Lê Văn Đoành (BáoTiếng Dân )
Trong nhiều chương trình “Tư vấn mùa thi” cho các trường phổ thông trung học ở Việt Nam, ban tổ chức thường đối mặt với câu hỏi của các học sinh: “Học trường nào để làm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước?” Các thành viên Ban tổ chức “bó tay”, không trả lời được, hoặc không dám trả lời.
Để đi tìm đáp án cho câu hỏi hóc búa trên, chúng ta thử phân tích vài sự kiện gần đây.
Sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc, kết thúc hôm 22-10-2022, Tập Cận Bình vẫn tiếp tục “ngự trị” trên cái ghế cao nhất ở Hoa Lục, nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp. Sau Đại hội Đảng vừa xong ở nước này, ông Trọng là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến Trung Quốc, “diện kiến” Tập Cận Bình. Dù sức khỏe rất kém sau cơn đột quỵ trong chuyến đi Kiên Giang trước đây, nhưng Tổng Bí thư đảng CSVN cũng cố gắng “lê bước” sang thăm Tập Chủ tịch từ ngày 30-10-2022 đến ngày 2-11-2022.
Ngay thời điểm đó, Hoàn Cầu Thời Báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, có bài xã luận cho rằng, chuyến đi của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đến Trung Quốc ngay khi ông Tập Cận Bình vừa tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba, cho thấy, “Việt Nam sẽ không đứng về phía Mỹ“.
Tại Trung Quốc, 21 phát đại bác cùng những “cơn mưa” trút những lời tụng ca “có cánh” về mối quan hệ “môi hở răng lạnh”, “vừa là đồng chí vừa là anh em”, đã làm ông Trọng như bay trên chín tầng mây. Chưa hết, trong chuyến thăm này, Tập Cận Bình trao tặng Nguyễn Phú Trọng “Huân chương hữu nghị nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.
Tập Cận Bình trao Huân chương cho Nguyễn Phú Trọng trong chuyến đi của ông Trọng tới Bắc Kinh hồi tháng 10/2022 TBT Nguyễn Phú Trọng đeo Huân chương Hữu nghị trên cổ. Nguồn: Redian
Chuyến đi của Nguyễn Phú Trọng cho thấy, “cây tre” Việt Nam chứng tỏ với Trung Quốc rằng, dù giữa hai Đảng còn có các bất đồng về tranh chấp trên biển, nhưng đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng “tình đồng chí” với Đảng Cộng sản Trung Quốc cùng hy vọng hai bên có thể duy trì mối quan hệ tốt đẹp. Hà Nội dường như muốn gởi thông điệp thiện chí, đối thoại để hạn chế những hiểu lầm không đáng có từ phía Bắc Kinh đối với những phát triển gần đây trong quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ.
Trong chuyến đi này, hai bên đã đưa ra “Tuyên bố chung về việc tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc” và 13 văn kiện hợp tác trên các lĩnh vực, mà hệ thống tuyên giáo và truyền thông Việt Nam cho rằng “đã phản ánh mức độ gắn kết của quan hệ Việt Nam – Trung Quốc”, cũng như “khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của hai Đảng, hai nước trong việc tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước”.
Tuyên bố chung có đoạn:
– Việt Nam và Trung Quốc vừa là láng giềng tốt, bạn bè tốt, núi sông liền một dải, vừa là đồng chí tốt, đối tác tốt, cùng chung chí hướng, chia sẻ vận mệnh chung.
– Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, thúc đẩy sự nghiệp xây dựng Đảng và xây dựng chủ nghĩa xã hội của mỗi Đảng.
Đặc biệt, một món quà nữa mà ông Tập dành cho ông Trọng, đó là cam kết cung cấp khoảng 1.000 suất học bổng Chính phủ cho Việt Nam trong 5 năm.
Không biết ngoài những tuyên bố công khai, lãnh đạo tối cao của hai đảng cộng sản còn bí mật đề cập đến những vấn đề gì khác; chỉ biết rằng, sau khi trở về từ Trung Quốc, đúng bốn tuần sau, vào ngày 30-11-2022, ông Trọng chỉ đạo triệu tập Ban Chấp hành Trung ương khẩn để họp bất thường. Trong phiên họp này, ông Trọng đã ra tay loại bỏ cùng lúc hai đương kim Phó Thủ tướng, một là Uỷ viên Bộ Chính trị, một là Uỷ viên Trung ương. Đó là ông Phạm Bình Minh (tốt nghiệp ngành Luật và Quan hệ quốc tế tại Trường Luật Quốc tế và Ngoại giao Fletcher, thuộc Đại học Tufts, Hoa Kỳ) và ông Vũ Đức Đam (tốt nghiệp Kinh tế Quốc tế tại trường Đại học Université Libre de Bruxelles, Vương quốc Bỉ).
Hơn nửa tháng sau, chỉ còn năm ngày nữa là đến Tết Quý Mão, ngày 17-1-2023 (tức ngày 26-12-2022 âm lịch), ông Trọng lại làm thêm cú bất ngờ khác, triệu tập Hội nghị Trung ương bất thường nữa để truất phế một trong “tứ trụ triều đình”, đương kim Chủ tịch nước. Ông Nguyễn Xuân Phúc đã bị “tiễn” ra khỏi trụ sở Chủ tịch nước chỉ vài ngày trước Tết.
Ngày 26-12-2022, ba tuần trước ngày ông Nguyễn Xuân Phúc bị tước bỏ quyền bính, Ban Tổ chức Trung ương đảng phát đi công văn “Yêu cầu cử cán bộ dự xét tuyển đại học và sau đại học tại Trung Quốc năm 2023” gởi đến tất cả ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội Trung ương và 63 tỉnh thành cả nước.
Diễn biến chính trường, cùng toan tính trong giới chóp bu của đảng CSVN đã làm nhiều cán bộ cấp cao giật mình, kinh sợ.
“Trăm hoa đua nở”, nhà nhà đi học Trung Quốc, người người đi học Trung Quốc. Du học Tây Âu, Mỹ ư? Xưa lắm rồi, lạc hậu và không có tiền đồ.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội hưởng ứng nhanh hơn, đưa ngay 20 học viên là cán bộ chủ chốt từ các sở, ban, ngành thành phố và các quận, huyện, đi học “Lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2025-2030” tại Đại học Bách Khoa Hoa Nam, được tổ chức từ ngày 19-9 đến ngày 26-9-2023 tại Quảng Châu, thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
Chiều 25-9-2023, Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố và Đoàn đại biểu cấp cao thành phố Hà Nội đã đến Trung Quốc để dự lễ bế giảng “Lớp bồi dưỡng cán bộ” này.
Tuy nhiên, niềm tin ở đâu khi mà từ đó đến nay, “bạn vàng” luôn đe doạ an ninh khu vực, xâm chiếm biển đảo, cướp bóc, đánh đập, đâm chìm tàu ngư dân Việt Nam? Đã vậy, Tập Cận Bình, Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc từng đứng giữa diễn đàn Quốc hội Việt Nam để viện dẫn nhiều câu ngạn ngữ nói về tình “anh em” trong quan hệ Việt – Trung, cũng như lươn lẹo cho rằng, “láng giềng khó tránh va chạm nhưng hai bên cần xuất phát từ đại cục để xử lý bất đồng”!
Đến đây, có lẽ mọi người đã có cái nhìn rõ hơn về nền ngoại giao “cây tre”, cũng như các bạn trẻ Việt Nam đã có câu trả lời cho câu hỏi: “Học ở đâu để làm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, vào Trung ương đảng…”!