Thế lực nào đã hạ bệ Võ Văn Thưởng

- Quảng Cáo -

Nguyễn Công Bằng

Âm hưởng và tác động từ việc từ chức Chủ tịch nước của Võ Văn Thưởng vẫn chưa hết thôi động lên chính trường Việt Nam, bởi vì đây tuyệt không phải một sự từ chức thông thường mà là một âm mưu nhằm kết liễu một ngôi sao đang lên trong chính trường Việt Nam.

Nhớ lại chuyện trước kia, khi ông Nguyễn Tấn Dũng đang giữ chức Thủ tướng, phe ông Trương Tấn Sang và ông Nguyễn Phú Trọng đã dùng ông Nguyễn Minh Thuyết – Đại biểu Quốc hội lúc đó chất vấn ông Dũng ở trong nghị trường, rằng với những sai phạm tại Vinashin hay Vinalines như thế thì ông Dũng với cương vị Thủ tướng có nghĩ tới chuyện từ chức hay không? Ông Dũng tuy không trả lời thẳng nhưng nói rằng, từ khi vào Đảng tới nay, tôi chưa từng xin Đảng gì, nhưng cũng không từ nan khi Đảng giao nhiệm vụ. Ông Nguyễn Sinh Hùng (còn gọi là Hùng hói) khi còn là Phó Thủ tướng cũng hồn nhiên nói rằng nếu kỷ luật hết những người làm sai thì sẽ có ai để làm việc đây.

Ở chính trường Việt Nam, chính trị sẽ đẻ ra kinh tế, thậm chí chính trị chi phối đến mọi mặt của đời sống xã hội, cho nên, bảo một quan chức tự động từ chức thì quả thật là khó tìm ở xứ Đông Lào này.

- Quảng Cáo -

Ông Võ Văn Thưởng xin từ chức là bởi vì người ta buộc ông phải từ chức. Vậy thế lực nào đã khiến ông Thưởng phải ra đi tức tưởi như vậy?

Trong một bài viết mới đăng tải gần đây trên trang mạng RFA, giáo sư Zachary Abuza có đưa ra nhận định: “Tất cả các con mắt nhanh chóng đổ dồn vào Bộ trưởng Công an Tô Lâm… Ông Lâm đã trừ khử các đối thủ của mình ngày một nhiều.”[1]

Hầu hết nhiều nhà quan sát trên thế giới đều có nhận định giống như vị giáo sư này, khẳng định rằng ông Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an là người đã hạ bệ ông Thưởng.

Nhưng liệu điều này có xác thực? Ở những quốc gia cộng sản như Trung Quốc, Việt Nam, có rất nhiều văn bản của Đảng cộng sản chỉ đạo hoạt động chính trị của đất nước, nhưng tồn tại dưới hình thức mật. Chính vì vậy, nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài không thể hiểu tường tận về chính trường Việt Nam, nếu không có thời gian trải nghiệm hoạt động tại Việt Nam.

Ông Tô Lâm nắm Bộ Công an, một cơ quan mà hiện nay được coi như “đồ tể” ̶ chuyên tiêu diệt các đối thủ chính trị, mà ông Nguyễn Xuân Phúc là một ví dụ. Nhưng ở đất nước cộng sản này, ông Tô Lâm và Bộ Công an cũng không phải là cơ quan tuyệt đối quyền lực, mà đúng ra Đảng Cộng sản mới là quyền lực thống soái.

Đối với dân thường, Bộ Công an có toàn quyền bắt giữ, khám xét để phục vụ cho công tác điều tra tội phạm, như thế quyền sinh quyền sát của Lực lượn Công an rất lớn. Tuy nhiên, Lực lượng Công an không thể đụng tới những trường hợp sau: Đối với Quân đội, Công an không được phép điều tra, mà sẽ có Lực lượng điều tra riêng của quân đội. Nói cách khác, Quân đội là một thế giới riêng, độc lập với Công an. Ngoài ra, đối với các Uỷ viên Trung ương Đảng trở lên, việc ra kết luận điều tra phải do Uỷ ban Kiểm tra Trung ương phụ trách. Từ khi ông Nguyễn Phú Trọng nắm giữ chức Tổng Bí thư từ năm 2011, ông ta đã phục hồi lại Ban Nội chính Trung ương  ̶ cơ quan được coi tham mưu, giúp việc cho Trung ương Đảng và Bộ Chính trị trong việc chống tham nhũng.

Trong thông cáo báo chí về vụ Võ Văn Thưởng từ chức, tờ báo của Đảng Cộng sản cho biết: “Đồng chí Võ Văn Thưởng là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở, được phân công giữ nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, vừa qua theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, đồng chí đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Những vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Võ Văn Thưởng đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân đồng chí. Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, đồng chí đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác.”[2]

Như vậy, theo thông báo này, chúng ta có thể thấy, việc quyết định về hành vi vi phạm của Võ Văn Thưởng là do Uỷ ban Kiểm tra Trung ương quyết định. Ngoài ra, chắc chắn sẽ có ý kiến từ Ban Nội chính Trung ương, còn Bộ Công an chỉ là cơ quan trực tiếp thu thập và cung cấp chứng cứ cho Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.

Vì thế nói rằng ông Tô Lâm là người duy nhất chịu trách nhiệm cho việc hạ bệ ông Võ Văn Thưởng là không chính xác. Vì cơ chế trong Đảng Cộng sản rất phức tạp, chứ không đơn giản như nhiều người nghĩ.

Trong sự việc ông Nguyễn Xuân Phúc bị hạ bệ, chính là do ông Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo, do Bảy Phúc nhất định muốn dòm ngó cái chức Tổng Bí thư nhiệm kỳ tới, nên để bảo đảm an toàn cho chính mình và phe cánh của mình, ông Trọng đã chỉ đạo ra tay vụ này.

Còn trong vụ ông Thưởng, rõ ràng ông Thưởng là người được ông Trọng tin dùng, bằng chứng là ông Trọng đã để ông Thưởng giữ chức Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, rồi sau lên làm “Phó Tổng bí thư”, tức là Thường trực Ban bí thư Trung ương Đảng. Việc ông Trọng chọn ông Thưởng lên làm Chủ tịch nước cũng có dụng ý của ông ấy, mà trong đó quan trọng nhất là ông Thưởng không có sức mạnh để uy hiếp tới chức vụ Tổng bí thư.

Việc hạ bệ ông Thưởng – Chủ tịch nước, Uỷ viên Bộ Chính trị phải có sự đồng ý và tiếp tay của Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú và Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc. Ông Trần Cẩm Tú quê ở Hà Tĩnh còn ông Phan Đình Trạc quê ở Nghệ An. Nhóm Nghệ Tĩnh luôn có tinh thần “đoàn kết” rất cao. Ông Vương Đình Huệ – Chủ tịch Quốc hội, người thân tín với ông Nguyễn Phú Trọng cũng là người quê Nghệ An.

Thông tin báo chí cho biết, hồi đầu tháng 1/2024 ông Tô Lâm cùng ông Phan Đình Trạc có chuyến đi Nghệ An cùng nhau.[3] Đây không chỉ là một chuyến đi ngẫu nhiên, mà cho thấy ông Tô Lâm và nhóm Nghệ Tĩnh của ông Vương Đình Huệ đã có những “hiệp nghị” nhất định, để sau đó đã dẫn tới cái chết chính trị tức tưởi của ông Võ Văn Thưởng.

Vậy có phải là ông Thưởng đã bị hàm oan khi bị các phe nhóm chính trị tiêu diệt? Câu trả lời là không.

Ở một quốc gia luôn tự nhận là Xã hội chủ nghĩa này, cái thể hiện ra bên ngoài và thực chất luôn hoàn toàn khác nhau. Lương chính thức của Chủ tịch nước vào tầm gần 24 triệu đồng/tháng, tức là chưa được 1000 USD.[4]

Với mức lương thế này, ông Thưởng có sống nổi không khi ông còn nuôi vợ con, cha mẹ. Thậm chí ở Việt Nam có câu “một người làm quan, cả họ được nhờ”, vậy ông Thưởng không lẽ về thăm quê, lại không đóng góp gì, khi ông đang là Nguyên thủ quốc gia ở Việt Nam?

Cho nên, ở Việt Nam, tất cả các chính trị gia đều phải có sân sau, đó là các doanh nghiệp, để giúp cung phụng cho các chính trị gia đó, để đổi lại, các chính trị gia phải “bảo kê”giúp các doanh nghiệp đó có điều kiện để vơ vét tài sản nhà nước hay của nhân dân mà công ty Phúc sơn của Hậu “pháo” chính là như vậy. Nên ông Thưởng không oan chút nào. Nhưng vấn đề là tất cả các quan chức Việt Nam tay đều nhúng chàm, nhưng chỉ một số người mới bị trảm mà thôi, còn những người khác lại không hề hấn gì./.

[1] https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/what-exactly-happened-to-vietnamese-president-vo-van-thuong-03252024172606.html

[2] https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/ban-chap-hanh-trung-uong-dang-dong-y-de-dong-chi-vo-van-thuong-thoi-giu-cac-chuc-vu-661639.html

[3] https://nghean.dcs.vn/vi-vn/tin/bo-truong-bo-cong-an-tham-va-lam-viec-tai-nghe-an/6907-58053-695090

[4] https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/luong-cua-cac-dong-chi-lanh-dao-dang-nha-nuoc-tu-ngay-mai-1-7-nhu-the-nao-732875

- Quảng Cáo -