Những cuộc thảo luận xung quanh cú ngã ngựa bất ngờ của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tập trung vào câu hỏi ai sẽ là người thay thế ông. Một vài cái tên được đưa ra, từ Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai, Bộ trưởng Công an Tô Lâm và Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang.
Dù vị trí Chủ tịch nước không nắm giữ nhiều thực quyền trong hệ thống chính trị nhà nước đảng ở Việt Nam, song sở dĩ dư luận quan tâm là vì người ngồi vào chiếc ghế này có cơ hội kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng trong vị trí Tổng Bí thư.
Kể từ khi ông Trọng đánh bại Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở Đại hội XII (2016), sự cân bằng tinh tế giữa Bộ Chính trị – đại diện cho bộ máy quan liêu đảng ở trung ương, và Ban Chấp hành Trung ương – đại diện cho các cơ cấu đa dạng trong hệ thống chính trị, bao gồm Chính phủ, chính quyền địa phương, Quân đội và Công an, đã dần bị thay thế bằng sự tập trung quyền lực cao độ vào vị trí Tổng Bí thư.
Các quy chế nội bộ mới được ban hành và những cơ quan giám sát được tăng quyền đã giúp vị trí Tổng Bí thư nắm giữ quyền sinh sát với mọi đảng viên, bao gồm cả Ủy viên Trung ương lẫn Ủy viên Bộ Chính trị.
Bởi vậy, khi ông Thưởng bị loại, mọi ánh mắt đổ dồn vào chiếc ghế trống của ông để xem ai sẽ là người được ông Trọng chọn, như một dấu chỉ về người sẽ kế nhiệm vị trí Tổng Bí thư đầy quyền lực trong nay mai.
Song, những ai đang kỳ vọng có thể sẽ thất vọng. Ông Trọng có thể đang chẳng chọn một ai kế vị mình.
Nói cách khác, ông Trọng đang tìm cách để tiếp tục nhiệm kỳ thứ 4 của mình một cách xuôi chèo mát mái vào Đại hội XIV (2026) tới đây, và việc loại bỏ ông Thưởng, hay trước đó là ông Phúc, cần được xem như một phần của nỗ lực này.
Ở kỳ Đại hội XIII (2021) vừa qua, ông Trọng đã khiến cho công chúng và giới quan sát ngỡ ngàng khi bất chấp Điều lệ Đảng để tại vị nhiệm kỳ thứ 3. Dù giữ được ghế, song ông Trọng có lẽ cũng cảm giác được hành động “cố đấm ăn xôi” này không được danh chính ngôn thuận cho lắm, nhất là khi nhìn qua Trung Quốc, nơi Tập Cận Bình khi muốn tiếp tục nhiệm kỳ thứ 3 của mình đã cẩn thận sửa đổi Hiến pháp trước đó ra sao.
Có lẽ vì thế mà lần này ông Trọng tiết lộ Đại hội XIV (2026) sẽ tiến hành sửa đổi Điều lệ Đảng, lần đầu tiên trong vòng 15 năm. Dù chưa rõ điểm nào sẽ được sửa đổi, song có thể dự đoán rằng quy định giới hại hai nhiệm kỳ của vị trí Tổng Bí thư sẽ được gỡ bỏ, mở đường cho ông Trọng tại vị một cách chính danh.
Bên cạnh những trở ngại về quy chế, một thử thách khác đối với ông Trọng là sự phản đối từ các “nguyên lão” tức các cựu lãnh đạo cấp cao – những người vốn từng chịu những ràng buộc về nhiệm kỳ hoặc tuổi tác nay lại thấy đồng chí đàn em mình ngang nhiên bước qua. Thử thách này lẽ ra có thể có một sức nặng tuy nhiên nếu xét rằng đa số các cựu lãnh đạo đều có con em đương chức với những ràng buộc về quyền lợi và an toàn, không khó để ông Trọng hóa giải. Trường hợp Trần Tuấn Anh, con của cựu Chủ tịch nước Trần Đức Lương là một ví dụ. Ông được đôn lên Bộ Chính trị vào Đại hội XIII như một cách để xoa dịu sự phản đối nếu có từ cha ông, song đã nhanh chóng bị loại bỏ một khi ông Trọng tại vị thành công.
Cuối cùng, một điều có thể khiến người trọng danh tiếng như ông Trọng e ngại là điều tiếng tham quyền cố vị từ dư luận về cá nhân ông, nhất là khi cân nhắc tuổi tác và tình hình sức khỏe của Tổng Bí thư. Để xoa dịu dư luận trong và ngoài đảng, ông Trọng đã chấp nhận trong Đại hội XII (2021) ông không phải là trường hợp đặc biệt duy nhất, mà còn có ông Nguyễn Xuân Phúc. Ông cũng cho dư luận thấy ông chấp nhận “tre già măng mọc” khi sắp xếp cán bộ trẻ Võ Văn Thưởng vào một trong những vị trí cao nhất. Tuy nhiên, điều gì xảy ra với Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng sau đó thì đến nay dư luận đã rõ.
Tóm lại, cũng như Đại hội XIII (2021), vào kỳ Đại hội XIV (2026) tới đây, ông Trọng sẽ lại tiếp tục tạo ra một tình huống chính trị rằng ông là phương án hợp lý duy nhất cho vị trí Tổng Bí thư. Và với một Điều lệ Đảng đã được gỡ bỏ giới hạn nhiệm kỳ, ông Trọng sẽ tái cử nhiệm kỳ thứ tư danh chính ngôn thuận.
Từ giờ tới lúc đó, những ai mong đợi một cái tên khác hẳn sẽ thất vọng.