Kim Ngữ (SGN)
Xem cái clip của Quốc hội từ nhiều tháng trước nay vẫn đọng lại trong tôi nhiều suy nghĩ. Thứ nhất, không thiếu đại biểu biết “báo cáo” một cách thông minh; thứ hai, chủ đề của từng địa phương được nghiên cứu rốt ráo, nhưng điều quan trọng nhất; thứ ba, họ có vẻ không tin lời mình nói được lắng nghe và thực hiện.
Trong phiên họp Quốc hội thảo luận “Việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí” vào năm ngoái, cái gọi là nghị quyết về lãng phí được nhiều đại biểu về tận địa phương để điều tra và kết quả cho thấy, từ năm 2016 đến 2021 có 1.300 vụ án liên quan đến tham nhũng lãng phí đưa ra xét xử, trong đó 1.086 vụ có tổng giá trị thiệt hại 31.800 tỷ.
Chưa hết, 3.085 dự án được xác định có thất thoát, lãng phí gây hậu quả nghiêm trọng, liên quan các lĩnh vực như giao thông, xây dựng mua sắm đầu tư các trang thiết bị y tế, giáo dục, ngân hàng, lĩnh vực thuế, trục lợi bảo hiểm xã hội… Hàng chục ngàn dự án chậm tiến độ và con số ngày càng tăng lên. Hàng ngàn dự án phải điều chỉnh đầu tư. Có nhiều dự án tăng mức điều chỉnh nhiều lần nhiều tầng nấc khác nhau so với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu.
Đây là nội dung của cuộc điều tra mà Quốc hội thực hiện nhằm báo cáo cho các cơ quan chính phủ nhằm sửa đổi và chấn chỉnh. Đối với cuộc điều tra này, nhiều người cho là hoàn chỉnh nhất từ trước tới nay và tiếp theo đó nhiều đại biểu đã đăng đàn nói thêm về địa phương mình.
Ông Trần Quốc Thuận thuộc tỉnh Nghệ An: Lãng phí đầu tư công về dự án hồ chứa nước Bàng Mông, đây là dự án quốc gia nhưng đã 10 năm trôi qua vẫn chưa hoàn thành.
Đại biểu Nguyễn Tạo, thuộc Lâm Đồng: Đất đai bị chiếm dụng. Quản lý đất đai có rất nhiều khu đất bị chiếm dụng như các sân bay phân lô bán nền, khu vực thuộc đất quốc phòng nằm giữa Bảo Lộc và Đà Lạt. Sân bay Cam Ly 53 hécta bị lấn chiếm 40 hecta. Sân bay phường Lộc Phát, Bảo Lộc hơn 35 hecta bị lấn chiếm hầu như toàn bộ.
Phạm Trọng Nhân thuộc đoàn Bình Dương: Cơ chế hiện hành đã bảo vệ công chức cán bộ bằng văn bản nhưng không đủ mạnh để răn đe bởi đồng lương của họ không thể sống được nhưng cứ tiếp tục thực hiện chính sách đồng lương teo tóp này. Nhà trường không cung cấp cho họ sức đề kháng thói hư tật xấu.
Về lãng phí niềm tin, lãng phí trách nhiệm, Trần Hữu Hậu thuộc đoàn Tây Ninh cho rằng tất cả các con số được đưa ra là hữu hình nhưng lãng phí niềm tin và trách nhiệm mới quan trọng. Thí dụ các bệnh viện không dám mua trang thiết bị vì sợ trách nhiệm. Tinh thần trách nhiệm có nhưng không dám phát huy gây lãng phí! Đây là lỗi của bộ máy và phương cách vận hành của bộ máy ấy. Cuối bài phát biểu, ông Hậu khẩn khoản “kính xin đảng và nhà nước” xem xét lại cơ chế nhằm chấn chỉnh việc trách nhiệm của cán bộ.
Đáng chú ý nhất là ông Trịnh Xuân An, thuộc Đồng Nai, Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Quốc phòng An ninh, khi nhấn mạnh đến yếu tố dân sinh quan trọng nhất: Có những công trình có yếu tố tư lợi chẳng hạn như quy hoạch về điện gió hơn 600 dự án đã xong nhưng không đưa vào sử dụng và họ đã cố ý làm sai.
Giống như ông Hậu của Tây Ninh, ông Trịnh Xuân An yêu cầu chuyển báo cáo này cho các cơ quan cao nhất như cơ quan Kiểm tra đảng, cơ quan Thanh tra, cơ quan Kiểm toán, kể cả cơ quan của Bộ công an.
Hai đại biểu năng nổ này chắc rất biết cách làm việc của đảng và chính phủ hơn ai hết. Tuy nhiên, tiếng nói nghị trường Quốc hội chẳng khác nào những chiếc loa rè, âm thanh lúc được lúc mất, lúc ồn như xe hỏa lúc kọt kẹt như chiếc giường tre giữa buổi trưa hè. Những chiếc loa rè chỉ phát lên lúc nào nhà nước muốn, vì vậy trong hầu hết phát biểu của họ, số uyển ngữ chiếm hết ba phần bài phát biểu. Nó gây chú ý cho người nghe không phải là đề tài cốt lõi mà là thứ ngôn ngữ sáng choang, lấp lánh hào nhoáng bên ngoài.
Ngồi trong cái hội nghị hôm ấy còn có một khuôn mặt vốn rất đình đám tại Sài Gòn: Nguyễn Thiện Nhân. Tuy nhiên, hôm đó Nhân ngồi im. Cho tới vài hôm gần đây, trong cuộc họp Quốc hội mới nhất chiều 23 Tháng Năm trong kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Nhân mới lên tiếng, và đã không nói thì thôi, khi nói bất cứ đề tài nào, Nhân cũng chứng tỏ ông dường như bị thiểu năng. Nhân luôn biết cách gây sock toàn tập.
Nhân cho rằng Tập đoàn điện lực EVN bị lỗ vì giá đầu vào liên tục tăng; vì thế ông đề nghị Quốc hội chấp thuận lấy số tiền vốn đầu tư công đã được Quốc hội phê duyệt cấp cho EVN 130 ngàn tỷ để cắt lỗ! Thật là một đề nghị hợp với lòng dân vì dân không bị tăng tiền điện nữa?
Ông đại biểu Nguyễn Thiện Nhân không cần biết rằng trong khi cả nước đã có 4.600MW điện gió và điện mặt trời đã lên lưới nhưng không được hòa vào mạng lưới điện Việt Nam; ấy thế mà EVN vẫn gào thét khóc lóc than lỗ triền miên và phải cúp điện dân để cắt lỗ! Lý do được Bộ trưởng Công thương giải thích là do Việt Nam đã hợp đồng mua điện của Trung Quốc nên không thể cắt hợp đồng được!
Nhìn giữa hai làn chữ, chúng ta thấy một sự thật: Ông Nhân lấy tiền nhà nước cung cấp cho EVN và EVN lại dùng số tiền đó “giao thiệp” với Trung Quốc, cuối cùng ai là người hưởng lợi từ cách làm này? Đây có phải là đại biểu Quốc hội đang cổ vũ sự thất thoát hàng trăm ngàn tỷ một cách hợp pháp, khi những người này vẫn cúc cung tận tụy nghe lời Bắc Kinh trong mọi dự án lớn nhỏ.
Lời đề nghị của ông Nhân rất khác với các đại biểu Quốc hội khác. Cái loa của Nhân không bị rè và Trung Quốc là kẻ nghe rõ nhất, và cùng với Trung Quốc là ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người gián tiếp chịu trách nhiệm thúc đẩy EVN ký hợp đồng mua điện của Trung Quốc. Ai cũng biết đây là câu chuyện liên quan tới quốc gia, lãnh thổ nếu không có sự chống lưng và ủng hộ của ông Tổng Bí thì có cho kẹo EVN cũng không dám một mình vung bút ký hợp đồng./.