Công ty luật Robbins Geller, một trong những công ty khởi kiện hàng đầu của Mỹ vừa công bố một cuộc điều tra về những vi phạm có thể xảy ra của hãng xe điện Việt Nam VinFast theo luật chứng khoán của Hoa Kỳ.
Cuộc điều tra sẽ “tập trung vào việc liệu VinFast và một số giám đốc điều hành hàng đầu của công ty có đưa ra những tuyên bố sai trái và/hoặc gây hiểu lầm và/hoặc không tiết lộ thông tin quan trọng cho các nhà đầu tư hay không”, thông cáo của Robbins Geller nói.
Hãng luật của Mỹ kêu gọi công chúng nếu có thông tin có thể hỗ trợ cho cuộc điều tra, hoặc nếu là nhà đầu tư của VinFast bị thua lỗ và muốn tìm hiểu thêm về cuộc điều tra hãy liên hệ với Robbins Geller.
VinFast là hãng xe hơi điện đầu tiên của Việt Nam tham gia vào thị trường Mỹ. VinFast được thành lập bởi tỷ phú Phạm Nhật Vượng, người giàu nhất Việt Nam và là người sáng lập tập đoàn mẹ VinGroup.
Kể từ khi thành lập vào năm 2017, VinFast đã công bố nhiều kế hoạch phát triển xe điện đầy tham vọng ở nước ngoài. Hiện VinFast đang xây dựng một nhà máy sản xuất xe điện ở bang North Carolina của Mỹ, dự kiến bắt đầu hoạt động vào năm 2025.
VinFast được niêm yết trên Nasdaq vào ngày 15/8 sau khi hoàn tất thương vụ sáp nhập với công ty mua lại với mục đích đặc biệt hay công ty séc trắng (SPAC) Black Spade.
Nhà sản xuất xe điện của Việt Nam đã đạt được mức định giá khoảng 85 tỷ USD, cao hơn so với hãng Ford của Mỹ, vào thời điểm đó.
Trong thông cáo về việc điều tra, hãng luật Robbins Geller nói “Kể từ khi công bố hoàn thành sáp nhập doanh nghiệp, cổ phiếu phổ thông của VinFast đã được giao dịch ở mức cao tới 82,35 USD/cổ phiếu. Tính đến thời điểm đóng cửa ngày 15/11/2023, cổ phiếu phổ thông của VinFast được giao dịch ở mức 6,17 USD mối cổ phiếu, giảm hơn 92%.
Robbins Geller, một trong những tổ hợp luật hàng đầu thế giới với kinh nghiệm làm việc trong nhiều vụ gian lận chứng khoán, cho biết họ đã thành lập “Lực lượng đặc nhiệm SPAC” chuyên trách để bảo vệ các nhà đầu tư trong các công ty séc trắng và tìm cách khắc phục những hành vi sai trái của công ty.
Tổ hợp này trong năm 2022 đã thu hồi hơn 1,75 tỷ USD cho các nhà đầu tư.
Phản hồi thông tin về cuộc điều tra, một đại diện của VinFast hôm 17/11 nói rằng việc kiện tụng là “hết sức bình thường” và VinFast “luôn sẵn sàng đối diện”.
“VinFast luôn hướng tới việc công bố thông tin minh bạch tới nhà đầu tư tại thị trường. Hiện tại, VinFast vẫn đang hoạt động hoàn toàn bình thường tại Mỹ. Tuy nhiên, việc kiện tụng là hết sức bình thường, thường xuyên ở Mỹ nên chúng tôi luôn sẵn sàng đối diện với việc này từ khi quyết định triển khai các hoạt động kinh doanh tại thị trường Mỹ”, báo Kiến Thức Đầu Tư dẫn lời bà Hồ Ngọc Lâm, Trưởng ban Pháp chế Tập đoàn Vingroup kiêm Phó Tổng giám đốc phụ trách Pháp chế Công ty VinFast, nói hôm 17/11.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã bị giảm mạnh trong ngày 17/11 với áp lực bán tăng mạnh vào phiên chiều trước thông tin liên quan đến cổ phiếu VinFast đang niêm yết ở Mỹ.
Báo Người Lao Động cho biết kết phiên cuối tuần, chỉ số VN-Index đóng cửa tại 1.101 điểm, giảm mạnh 24 điểm với thanh khoản tăng mạnh, khối lượng khớp lệnh lên tới 1,26 tỉ cổ phiếu, tương ứng giá trị hơn 24.000 tỉ đồng. Sàn HoSE có đến 437 mã cổ phiếu giảm giá và 118 mã tăng giá. Áp lực bán đến từ nhóm cổ phiếu họ Vingroup gồm VIC, VHM, VRE giảm mạnh từ 4,4% – 6,4%.