Việc vận động chính giới Hoa Kỳ bỏ nhãn “nền kinh tế phi thị trường” là nỗ lực chính trị liên tục của Hà Nội trong những năm qua, ở mọi cấp độ ngoại giao.
“Gáo nước lạnh” cho lời đề nghị khiếm nhã
Ngay sau khi nâng cấp quan hệ hai nước Việt – Mỹ lên tầm “chiến lược toàn diện”, Hà Nội đã liên tục hối thúc và đề nghị Washington loại bỏ nhãn “nền kinh tế phi thị trường”.
Mới đây, 23 tháng 1, 2024, đại sứ Việt Nam tại Hoa kỳ, Nguyễn Quốc Dũng kêu gọi Washington hãy chấm dứt việc gắn nhãn “nền kinh tế phi thị trường” (NME) đối với Hà Nội. Ông đại sứ Việt Nam cảnh báo rằng, việc duy trì các mức thuế trừng phạt đối với hàng hóa Việt Nam là điều không tốt cho mối quan hệ song phương đang ngày càng thân thiết hơn.
Phải hiểu thế nào về lời cảnh báo có phần nghiêm trọng và nhiều ẩn ý này của ông Nguyễn Quốc Dũng?
Trước đó, cả ông thủ tướng Phạm Minh Chính và chủ tịch nước Võ Văn Thưởng liên tục kêu gọi giới chức Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường trong những lần công du vào tháng Chín và tháng Mười Một, 2023.
Chuyến đi của ông Phạm Minh Chính chỉ cách 10 ngày sau chuyến công du lịch sử của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới Hà Nội để cùng với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký kết nâng cấp quan hệ ngoại giao hai nước. Ông chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có một phát ngôn gây chú ý khi kêu gọi giới chức Hoa Kỳ cần thực hiện việc gỡ bỏ nhãn “nền kinh tế phi thị trường” cho Việt Nam bằng “quyết sách chính trị” chứ không nên theo “qui định một cách cứng nhắc”.
Việc vận động chính giới Hoa Kỳ bỏ nhãn “nền kinh tế phi thị trường” là nỗ lực chính trị liên tục của Hà Nội trong những năm qua, ở mọi cấp độ ngoại giao. Giờ đây, điều này dường như đã trở thành một yêu cầu cấp bách. Giới chức Việt Nam đang rất nóng lòng đạt được mục tiêu này vì lợi ích đặc biệt hay chịu áp lực nào đó? Phải chăng điều Hà Nội lo ngại là khả năng Donald Trump trở lại Nhà trắng sau cuộc bầu cử tháng 11/2024? Vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, đồng thời là doanh nhân tỷ phú từng có những phát ngôn gây sốc khi chỉ mặt, đặt tên “Việt Nam là kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất”, rất có thể có những quyết định bất lợi đối Việt Nam nếu trở lại nắm quyền và tiếp tục cuộc thương chiến với Trung Quốc.
Trước sự hối thúc của chính giới Việt Nam, 8 thượng nghị sĩ và 25 dân biểu Hoa Kỳ gần đây có thư đề nghị chính quyền Biden không công nhận nền kinh tế thị trường cho Hà Nội. Trong thư, các nghị sĩ và dân biểu chỉ rõ những lo ngại về việc “các tiêu chuẩn lao động chưa được cải thiện, bao gồm cả việc bật đèn xanh cho hàng hóa có sử dụng lao động cưỡng bức ở Trung Quốc” như Thượng nghị sĩ Massachusettes, Elizabeth Warren thay mặt cho 8 nghị sĩ ký chung một bức thư gửi bà Bộ trưởng Thương mại Rainmondo.
Còn lá thư của 25 dân biểu khác, dân biểu Rose DeLauro, đại diện bang Connecticut nêu vấn đề “…vai trò của Việt Nam như là một kênh chuyển tiếp hàng hóa Trung Quốc được buôn bán không công bằng nhằm tránh né luật thương mại đã có từ lâu. Chúng tôi phải đảm bảo luật thương mại của chúng ta không bị xâm phạm”
Các nhà lập pháp Hoa kỳ nêu ra 6 tiêu chí theo Đạo luật Omnibus 1988 và đánh giá Việt Nam chưa đáp ứng được bất cứ tiêu chí nào trong đó. Điều này có nghĩa lời đề nghị của Hà Nội thiếu cơ sở pháp lý và thực tế để chính phủ Tổng thống Joe Biden xem xét đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước có “nền kinh tế phi thị trường”. Hoa kỳ là một quốc gia pháp trị, “tam quyền phân lập”. Chính phủ của Tổng thống Joe Biden, dù có “muốn” cũng khó lòng tùy nghi đưa ra những “quyết sách chính trị” trái với qui trình luật pháp.
Một ví dụ là Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, “phiên bản gốc” mà Việt Nam copy theo – hiện vẫn chưa được Hoa Kỳ và Liên Âu công nhận “nền kinh tế thị trường”. Bởi Trung Quốc cũng chưa đáp ứng được 6 tiêu chí mà các nghị sỹ và dân biểu Hoa kỳ nhắc đến khi xem xét nền kinh tế Việt Nam. Năm 2019, Bộ Tài chính Hoa Kỳ viện dẫn Điều 3004 của Đạo luật Omnibus, xác định Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ khi cáo buộc ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) kiểm soát sâu rộng đối với tỷ giá đồng Nhân dân tệ.
Như để củng cố cơ sở cho đề nghị “không công nhận nền kinh tế thị trường cho Hà Nội” của 8 nghị sĩ và 25 dân biểu, cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa kỳ (CBP) vừa tuyên bố rằng Việt Nam là nước xuất khẩu hàng hóa dính dáng đến việc sử dụng lao động cưỡng bức người Uyghur (Duy Ngô Nhĩ) lớn nhất trong năm 2023, vượt qua cả Trung Quốc.
Theo số liệu của CBP, Việt Nam đứng đầu danh sách quốc gia có giá trị hàng hóa bị từ chối nhập cảnh, cao hơn Malaysia và Trung Quốc, với 1.197 lô hàng có trị giá hơn $220,3 triệu. Ngoài dệt may giày dép, các mặt hàng khác như điện tử, vật liệu công nghiệp và chế biến cũng đều góp mặt trong danh sách hàng hóa bị CBP cấm nhập cảnh.
Nền kinh tế đang lịm dần thể hiện rõ qua đời sống dân sinh và một cái Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024 buồn hiu hắt, mặc cho những tuyên bố thắng lợi vẻ vang mà giới lãnh đạo rộn rã đọc trên tivi. Những chứng cứ mà CBP đưa ra, sự phản đối của các nhà lập pháp Hoa Kỳ, chẳng khác nào một gáo nước lạnh cho lời đề nghị của Hà Nội.
Nỗi oan thị Màu
Việc hàng hóa Trung Quốc tạm nhập vào Việt Nam, đóng mác “Made in Việt Nam”, rồi tái xuất vào thị trường Mỹ đã bùng nổ kể từ thương chiến Mỹ – Trung dưới trào tổng thống Donald Trump.
Năm 2020, một báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) chỉ ra trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam có sự trùng lặp về chủng loại mặt hàng có giá trị xuất nhập khẩu tăng vọt, giữa nhập khẩu từ Trung Quốc và xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, chủ yếu là máy tính, sản phẩm điện tử, linh kiện, máy móc, thiết bị dụng cụ… Từ đó, VEPR đặt nghi vấn “Sự tăng trưởng đột ngột của nhập khẩu từ Trung Quốc và xuất khẩu sang Mỹ cho cùng một số loại mặt hàng nhiều khả năng chỉ thuần túy là tạm nhập tái xuất chứ không phải do sản xuất trong nước được mở rộng”. VEPR cảnh báo Việt Nam có nguy cơ trở thành thị trường tạm nhập tái xuất của Trung Quốc nhằm lách lệnh trừng phạt của Mỹ đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc.
Thực tế là, hàng hóa Trung Quốc có một quá trình dài núp dưới C/O (Certificate of Origin) Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan. Năm 2019, Bộ Thương mại Hoa Kỳ kết luận về vụ điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với thép cuộn cán nguội và thép chống ăn mòn của Việt Nam sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ Đài Loan và Hàn Quốc. Theo đó, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã chính thức quyết định áp thuế cao nhất là 456% lên một số sản phẩm thép được sản xuất tại Hàn Quốc hoặc Đài Loan (Trung Quốc), sau đó đưa sang Việt Nam để gia công đơn giản rồi xuất khẩu sang Mỹ. Chỉ trong 3 năm, từ 2015- 2018, nhập khẩu thép cán nguội từ Việt Nam tăng hàng chục lần mỗi năm, từ 9 triệu USD lên 215 triệu USD, trong khi nhập khẩu thép chống ăn mòn tăng từ 2 triệu USD lên 80 triệu USD.
Trên đây là một ví dụ tiêu biểu hàng hóa Việt Nam thực chất là “hồn Trung, xác Trung, dán mác Việt”. Một con số không nhỏ các doanh nghiệp Việt Nam là bình phong của các doanh nghiệp Trung Quốc, Hàn Quốc. Điều đó phần nào lý giải con số nhập siêu từ hai thị trường này gần tương đương với con số xuất siêu sang Hoa Kỳ. Ví dụ, năm 2022, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc $60,9 tỷ và Hàn Quốc là $37,8 tỷ. Trong khi đó, xuất siêu sang Hoa kỳ là $94,91 tỷ. Năm 2023, con số xuất siêu sang Hoa Kỳ là $83 tỷ, giảm 12,6%. Đồng thời nhập siêu từ Trung Quốc và Hàn Quốc là $79 tỷ, cũng giảm tương ứng là 17,6% và 23,3%.
Việt Nam đứng trong top 3 vùng lãnh thổ mà Hoa kỳ có thâm hụt thương mại lớn nhất và quốc gia Đông Nam Á này đang chịu áp đặt 25 lệnh chống bán phá giá và 4 vụ điều tra đang chờ xử lý tại thị trường Hoa Kỳ. Đề nghị của các nghị sĩ, dân biểu Hoa Kỳ là hoàn toàn có căn cứ và việc Hà Nội kêu “oan” thì với những con số của hải quan và bảo vệ biên giới Hoa kỳ (CBP) đưa ra, nỗi oan đó hẳn giống như nỗi “oan thị Màu” mà thôi.
Cơ hội nào cho Việt Nam?
Hoa Kỳ cùng với EU là hai thị trường xuất khẩu giúp Việt Nam kiếm được nguồn thặng dư thương mại đóng vai trò quyết định sức khỏe và sự phát triển của nền kinh tế gần như phụ thuộc hoàn toàn vào gia công xuất khẩu. Bất kể biến động nào liên quan đến mức cầu của thị trường, thuế quan, các tiêu chuẩn về kỹ thuật, lao động, môi trường… của hai thị trường này đều có thể tác động rất lớn tới các ngành sản xuất của Việt Nam.
Đơn cử như trước khi bị áp thuế chống bán phá giá, thép cán của Việt Nam vào thị trường Mỹ đang tăng theo cấp số lần mỗi năm. Bất chấp những lo ngại về ô nhiễm môi trường, hàng loạt các dự án thép được bộ Công thương ồ ạt cấp phép trong giai đoạn này. Tuy vậy, sau khi bị áp mức thuế lên tới hơn 450%, ngành thép của Việt Nam nhanh chóng rơi vào tình trạng thua lỗ và phá sản hàng loạt từ 2020. Trong năm 2023, do những vi phạm Đạo luật Ngăn chặn lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ (UFLPA) của Hoa Kỳ vì sử dụng nguyên liệu bông vải có nguồn gốc từ Tân Cương – Trung Quốc (bị cho là sản phẩm bởi lao động cưỡng bức), doanh nghiệp may mặc của Việt Nam đã thiệt hại nặng, mất ngôi vị hàng đầu vào tay Bangladesh. Điều này có thể tiếp tục xảy ra đối với các doanh nghiệp da giày, đồ gỗ… theo như cảnh báo mới đây của Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR).
Việc bị dán nhãn “nền kinh tế phi thị trường” cùng với profile ngày càng dày về các hành vi gian lận thương mại, hàng hóa Việt Nam sẽ gặp nhiều rủi ro pháp lý và bị áp đặt mức thuế rất cao. Mục tiêu gỡ bỏ nhãn “nền kinh tế phi thị trường” đang ngày càng trở nên cấp bách đối với Hà Nội. Với lập luận mà giới lập pháp Hoa Kỳ đưa ra theo Đạo luật Omnibus 1988, có rất ít cơ hội để Việt Nam có thể lách qua khe cửa hẹp. Tuy vậy, năng lực “vận động hành lang” của Hà Nội là không thể xem nhẹ.
Tháng Tư, năm 2020, Việt Nam đã có khả năng cao bị Hoa Kỳ đưa vào khung giám sát và thậm chí bị trừng phạt thuế khi phạm cả ba tiêu chí là thặng dư thương mại vượt ngưỡng $20 tỷ (năm 2019, thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa kỳ là $50,89 tỷ); Thặng dư tài khoản vãng lai 3,2%GDP (ngưỡng xem xét tối thiểu là 3%); Mua ròng ngoại tệ liên tục đạt ngưỡng 8% GDP (ngưỡng xem xét là 2%). Dưới trào tổng thống Donald Trump, Việt Nam đã bị dán nhãn “thao túng tiền tệ” và cái nhãn này đã được chính quyền Joe Biden gỡ bỏ sau những nỗ lực ngoại giao của Hà Nội mặc dù Việt Nam vi phạm cả 3 tiêu chí theo Bộ tài chính Hoa kỳ.
Một ví dụ khác về khả năng “vận động hành lang” của Hà Nội là việc quốc gia cộng sản này bất chấp “bảng thành tích” tồi tệ về vi phạm nhân quyền, đàn áp ngôn luận, ngăn cấm việc thực thi các quyền đã được hiến định trong Hiến Pháp như quyền tự do báo chí, tự do lập hội, tự do tín ngưỡng, công đoàn độc lập… vẫn được bầu vào hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc tháng 10 năm 2022. Trước đó, Việt Nam đã ký kết Hiệp định tự do thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) với Liên Âu tháng Sáu, 2019.
Có lẽ tự tin vào khả năng “vận động hành lang” với những lời hứa không bao giờ được thực hiện, Hà Nội đang ra sức thuyết phục Washington công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường trước thời điểm nước Mỹ bước vào kỳ bầu cử đầy kịch tính vào tháng Mười Một tới đây. Nếu chính quyền Joe Biden chấp thuận đề nghị này, thì đó không chỉ là thắng lợi của nhà cầm quyền Việt Nam. Hãy nhìn khả năng này trên bình diện cao hơn, điều gì đã khiến cho chính quyền Hoa Kỳ nhượng bộ những vi phạm về thương mại có hệ thống trong một thời gian dài, khi các cơ quan như CBP thừa biết Việt Nam là “cửa hậu” của Trung Quốc?
“Việt Nam là một trong những quốc gia bị Trung Quốc lợi dụng để che đậy tội ác của mình” và “… Chính phủ Việt Nam, dù cố ý hay vô tình, đã tìm cách lách luật UFLPA, từ đó tự dính líu đến sự đồng lõa với tội ác diệt chủng của Đảng Cộng sản Trung Quốc” theo như lời nhận xét của bà Rushan Abbas – người sáng lập và giám đốc điều hành của Chiến dịch cho người Duy Ngô Nhĩ (Campaign for Uyghurs). Nếu lời đề nghị dỡ bỏ nhãn “kinh tế phi thị trường” bằng “quyết sách chính trị” của ngài chủ tịch Võ Văn Thưởng được chấp thuận, hẳn nhiên đó cũng là một thắng lợi của Trung Quốc. Người chịu thua thiệt là người dân, các doanh nghiệp Mỹ. Điều đó đồng thời cũng là một bước lùi của các định chế đã tạo ra sự hùng mạnh của hợp chủng quốc Hoa Kỳ và nền Dân trị lừng danh mà Alexis de Tocqueville từng ca ngợi.
Trong khả năng còn lại, điều Việt Nam nên tập trung là thay đổi hệ thống luật pháp, cơ cấu nền kinh tế chứ không phải nỗ lực “vận động hành lang” để tiếp tục trục lợi thương mại, gây tổn hại cho đối tác. Sự thay đổi cần thiết không chỉ vì yêu cầu đáp ứng 6 tiêu chí theo Đạo luật Omnibus 1988 mà còn để tự giải phóng các nguồn lực vốn bị kìm hãm từ trong tư duy và thể chế lỗi thời, nâng cao sức cạnh tranh nền kinh tế.
Theo quan điểm thực dụng, trong khi vừa “vận động hành lang”, Hà Nội nên có một sự cam kết từ thượng tầng, nỗ lực cải cách thể chế một cách thực chất. Điều đó không phải là một rủi ro chính trị mà là một quá trình thay đổi để “cá chép hóa rồng”. Cơ hội cho Việt Nam vẫn rất lớn nhưng thời gian không chờ đợi và quá nhiều biến số khó đoán ở phía trước./.