Nguyễn Đình Bin là hiện thân của cuộc tiến hóa đầy máu và nước mắt, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng! Các khuyến nghị cải cách của cựu Bí thư Đảng ủy Bộ Ngoại giao có được tiếp thu hay không, còn tùy thuộc vào vận nước…
Đinh Hoàng Thắng
Cụ Bin không phải là “nhà cách mạng màu”, theo nghĩa “Truyền hình Quốc Phòng” (dưới sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương) vừa tố cáo Đại học Fulbright mấy tuần trước [1]. Nguyễn Đình Bin giác ngộ từ thuở còn “quàng khăn đỏ”, theo lời tự bạch.
Với bề dày về ngoại giao, cụ Nguyễn Đình Bin viết rằng, chính những kiến nghị liên quan đến thay đổi thể chế đã được nung nấu, nghiền ngẫm, kiểm nghiệm, chắt lọc và rút ra từ lúc ông mới 10 tuổi, khi bắt đầu đi theo con đường của Đảng Cộng sản trong hàng ngũ Đội Thiếu niên kháng chiến chống thực dân và từ thực tiễn hơn nửa thế kỷ được giáo dục, rèn luyện và chiến đấu trong đội ngũ của Đảng [2].
Công bằng mà nói, những điều Cụ Nguyễn Đình Bin đã “gõ” ra giấy trắng mực đen, cho đến nay, không phải là “tiếng sấm giữa trời quang”. Nhưng rồi “Tấm huân chương ảo hóa” ấy (Virtual Medal) từ nay sẽ vĩnh viễn được gắn trên ngực Cụ, với cuộc đời gần 60 năm tuổi Đảng. Và đấy chính là bi kịch vĩ đại của Nguyễn Đình Bin!
Nhưng bi kịch ấy đâu chỉ là của riêng Cụ! Bi kịch vĩ đại của Nguyễn Đình Bin cũng là bi kịch của cả cộng đồng lớn hơn. Thật ra, từ 2015, từng có 127 nhân sỹ, trí thức gửi “Thư ngỏ” ủng hộ quá trình chuyển đổi dân chủ của đất nước. Thư được đề chuyển các nhà lãnh đạo, các đại biểu dự Đại hội lần thứ XII và toàn thể đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam [3].
Nhưng lần này, đúng dịp Kỷ niệm Quốc khánh 2/9/1945 – 2/9/2024, Cụ Bin đã liệt kê ra ít nhất 4 văn bản gửi lên Đảng, với cùng một chủ đề “Góp ý với ĐCSVN về Đổi mới chính trị” bao gồm: i) Thư Ngỏ gửi toàn thể đảng viên, đồng bào trong và nước 2/9/2024; ii) Thư Chúc mừng tân Tổng bí thư – Chủ tịch nước (TBT – CTN) Tô Lâm ngày 4/8/2024; iii) Tâm Thư 19/5/2024 gửi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng; iiii) Tâm Thư 19/5/2020 gửi TBT – CTN Nguyễn Phú Trọng góp ý cho Đại hội Đảng XIV [4]. Ấy vậy mà tất cả đều như “nước đổ đầu vịt”. Hình như không hề có bất cứ một sự phản hồi chính thức nào, ít nhất từ các Ủy viên có trách nhiệm trong Bộ Chính trị.
Nội dung các Kiến nghị Cụ Nguyễn Đình Bin gửi Đảng được đưa ra vào nhiều thời điểm khác nhau, đến các đối tượng khác nhau. Nhưng tất cả đều cuồn cuộn trên một dòng chảy, với ý tưởng vạm vỡ là “hệ thống chính trị, chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng đang ra sức xây dựng và kiên trì bảo vệ đã rơi vào khủng hoảng trầm trọng”. Cụ kêu gọi “Đảng phải thực hiện đổi mới chính trị thực sự toàn diện và triệt để” và đưa ra những sáng kiến nhằm bảo vệ Đảng trước các nguy cơ, thách thức sống còn và khẳng định rằng, chỉ có Đảng mới tự cứu được chính mình.
Đáng tiếc, hơn 4 năm trước, 10 nội dung chi tiết Cụ đề xuất với Đại hội XIII của Đảng về đổi mới chính trị toàn diện và triệt để vẫn không hề được cứu xét. Còn lần này, ngoài sức tưởng tượng của hàng trăm bạn đọc đã đánh dấu “like” vào các Tâm thư và Khuyến nghị liệt kê trên, Facebook đã gỡ bài viết xuống, với lý do được nêu là các bài viết ấy “cố tìm cách thu thập thông tin nhạy cảm của người khác”. Cụ Bin tất nhiên đã phản đối quyết liệt và đòi Facebook phải khôi phục lại các bài viết của mình [5].
Rõ ràng, sự tiến hóa của trái tim Nguyễn Đình Bin đã vượt xa tư duy và bãn lĩnh của Lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN). Lời hiệu triệu của Cụ, được dẫn lại từ nhiều nguồn khác trên Internet, vẫn vang vọng: “Tất cả con Lạc cháu Hồng, có lòng yêu nước, thương nòi, phải cùng nhau vứt bỏ mọi hận thù, thành kiến, định kiến, cố chấp, cực đoan, mặc cảm, nghi kỵ, ngộ nhận, hiểu lầm! Phải dẹp lại mọi bất đồng, chấm dứt những điều bất hạnh nói trên, đang hàng ngày, hàng giờ ngoáy vào vết thương chung, sau gần nửa thế kỷ, vẫn còn đang tiếp tục rỉ máu, hủy hoại sức mạnh của Dân tộc ta!” [6].
Nguyễn Đình Bin là hiện thân của cuộc tiến hóa đầy máu và nước mắt, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Thân phụ của Cụ hy sinh mất xác trên dòng sông ở quê hương. Vậy mà Cụ vẫn nuôi dưỡng được một tấm lòng nhân ái, biết vượt qua đau thương, mất mát để tiến lên phía trước, cả về mặt cảm xúc lẫn nhận thức. Những nỗ lực và lời kêu gọi từ tấm lòng bao dung, đầy nhiệt huyết ấy, từ sự chân thành hiếm hoi ấy, vẫn chưa được ĐCSVN đón nhận.
Động lực nào khiến Nguyễn Đình Bin, với trái tim trong trắng bao lần bị tổn thương, với tư duy logic bao lần bị phớt lờ như thế, mà vẫn không nao núng kêu gọi Đảng thay đổi về nhận thức, tư tưởng đối với các giá trị dân chủ, nhân quyền và tự do?
Theo một số anh em từ Viện Khoa học chúng tôi có dịp trao đổi những ngày qua, câu trả lời là, dù không chuyên về AI, nhưng với tư duy logic, Cụ Bin nhận biết, một khi “đạo hàm đổi dấu” thì “trend” mới sẽ xuất hiện! Vì vậy, Cụ quả quyết, giờ là lúc “mọi điều kiện chủ quan và khách quan, đối nội và đối ngoại, đã quá chín muồi, để Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện cuộc cách mạng trọng đại và cấp bách về tư tưởng! Thời cơ lịch sử – vận Nước cũng như vận Đảng – đang đến! Phải quyết tâm nắm lấy! Không được bỏ lỡ!” (7).
Nói đến vận nước, chắc hẳn Cụ đã nghĩ về lịch sử: Lý Thái Tổ (Công Uẩn) từng nằm gai nếm mật hơn 30 năm, sau đó nhờ vào sự ủng hộ của quân đội và giới Phật giáo mà lập nên triều đại Hậu Lý. Mạc Thái Tổ (Đăng Dung) cũng trải qua hành trình dài phát triển về tư duy chính trị, quân sự và chiến lược để cuối cùng lập nên triều đại của riêng mình.
Còn Tô Đại tướng, từ cương vị một Bộ trưởng Công an, tương đương với “Thân vệ Điện tiền Chỉ huy sứ” thời Nhà Lý, chỉ sau mấy năm đã nhanh chóng đạt đến ngôi “cửu trùng”. Bước ngoặt này chắc chắn gây bất ngờ đối với rất nhiều đồng chí trong Đảng. So với tiền nhân, thời gian “nằm gai nếm mật” của Tô Đại tướng chưa hẳn “đủ dày”, nhưng ai dám nói Tô Lâm không có công lớn trong sự nghiệp dang dở của cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng? Nhưng liệu Tô Đại tướng đã tích lũy đủ trí huệ cho giai đoạn “trị quốc – bình thiên hạ” trước mắt? Theo ý của Facebooker Thái Hạo, làm một cuộc cách mạng thì dễ, thay đổi não trạng một dân tộc mới là khó… [8]
Khi dân trí và văn hóa chính trị của giới chóp bu chưa chuyển thì vận nước cũng khó đến trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, nếu có thêm được các yếu tố may mắn (thiên thời – địa lợi), Đại tướng Tô Lâm có thể tận dụng thời cơ vàng, hay như người Pháp thường nói, đón bóng đúng tầm sẽ ghi bàn (saisir le ballon au bon moment)!
Nhớ lại những năm tháng được làm việc dưới trướng Thứ trưởng Nguyễn Đình Bin… Là lớp “kèo dưới”, cả về tuổi tác lẫn vị trí công việc, nhưng chúng tôi bao giờ cũng được Cụ lắng nghe. Tờ báo “World Affairs Weekly” bị bắt buộc phải ghi dưới măng-sét là “Cơ quan của Bộ Ngoại giao”, nhưng thỉnh thoảng chúng tôi vẫn “xé rào” đăng nhiều kỳ (feuilleton) bài của các tác giả “có vấn đề” với Nhà nước liên quan đến các khuyến nghị chính sách về đối ngoại.
Không ít lần báo đã bị Ban Văn hóa tư tưởng thổi còi. Một lần, khi lăng-xê khái niệm “counterbalancing” (qua Mỹ để đối trọng lại Trung Quốc…), những người liên đới suýt bị kỷ luật. Không có bản lĩnh Nguyễn Đình Bin và khí phách Trần Quang Cơ [9] thời ấy, chắc chắn chúng tôi đã lãnh đủ.
Tuy nhiên, so với những kiến nghị “bom tấn” hiện nay của Cụ, những bài viết ngày ấy còn xa mới bén gót được các đề xuất giờ này của Cụ. Tinh thần trách nhiệm và lòng dũng cảm của Cụ Bin thật đáng kính trọng, thêm vào đó là sự tiếc nuối vô bờ của chúng tôi mỗi lần nghĩ về trí tuệ đi trước thời đại của Nguyễn Đình Bin mà vận nước dường như vẫn còn đến chậm!
Tham khảo:
[1] https://www.youtube.com/watch?v=SJ09mczz64E
[2] https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c5ykenx89plo
[3] https://xuandienhannom.blogspot.com/2015/12/127-nhan-si-tri-thuc-gui-bo-chinh-tri.html
[4 – 5 – 6 – 7] https://www.facebook.com/dinh.nguyen.94009841
[9] https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/06/150629_tranquangco_profile