh, Xuân Cầu có được các dự án mà các tập đoàn chuyên đầu tư về năng lượng – năng lượng tái tạo, có nằm mơ cũng không thấy:
- Nhà máy điện Mặt trời Tây Ninh, vốn đầu tư 9000 tỷ, trên diện tích 504 hecta.
- Nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 5.1 và Dầu tiếng 5.2, cũng tại Tây Ninh, diện tích 322 hecta, vốn đầu tư 7120 tỷ.
- Nhà máy Điện gió số 7 tại Vĩnh Châu, tỉn Sóc Trăng, diện tích 3.000 hecta, vốn dầu tư 5700 tỷ.
- Nhà máy điện gió Cồn Cỏ: UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị Chính phủ bổ sung dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Cồn Cỏ vào quy hoạch phát triển điện lực. Dự án do Công ty TNHH Xuân Cầu đề xuất, có công suất 1.000MW, xây dựng ở vùng biển ngoài khơi đảo Cồn Cỏ và huyện Gio Linh.
- Dự ăn điện gió La Gàn: Cuối tháng 1-2023, Xuân Cầu ký bản ghi nhớ hợp tác với các Tập đoàn nổi tiếng của Đan Mạch, Copenhagen Infrastrcture Partners (CIP) và công ty liên kết Copenhagen Offshore Partners (COP) nhằm thực hiện sự chuẩn bị cần thiết cho việc phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn (tỉnh Bình Thuận), có tổng số vốn đầu tư dự kiến lên đến 10,5 tỷ USD.
Xuân Cầu của ai?
Tính đến tháng 8-2019, Xuân Cầu có quy mô vốn điều lệ ở mức 2.150 tỉ đồng, do 6 cổ đông tham gia góp vốn. Trong đó ông Tô Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên của Xuân Cầu sở hữu 61,76% vốn điều lệ. Các cổ đông khác chia nhau phần vốn còn lại, gồm: Tô Thị Thu Hiền 16,15%; Tô Duy 11,1%; Tô Hồ Thu 7,77%; Bùi Quang Hiếu 3% và Nguyễn Hùng Mạnh 0,22%.
Dư luận tò mò, không biết Xuân Cầu là của ai mà “khủng” đến như vậy. Xin được bật mí cùng quý độc giả. Tô Dũng chính là em trai của ông Tô Lâm, ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Đảng uỷ Công an Trung ương, bộ trưởng Công an từ năm 2016 đến nay.
Tô Thị Thu Hiền, sinh năm 1963, là em gái của Tô Lâm
Tô Duy, sinh năm 1992, là con trai của Tô Dũng
Tô Hồ Thu, sinh năm 1996, là con gái Tô Dũng
Vợ ông Tô Dũng (mẹ Tô Duy và Tô Hồ Thu) là bà Hồ Sông Hồng. Bà Hồng là con gái ông Hồ Cơ (1922-2018).
Ông Hồ Cơ quê Quảng Ngãi, tập kết ra Bắc năm 1954, từng giữ chức Phó giám đốc Nhà Xuất bản Giáo dục. Ông cũng là thầy giáo của cựu chủ tịch nước Trần Đức Lương, giai đoạn 1950 – 1953.
Đến đây, mọi người có thể hiểu vì sao Tập đoàn Xuân Cầu không những thâu tóm bất động sản, mà còn trúng thầu, được chỉ định thầu các đại dự án có vốn đầu tư từ ngân sách lên lến hàng chục ngàn tỷ đồng. Đặc biệt hơn nữa, chưa bao giờ Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, hay các cơ quan điều tra nào dám nhắc đến cái tên Xuân Cầu trong các báo cáo hoặc bêu tên trên truyền thông của đảng.
Nhiều cây bút sừng sỏ, các KoLs trên mạng xã hội, từng chỉ trích đích danh Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng, Bộ trưởng… về vấn đề nọ kia, nhưng tuyệt đối chưa bao giờ họ dám đụng đến Tô Dũng và “đế chế” Xuân Cầu./.